Cảnh báo sớm, kiểm soát hiệu quả ô nhiễm không khí

Rác thải, ô nhiễm tiếng ồn, biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí là những vấn đề môi trường khác nhau mà TP. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt. Trong đó, nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí từ các phương tiện tham gia giao thông chiếm tỷ lệ rất lớn, chủ yếu là xe máy. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo 'Mô hình hóa tác động của không khí ô nhiễm và biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng tại TP. Hồ Chí Minh (Healthy Air 2022)'.

Bụi mịn vượt tiêu chuẩn

Theo PGS.TS. Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), tổng lượng phát thải khí nhà kính của TP. Hồ Chí Minh năm 2019 là 58.272.149 tấn CO2eq/năm. Chỉ riêng giao thông đường bộ chiếm 13.484.958 tấn CO2eq/năm. Trong đó, xe máy đóng góp cao nhất (63%) phát thải khí nhà kính. Lĩnh vực công nghiệp chiếm 17.612.942 tấn CO2eq/năm. Mặc dù trong năm 2021 - 2022, chất lượng không khí tại TP. Hồ Chí Minh được cải thiện do các hoạt động sản xuất và giao thông bị đình trệ vì dịch bệnh. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động này gia tăng trở lại khiến vấn đề ô nhiễm không khí tăng cao.

Kiểm soát ô nhiễm không khí là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường. Nguồn: ITN

“TP. Hồ Chí Minh có hơn 9 triệu phương tiện cá nhân lưu thông, gồm hơn 8 triệu xe máy và trên 800.000 ô tô. Những phương tiện này phát ra nhiều khí thải đặc biệt vào giờ cao điểm. Trong đó, chất lượng các xe chưa đạt chuẩn do nhiều xe đã cũ khiến khí thải từ động cơ xăng càng độc hại hơn” - PGS.TS. Hồ Quốc Bằng nhận định.

Theo các chuyên gia, hàm lượng các vật chất siêu nhỏ (bụi mịn PM2.5) tại TP. Hồ Chí Minh đang vượt quá tiêu chuẩn khuyến nghị cho sức khỏe. Từ kết quả nghiên cứu cùng các cộng sự của mình vào năm 2019, PGS.TS. Hồ Quốc Bằng chỉ ra rằng, hoạt động công nghiệp đóng góp lượng phát thải PM2.5 cao nhất, khoảng 39,7% tổng lượng PM2.5 tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là “sát thủ thầm lặng” gây ra các bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, ung thư… Mỗi năm, tổng số ca tử vong được phát hiện tại TP. Hồ Chí Minh là hơn 1.300 ca do 3 căn bệnh: ung thư phổi, tim - phổi và IHD (bệnh tim thiếu máu cục bộ) do tiếp xúc với các chất ô nhiễm PM2.5, SO2 và NO2.

Khẳng định ô nhiễm không khí nói chung và phơi nhiễm bụi mịn nói riêng hiện nay là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các rủi ro về sức khỏe, bệnh tật, nhất là bệnh về đường hô hấp, PGS.TS. Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen suyễn, dị ứng và miễn dịch lâm sàng TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, do hệ hô hấp là cơ quan đầu tiên chịu ảnh hưởng và đem chất ô nhiễm đi khắp cơ thể, cộng hưởng với đại dịch Covid-19, bệnh nhân có tiền sử về hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ phải đối mặt với nguy cơ bệnh tình trở nặng, thậm chí dẫn đến tử vong.

Quan trắc thường xuyên chất lượng không khí

Bổ sung danh mục kiểm tra về đo lường khí thải các phương tiện cơ giới nhập khẩu là kiến nghị của PGS.TS. Đoàn Thị Phương Diệp, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). Theo bà Diệp, cần triển khai áp dụng nhanh chóng các quy định kỹ thuật về khí thải cho sản xuất cũng như nhập khẩu các phương tiện giao thông cơ giới. Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách nâng cao chất lượng giao thông công cộng…

“Nguồn khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đang là nguyên nhân quan trọng dẫn đến ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, một lượng lớn phát thải khí từ nguồn này nằm ngoài danh mục kiểm soát hiện hành. Vì vậy, cần phải có biện pháp giải quyết cụ thể vấn đề này” - TS. Diệp lý giải.

Đồng tình với quan điểm đó, PGS.TS. Hồ Quốc Bằng cho rằng, thành phố cần xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí từ nay đến năm 2025 tầm nhìn 2030 nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Về giải pháp chi tiết, cần kiểm soát được khí thải xe máy, đưa vào quy định kiểm tra khí thải xe máy, nếu xe quá cũ không đạt yêu cầu khí thải phải loại bỏ hoặc yêu cầu người dân phải bảo dưỡng để xe đạt tiêu chuẩn khí thải giống như đang làm với các xe cơ giới.

Được biết, để giảm thiểu ô nhiễm không khí, UBND TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra rất nhiều giải pháp. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch năm 2022 về chương trình giảm ô nhiễm môi trường của thành phố là thực hiện dự án đầu tư nâng cao năng lực quan trắc môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện. Theo đó, Sở sẽ quan trắc thường xuyên, liên tục chất lượng không khí; thực hiện mở rộng mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố, bảo đảm liên tục cập nhật thông tin về chất lượng môi trường không khí. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng theo dõi dữ liệu quan trắc tự động chất lượng khí thải của các đơn vị được kết nối về sở; từ đó, kịp thời cảnh báo, đề xuất xử lý các trường hợp xả khí thải vượt chuẩn quy định.

Sở Giao thông Vận tải được giao tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án giao thông theo quy hoạch, nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải. Bên cạnh đó, Sở cũng chủ trì thực hiện các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông gây ra. Trong đó, tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân. Song song với đó, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường; xây dựng và triển khai các đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố.

Thanh Điểu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/moi-truong/canh-bao-som-kiem-soat-hieu-qua-o-nhiem-khong-khi-i292815/