Cảnh báo: Những trẻ có nguy cơ dậy thì sớm

Con bạn đang trong độ tuổi dậy thì? Bạn băn khoăn không biết con mình dậy thì sớm hay muộn? Hãy tham khảo ngay những thông tin dưới đây:

Trẻ cao lớn nhanh có nguy cơ dậy thì sớm, nhất là trẻ nữ

Theo Ths.BS Trần Quốc Cường ,Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, ác bé gái cao nhanh, đạt chiều cao tối đa theo tuổi từ 2-4 tuổi và giữ chiều cao tối đa theo tuổi cho đến những năm sau đó đến dậy thì thường có nguy cơ dậy thì sớm.

Thông thường, các em này khi vào mẫu giáo hoặc cấp I sẽ có chiều cao vượt trội so với các bạn cùng lớp và thường nằm trong nhóm các bạn cao nhất lớp. Ví dụ, bé gái 3 tuổi có chiều cao trung bình 95cm và chiều cao tối đa là 102cm, bé gái 4 tuổi có chiều cao trung bình 102cm và chiều cao tối đa 111cm, bé gái 5 tuổi cao trung bình 109cm và chiều cao tối đa 118cm.

Còn đối với trường hợp tăng chiều cao nhanh và sớm là do bé có cha mẹ cao, hoặc tăng trưởng bù sau sinh do bé chậm tăng trưởng trong bào thai, theo quan sát thống kê, những trẻ này cũng tăng nguy cơ thừa cân béo phì. Cơ chế dẫn đến hiện tượng này còn đang được nghiên cứu. Giả thuyết cho rằng ở những trẻ này có gia tăng nồng độ IGF-I và insulin dẫn đến trưởng thành sớm các tế bào thần kinh liên quan đến tiết nội tiết tố tăng trưởng (GnRH) ở não.

Các bé gái thường dậy thì sớm hơn các bé trai

Trẻ béo phì có nguy cơ dậy thì sớm

Trưởng khoa Nội tiết của Trung tâm y tế nhi quốc gia Mỹ, TS Paul Kaplowitz cho hay, trong vài chục năm trở lại đây, xu hướng dậy thì sớm đang ngày càng trở thành một vấn đề đáng báo động trong chăm sóc sức khỏe trẻ em. Theo đó, trẻ béo phì có nguy cơ dậy thì sớm hơn những đứa trẻ bình thường, đặc biệt là ở trẻ em gái.

Dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết nhất ở trẻ dậy thì là sự phát triển tuyến vú, và có thể kéo dài một vài năm. Sau đó mới xuất hiện các dấu hiệu như kinh nguyệt ở trẻ gái hay giọng nói thay đổi ở trẻ trai, mụn xuất hiện ở cả hai giới.

Các bằng chứng khoa học chỉ ra rằng những bé gái thừa cân, béo phì có nhiều khả năng dậy thì sớm hơn những em gái nhẹ cân, hay biếng ăn. Ở nhóm đối tượng thiếu cân, người ta thấy, các em thường trải qua tuổi dậy thì muộn hơn so với những bạn cùng trang lứa. Hơn nữa, các bé gái béo phì dậy thì sớm hơn các bé trai béo phì.

Các chuyên gia y tế giải thích, sở dĩ trẻ dậy thì sớm là do một loại hormone- kích thích tố có tên leptin. Leptin tiết ra từ các tế bào chất béo, nó đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự thèm ăn và chức năng sinh sản của con người. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, khi một đứa trẻ có đủ leptin trong cơ thể đó là lúc tuổi dậy thì bắt đầu. Do đó những cô bé thừa cân, béo phì, có nồng độ leptin cao sẽ dễ bị dậy thì sớm hơn.

Theo thông tin trên website chính thức của Bệnh viện Nhi Trung ương, dậy thì được coi là sớm nếu xuất hiện trước 8 tuổi (bé gái) và 9 tuổi (bé trai). Quá trình này được coi là muộn nếu chưa bắt đầu ở tuổi 13 (nữ) và tuổi 14 (nam).

Dậy thì bao gồm sự tăng trưởng nhanh của cơ và xương, sự thay đổi hình dáng và kích thước cơ thể cùng với sự hình thành khả năng sinh sản.

- Dậy thì ở bé gái thường bắt đầu khi các bé được 10,5 tuổi.

- Dậy thì ở bé trai bắt đầu muộn hơn, trung bình là 11,5-12 tuổi.

Nguồn Phụ Nữ Today: http://phunutoday.vn/xa-hoi/canh-bao:-nhung-tre-nao-co-nguy-co-day-thi-som-103880.html