Cảnh báo biến chứng do làm đẹp tại cơ sở không phép

Thời gian gần đây, tại Tp.HCM ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân phải cấp cứu do biến chứng sau khi làm đẹp, tại một số cơ sở không phép.

Cấp cứu trong đêm sau khi làm đẹp

Ngày 13/8, nguồn tin của PV Người Đưa Tin cho biêt, nữ bệnh nhân tên T.D, 56 tuổi, ngụ Tp.HCM đến một phòng khám thẩm mỹ ở Q.5, Tp.HCM để tiểu phẫu cắt bọng mắt bị biến chứng.

Ngay trong đêm, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy nhập viện trong tình trạng sưng bầm hai mi mắt, vết thương mi khâu kín, máu mô mềm quanh nhãn cầu hai bên sau khi cắt bọng mắt, phải theo dõi và điều trị…

Trước đó, ngày 2/8, tin từ Sở Y tế Tp.HCM cho biết, Thanh tra Sở Y tế Tp.HCM nhận được thông tin tai biến y khoa sau tiêm filler tại một cơ sở làm đẹp không phép. Bệnh nhân nữ, 39 tuổi đang điều trị tại Khoa Mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Cấp cứu cho bệnh nhân tiêm chất làm đầy vòng 3 bị biến chứng tại Tp.HCM. (Ảnh: BVCC).

Thanh tra Sở Y tế đã thành lập 2 đoàn đến Khoa Mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy làm việc, tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân và phối hợp Phòng Y tế quận Tân Bình, Ủy ban nhân dân phường 2 và Công an phường 2, quận Tân Bình tiến hành kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh Hồng Cúc do bà B.H.C làm chủ hộ, địa chỉ 50/19 Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình, Tp.HCM.

Tại đây, đoàn thanh tra ghi nhận: Khoảng 12h ngày 1/8, sau khi ủ tê, bà B.H.C thực hiện tiêm filler vào vùng trán phải bệnh nhân. Ngay sau tiêm khoảng 1 phút, bệnh nhân bị mờ mắt phải, bà C. liền tiêm thuốc giải cho bệnh nhân.

Sau đó, đưa người bệnh đến cấp cứu tại bệnh viện với chẩn đoán: Mắt phải: Viêm màng bồ đào toàn bộ, Tắc động mạch trung tâm võng mạc, theo dõi thiếu máu da vùng trán phải, mắt phải, mũi sau tiêm filler.

Cơ sở nói trên không có Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, có biển hiệu “Xinh Beauty & Academy”, gồm 1 trệt, 2 lầu, có Giấy chứng nhận đăng ký Hộ kinh doanh Hồng Cúc do Ủy ban nhân dân quận Tân Bình cấp, ngành nghề kinh doanh: Dịch vụ chăm sóc da.

Cơ sở triển khai các máy, trang thiết bị y tế, kim tiêm, lăn kim, filler,…dùng trong thẩm mỹ khi chưa được Sở Y tế thẩm định, cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Bà B.H.C là kỹ thuật viên chăm sóc da; không có bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

Thanh tra Sở Y tế tổng hợp hồ sơ, xử lý vi phạm đối với bà B.H.C, chủ Hộ kinh doanh Hồng Cúc theo đúng quy định.

Đừng vì làm đẹp mà bất chấp tính mạng

Sở Y tế Tp.HCM khuyến cáo người dân khi thực hiện các dịch vụ làm đẹp xâm lấn (tiêm, chích, phẫu thuật, hút mỡ, laser,...), phải lựa chọn các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định; không lựa chọn cơ sở làm đẹp mà chỉ dựa vào tên gọi trên bảng hiệu như “thẩm mỹ viện”, “viện thẩm mỹ”, “spa”,...

Khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, không nên vội vàng tin ngay, mà cần có sự kiểm chứng thông tin cẩn thận thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là Cổng tra cứu thông tin của Sở Y tế, để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cơ sở thẩm mỹ không phép trên địa bàn Tp.HCM. (Ảnh: Sở Y tế Tp.HCM).

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở làm đẹp trái phép, có dấu hiệu vi phạm, người dân có thể gọi ngay đường dây nóng qua số 0989.401.155 hoặc phản ánh qua app “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở Y tế có thông tin, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm theo quy định.

Theo Sở Y tế Tp. HCM, hiện có hơn 7.000 cơ sở cung ứng dịch vụ l thẩm mỹ tại Thành phố này. Nhưng chỉ có gần 600 cơ sở do Bộ và Sở Y tế cấp phép, chiếm chưa đến 15%. Còn lại 85% do quận, huyện, Tp.Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Chia sẻ với PV, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Tổng Giám đốc bệnh viện JW cho biết, hồi tháng 7/2023, bệnh viện từng cấp cứu cho một bệnh nhân tai biến nặng do tiêm filler vòng 3 tại cơ sở thẩm mỹ “chui”.

Bệnh viện đã phải tiến hành phẫu thuật hơn 3 giờ để cấp cứu cho bệnh nhân.

Bác sĩ Tú Dung cho rằng, làm đẹp là nhu cầu chính đáng, nhưng hãy đủ tỉnh táo và cân nhắc để lựa chọn cơ sở chính quy, bác sĩ được cấp phép để tránh nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Bác sĩ Dung chia sẻ: “Filler bản chất là hyaluronic acid, chất làm đầy được sử dụng trong làm đẹp. Tuy nhiên, khi tiêm filler phải cực kỳ lưu ý phải tiêm đúng loại filler chất lượng được cấp phép không thể tiêm một lượng quá nhiều, Bộ Y tế quy định người tiêm chất làm đầy bắt buộc phải là bác sĩ da liễu hoặc tạo hình thẩm mỹ, được đào tạo chính quy. Cơ sở thực hiện cũng phải được cấp phép chứng nhận. Đặc biệt, tuyệt đối không nên tiêm filler để nâng ngực hoặc nâng mông vì có thể gây ra nhiều tình trạng thương tâm. Cần ưu tiên lựa chọn những phương pháp an toàn hơn như cấy mỡ hoặc đặt túi".

"Chưa bao giờ số lượng bệnh nhân bị hoại tử vì tiêm filler ở các cơ sở thẩm mỹ chui lại nhiều như hiện nay. Trong thời gian ngắn, Bệnh viện JW đã liên tục cấp cứu nhiều bệnh nhân gặp biến chứng sau tiêm filler làm đẹp. Con số này đã tăng đến mức đáng báo động”,TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung chia sẻ thêm.

Nguyễn Lành

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/canh-bao-bien-chung-do-lam-dep-tai-co-so-khong-phep-a621457.html