Canh bạc của Steve Jobs cứu Apple 25 năm trước

Canh bạc thành công mang tên iMac vào năm 1998 là tiền đề cho sự xuất hiện của những sản phẩm quan trọng sau này của Apple như iPhone, iPad hay App Store.

Ngày 6/5/1998, cố CEO Steve Jobs giới thiệu chiếc iMac đầu tiên, sản phẩm máy tính ra đời năm 1998 giúp Apple đứng lên từ bờ vực phá sản.

Vào ngày 19/4/2001, tức 2 năm 8 tháng 4 ngày sau khi lên kệ lần đầu, Apple thông báo xuất xưởng chiếc iMac thứ 5 triệu. Nghĩa là mỗi ngày có 5.112 máy iMac được bán ra, và cứ hơn 16 giây có một sản phẩm đến tay người dùng.

Chiếc iMac thế hệ đầu tiên. Ảnh: Apple.

Chính thành công này của iMac đã giúp Apple đứng lên từ đống đổ nát. Nếu canh bạc này thất bại, ngày nay người dùng có thể đã không còn thấy sự xuất hiện của những iPhone, iPad hay App Store.

Sản phẩm đưa Apple trở về từ cõi chết

Kể từ khi ra mắt sản phẩm Apple II, Apple Computer của Jobs đã lớn mạnh không ngừng. Tuy nhiên, chỉ một năm sau khi Macintosh được tung ra thị trường, công ty đã nhanh chóng rơi vào thời kỳ khó khăn.

Ban đầu, Macintosh đã bán rất chạy. Thậm chí, đoạn quảng cáo cho Macintosh có tên 1984, được chiếu tại sự kiện thể thao Super Bowl XVIII trở thành một trong những quảng cáo thành công nhất mọi thời đại.

Chính những tin tốt này đã khiến Apple phải cho sản xuất số lượng lớn, với kỳ vọng doanh số bùng nổ. Đột nhiên, sản phẩm lại không bán được nữa khiến doanh thu của công ty tụt dốc đột ngột.

Năm 1984, Apple cho sản xuất Macintosh số lượng lớn, với kỳ vọng doanh số bùng nổ. Đột nhiên, sản phẩm lại không bán được nữa khiến doanh thu của công ty tụt dốc đột ngột. Ảnh: TNS.

Ban lãnh đạo "Táo khuyết" khi ấy đã lúng túng. Họ cho rằng việc doanh thu tụt giảm là lỗi của chính Steve Jobs.

Nhận thấy cần có một người kinh nghiệm hơn để cố vấn công việc điều hành Apple, Steve Jobs đã mời John Sculley, lúc đó đang là CEO của Pepsi về lãnh đạo công ty.

Sau này, huyền thoại công nghệ thừa nhận thuê Sculley là quyết định sai lầm của mình bởi chỉ sau có hai năm, chính CEO này là người khiến Steve Jobs ra khỏi Apple.

Sau khi rời Apple, Jobs lập nên công ty NeXT để phát triển sản phẩm mà ông ấp ủ. Ông đã đầu tư 12 triệu USD từ chính tài sản của mình để làm nên chiếc máy tính đầu tiên của NeXT, ra đời năm 1988.

Một lần nữa, Steve Jobs phải nhận thất bại. Chỉ 5 năm sau, NeXT dừng sản xuất máy tính.Không nản lòng, cố CEO sau đó chuyển hướng sang phần mềm.

Quyết định này thực sự đúng đắn. Hệ điều hành được gọi là NeXTSTEP, dựa trên UNIX vượt trội so với hệ điều hành Mac OS trên các máy Mac bấy giờ nhờ hỗ trợ lập trình hướng đối tượng và tối ưu bộ nhớ tốt hơn.

Trong khi đó, 8 năm sau khi Steve Jobs rời công ty, Apple đối mặt hàng loạt khó khăn. Lợi nhuận của công ty vào năm 1993 đã giảm 84%, khiến CEO John Sculley phải từ chức.

Hệ điều hành NeXTSTEP đã đặt nền tảng cho các phiên bản Mac OS về sau. Ảnh: The Color Convergence.

Đến lúc này, NeXT trở thành "tấm vé" đưa Jobs trở lại với công ty do chính mình thành lập. Cuối năm 1996, Amelio – CEO đương nhiệm Apple quyết định thâu tóm NeXT với giá 429 triệu USD. Sau 11 năm, Steve Jobs một lần nữa trở về mái nhà xưa, với vai trò cố vấn, báo cáo tình hình cho CEO Gil Amelio.

Năm 1997, Jobs chính thức trở lại nắm chức quyền CEO Apple sau cuộc đảo chính khiến Amelio từ chức.

Thực tế, Steve Jobs trở lại Apple đúng vào giai đoạn tồi tệ nhất. Sau này, cố CEO tiết lộ rằng nhiệm vụ ban đầu của ông không phải tạo ra một sản phẩm mới, mà là cứu công ty khỏi cảnh phá sản trong 90 ngày.

Khi một công ty gặp khủng hoàng, cắt giảm chi phí là điều không thể tránh khỏi và cũng là cách để họ chứng tỏ rằng mình vẫn còn sức sống.

Steve Jobs trở lại Apple đúng vào giai đoạn tồi tệ nhất. Khi đó, Apple công bố 20th Anniversary Mac - mẫu máy kỷ niệm 20 năm hãng gia nhập thị trường PC, nhưng thất bại nặng nề. Ảnh: Reuters.

Apple cũng không phải ngoại lệ. Ngay sau khi lên nắm quyền, Steve Jobs giới thiệu iMac, chiếc máy tính nổi bật với bộ vỏ trong suốt, nhiều màu sắc và không có khe đĩa mềm, tính năng phổ biến trên máy tính thời điểm ấy.

Jobs sau đó cũng được bổ nhiệm làm CEO chính thức, khởi đầu kỷ nguyên thành công mới của Apple.

Sự tự tin của Steve Jobs

Thực tế, canh bạc mang tên iMac đã được cố CEO ấp ủ ngay từ năm 1997. Thậm chí vào năm 1988, "Táo khuyết" từng thay đổi logo trong một thời gian ngắn để chào đón sự ra mắt của iMac.

Biểu tượng được chuyển sang màu xanh Bondi, tương tự với chiếc iMac đầu tiên. Logo đã thể hiện rõ sự đa dạng về mặt màu sắc của thiết bị này.

Ngày 4/7/1997, Jobs đã thành công trong việc thuyết phục Hội đồng quản trị của công ty thay thế Amelio bằng chính bản thân mình. Ảnh: Reuters.

Trong buổi giới thiệu sản phẩm mới vào năm 1998, Jobs dành khoảng 4 phút để báo cáo tình hình kinh doanh của Táo khuyết.

Không bất ngờ khi mọi con số đều rất thấp. Nhưng ông muốn mọi người chú ý rằng một Apple mới sẽ không còn thê thảm như vậy nữa.

Đó cũng là lúc tới màn giới thiệu iMac. Như mọi khi, Jobs ca ngợi cỗ máy này với những thứ kỳ diệu mà chỉ Apple mới có thể làm ra khiến mọi đối thủ phải theo sau.

Jobs đã đúng. Ngay trong năm đầu tiên, gần hai triệu chiếc iMac đã được bán ra. Thị phần của Apple đã tăng gấp đôi lên 11,2%.

Phần còn lại đã đi vào lịch sử khi ai cũng biết iMac thành công đến mức nào. Thời điểm đó, không ai chê trách chiếc máy tính này vì được tạo ra bởi một công ty sắp phá sản. Thay vào đó, mọi người hăng say bàn luận về sự hồi sinh của Apple với "điều kỳ diệu tuyệt vời".

"Những dòng chữ này được gõ trên chiếc máy tính đẹp nhất tôi từng dùng. Đây là sản phẩm 'táo bạo' nhất của Apple từ năm 1980", cây viết Wall Mossberg từ WSJ nhận định.

Cho đến nay, vẫn không ai biết chính xác doanh số iMac trong suốt vòng đời là bao nhiêu. Cũng không rõ Apple đã đạt cột mốc 10 triệu iMac bán ra hay chưa.

Số liệu cuối cùng công bố vào năm 2004 cho biết sản phẩm đã bán được 8,7 triệu chiếc, tương đương 2.330 máy tính bán mỗi ngày, với thời gian trung bình là 3,9 giây/chiếc.

Thành công của iMac như một liều thuốc hồi sinh Apple. Chữ "i" đại diện cho Internet trên máy iMac sau này đã trở thành biểu tượng, nguồn cảm hứng cho chặng đường vươn đến kỷ lục 2.000 tỷ USD của Apple ngày nay.

Steve Jobs giới thiệu mẫu iMac đầu tiên vào năm 1998, mở ra hành trình hồi sinh kỳ diệu của Apple. Ảnh: Reuters.

Tháng 10/2001, Apple giới thiệu máy nghe nhạc iPod, thiết bị đã làm thay đổi ngành âm nhạc, mở ra kỷ nguyên nhạc số.

Sau đó, Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007. Trên sân khấu, CEO Steve Jobs đã tuyên bố rằng Apple sẽ "phát minh lại điện thoại".

Câu nói này như một lời tiên tri, iPhone đã làm thay đổi mãi mãi ngành công nghiệp di động, khiến ngay cả "gã khổng lồ" Nokia cũng phải sụp đổ.

Đầu 2010, Apple công bố iPad. Một lần nữa, gã khổng lồ xứ Cupertino tự tạo ra phân khúc thị trường mới. Đến cuối năm iPad chiếm lĩnh 84% thị trường máy tính bảng toàn cầu.

Sự thành công của iPhone cùng hàng loạt sản phẩm, dịch vụ khác đã đưa Apple đến ngôi vị công ty công nghệ có giá trị 1.000 tỷ USD vào năm 2018. Tuy nhiên, nếu canh bạc mang tên iMac vào năm 1998 thất bại, khó có thể tượng tượng liệu Apple có còn tồn tại đến ngày nay.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/canh-bac-cua-steve-jobs-cuu-apple-25-nam-truoc-post1429701.html