Căng thẳng Nga - Mỹ: Chiến tranh Lạnh đã quay trở lại?

Nhiều chuyên gia nhận định, căng thẳng giữa Nga và Mỹ hiện nay còn nguy hiểm hơn cả căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.

Thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã có một sự cân bằng về sức mạnh quân sự giữa tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO và khối Warszawa (hiệp ước quân sự được ký kết vào năm 1955 giữa 8 nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa ở Trung và Đông Âu).

Giai đoạn này, cả hai bên đều bật chế độ “nhún” nhất định khi Mỹ và NATO thiết lập kênh thông tin liên lạc với Liên Xô. Dù “bằng mặt nhưng không bằng lòng” nhưng đã giúp thế giới bước qua Chiến tranh Lạnh một cách yên ổn, không có bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào.

Nga triển khai Hạm đội Biển Bắc và phần lớn của Hạm đội Baltic đến Syria cũng dấy lên sự lo ngại của các nước phương Tây.

Thế nhưng hiện tại, hành động của Nga khó đoán hơn Liên Xô trước đây. Nguy cơ dẫn đến một cuộc giao tranh giữa NATO và Nga đang thường trực bùng phát, có khả năng biến thành một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tướng Richard Shirreff, cựu Phó Tư lệnh Tối cao NATO phát biểu tại cuộc họp tổ chức tại viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ) rằng: “Đây có phải sự trở lại của Chiến tranh Lạnh? Tôi nghĩ tình hình có thể còn trở nên nguy hiểm hơn thế”.

Tướng Shirreff chỉ rõ, các quốc gia Tây Âu mặc dù có nền kinh tế tương đối phát triển, song khả năng quân sự và chính trị của họ lại khá yếu. Chính Moscow đã phát hiện ra điểm yếu này vậy nên mọi hành động của Nga như thử thách quyết tâm của các nước châu Âu và đẩy họ đến căng thẳng cực độ. “Nga luôn tôn trọng sức mạnh và khinh thường sự yếu đuối, và vì vậy họ luôn thăm dò điểm yếu của đối thủ của mình”, tướng Shirreff nhận định.

Chiến lược khai thác điểm yếu là lý do khiến Nga luôn tìm cách chia rẽ quan hệ giữa các nước phương Tây, cụ thể là giữa Mỹ và các nước đồng minh châu Âu. Moscow gây sức ép đối với vùng Baltic nếu quá giới hạn nhất định Điều 5 trong hiệp ước NATO sẽ được kích hoạt.

“Nếu phương Tây phát hiện có sự xâm phạm của Nga hay chỉ một binh sĩ Nga xâm phạm lãnh thổ một nước vùng Baltic, điều đó có nghĩa là tất cả các nước thành viên NATO, trong đó có Mỹ, đang bị xâm phạm. Và một cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra rất lớn”, cựu Phó tư lệnh NATO nhận định.

Song ông Shirreff cũng thừa nhận rằng, khả năng Nga tiến quân vào vùng Baltic là rất ít, nhưng mọi hành động của người đứng đầu Điện Kremlin rất khó nắm bắt và các nước phương Tây luôn luôn phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Minh chứng rõ nhất cho nhận định này là rò rỉ thư điện tử của đảng Dân chủ Mỹ, rất có thể Nga đang có ý định ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử Tổng thống. “

Bê bối xâm nhập thư điện tử của đảng Dân chủ đã gây mất ổn định, làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiệm của cuộc bầu cử quốc gia. Đây như một hành động gây chiến của Thế kỷ 21”, tướng Shirreff cho hay.

Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/cang-thang-nga-my-chien-tranh-lanh-da-quay-tro-lai-a304087.html