Cần “xốc” lại vai trò người đứng đầu

ICTnews - Theo ông Phùng Văn Ổn - Giám đốc Trung tâm Tin học Văn phòng Chính phủ, để việc triển khai các dự án CNTT trong cơ quan Nhà nước thành công, thì yếu tố quan trọng là phải giải được bài toán về nguồn nhân lực, ngân sách, gắn hiệu quả ứng dụng với công việc chuyên ngành và hơn hết là “xốc” lại vai trò của những người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ…

Mức lương cho nhân lực CNTT trong các cơ quan Nhà nước cần phù hợp hơn. Đâu là yếu tố để thành công khi triển khai dự án CNTT trong cơ quan nhà nước?” Đây chính là một câu hỏi mà hiện nay nhiều cấp ngành đang tìm hiểu và đang phải trả lời. Chúng ta cũng thấy thực sự trong vòng 15 năm qua, nhất là bắt đầu từ năm 2000, mong muốn của Chính phủ là đưa CNTT vào cuộc sống để làm sao tạo được hiệu quả cao nhất trong công tác quản lý điều hành, tăng năng suất lao động, phục vụ người dân tốt hơn... Những khó khăn trong việc thực hiện các dự án CNTT trong các cơ quan nhà nước phải nói rằng sự gắn kết của CNTT vào lĩnh vực chuyên ngành chưa được như mong muốn, đó là nguyên nhân làm cho các dự án CNTT chưa phát huy được hiệu quả một cách đầy đủ. Bên cạnh đó là vấn đề nguồn lực cho CNTT. Nguồn lực ở đây được hiểu trên hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là số lượng nhân lực và thứ hai là tài chính cho nhu cầu ứng dụng thực tế. Về đội ngũ nhân lực làm CNTT ở các cơ quan nhà nước hiện nay đang có rất nhiều hạn chế cả về số lượng cũng như chất lượng. Trong các cơ quan nhà nước giai đoạn vừa qua, đặc biệt là từ năm 2006 – 2008, chúng ta từng nói nhiều câu chuyện không thu hút được cán bộ, không giữ chân được cán bộ có năng lực chuyên môn cao. Tuy nhiên nếu nhìn nhận một cách thẳng thắn thì chúng ta cần phải nhìn nhận trong quy luật cạnh tranh: Các doanh nghiệp với ưu thế của lương bổng, sự linh hoạt của môi trường công việc đã thu hút rất nhiều nhân lực CNTT trình độ cao. Hầu hết các sinh viên giỏi khi ra trường đều tìm đến những doanh nghiệp này và “thờ ơ” với các cơ quan nhà nước. Sau một quá trình nỗ lực học tập, họ muốn vươn tới một công việc tốt, có thu nhập phù hợp để có cuộc sống tốt hơn, vậy mà một kỹ sư mới ra trường chỉ hưởng lương hệ số 2,34 mà với hệ số lương này bây giờ thì cũng chỉ có hơn 1 triệu đồng. Nếu có hỗ trợ, thêm phụ cấp thì cũng chỉ được vài ba trăm nghìn không đáng kể. Trong khi đó nếu các bạn trẻ ở quê xa, buộc phải thuê nhà… thì đây thực sự là rào cản của câu chuyện nguồn nhân lực. “Trong khi các cơ quan nhà nước chưa giải quyết được bài toán thu hút nhân lực bằng thu nhập tốt, thì vẫn mãi gặp nhiều khó khăn. Nếu mức lương mà các đơn vị nhà nước chỉ bằng 1/5, có khi bằng 1/10 doanh nghiệp mà môi trường làm việc lại không tốt, không có cơ hội phát triển thì làm sao mà tuyển hay giữ được nhân lực CNTT”, ông Ổn nhận định. Theo ông Ổn, về nguồn lực tài chính, trong thời gian qua mặc dù rất cố gắng nhưng tài chính để đảm bảo cho lĩnh vực CNTT là cũng chưa thật sự tốt và chưa đáp ứng được ở cả các cơ quan trung ương và địa phương, đặc biệt là các địa phương còn khó khăn. Theo quan điểm của ông Phùng Văn Ổn, đã đến lúc phải điều chỉnh một số cơ chế trách nhiệm đối với người lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tỉnh, thành phố. Thủ trưởng các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, thậm chí các Chủ tịch UBND thành phố hiện nay hầu hết đều không phải chịu một trách nhiệm nào nếu như việc ứng dụng CNTT không hiệu quả sau khi đã được thủ tướng ký quyết định phê duyệt chương trình dự án mà do chính những đơn vị, các Bộ đó đề xuất lên. “Chính vì vậy, để tháo gỡ được chuyện đó, mới đây chúng tôi có đề xuất tham mưu để đưa vào Dự thảo Ứng dụng CNTT Quốc gia một số chế tài để điều chỉnh thực trạng này”, ông Ổn cho biết, đồng thời nhấn mạnh: Thứ nhất là Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND thành phố phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng khi không hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao qua các chương trình ứng dụng. Trách nhiệm thứ hai là thuộc về Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư. Hai Bộ này phải đảm bảo đáp ứng đủ những yêu cầu về nguồn lực, kinh phí cho CNTT đã được Thủ tướng phê duyệt. Và thứ ba là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp trong lĩnh vực CNTT là Bộ TT&TT phải có trách nhiệm ban hành đủ các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn việc thực hiện, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện các dự án. Đó là những điều mà chúng tôi thấy rằng quá trình thực hiện các dự án có những khó khăn thách thức và yêu cầu đòi hỏi trong thời gian tới nên đi theo hướng như vậy.

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/Home/nguon-nhan-luc/Can-xoc-lai-vai-tro-nguoi-dung-dau/2010/10/2SVMC3032218/View.htm