Cán Tỷ nỗ lực giảm nghèo bền vững

Mặc dù là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Quản Bạ, tuy nhiên nhờ sự quan tâm của tỉnh, huyện, cấp ủy và chính quyền, nhân dân xã Cán Tỷ đã nỗ lực vượt khó thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu đã được đầu tư, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát huy tối đa thế mạnh của địa phương, bộ mặt nông thôn từng bước khởi sắc.

Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xã Cán Tỷ đã triển khai, thực hiện nhiều biện pháp giảm nghèo, trong đó đang tập trung 3 chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng Nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững”. Các chương trình cụ thể như: Chương trình khởi nghiệp; cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, thực hiện.

Nghề may mặc dân dụng giúp người dân xã Cán Tỷ có việc làm, tăng thu nhập.

Chia sẻ về công tác giảm nghèo, đồng chí Giàng Mí Mua, Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ cho biết: Toàn xã có 8 thôn, 1.147 hộ, 5.654 nhân khẩu, thành phần dân tộc chiếm đa số là đồng bào dân tộc Mông, thu nhập của người dân dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là hơn 73% thì đến 2023 đã giảm còn 68,53% đạt 100% kế hoạch giao. Để công tác giảm nghèo có hiệu quả, trên cơ sở số liệu điều tra hằng năm, xã đã phân tích dữ liệu hộ nghèo từng thôn để có các giải pháp giảm nghèo. Với những hộ thiếu vốn thì chỉ đạo rà soát, xác định rõ nhu cầu vay vốn; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi. Những hộ nghèo làm nông nghiệp, chuyển đổi ngành nghề, thiếu kỹ năng lao động thì ưu tiên tham gia các lớp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; tạo điều kiện để người nghèo tự tạo việc làm, tăng thu nhập, từ đó vươn lên trong lao động, sản xuất để từng bước thoát nghèo. Phối hợp với Phòng Lao động- TBXH huyện, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để cung cấp thông tin về thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động nhằm tăng cơ hội, khả năng tìm việc làm và học nghề cho người nghèo. Năm 2023, xã đã phối hợp với các đơn vị chức năng mở 6 lớp đào tạo nghề và tập trung chủ yếu vào các nghề may mặc, nấu ăn và xây dựng. Không chỉ rà soát, khảo sát, điều tra cung - cầu lao động, giới thiệu việc làm tới các xóm, mà xã còn tăng cường giải quyết việc làm tại chỗ, nhất là lao động trong các hộ nghèo, cận nghèo, giúp họ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chị Vàng Thị Sáng, thôn Đầu Cầu 2, chia sẻ: “Vừa qua, xã đã phối hợp với doanh nghiệp tổ chức dạy nghề may mặc cho người dân tại địa phương, được tuyên truyền và đi học lớp dạy nghề may mặc, sau khi hoàn thành khóa học tôi rất vui vì giờ tôi đã được làm việc tại Hợp tác xã Dệt lanh Cán Tỷ. Ngoài việc tự may được quần, áo cho gia đình, bây giờ tôi đã có thêm thu nhập và có việc làm”.

Đến nay trên địa bàn xã đã có 16 mô hình khởi nghiệp, phát triển kinh tế đạt hiệu quả, tiêu biểu như: Mô phát triển chăn nuôi quy mô từ 20 -30 con lợn của gia đình anh Cháng Mí Sử, thôn Lùng Vái và anh Mua Mí Chính, thôn Đầu Cầu II; mô hình khởi nghiệp từ làm nhôm kính của anh Mua Mí De; nhiều mô hình nuôi bò vỗ béo và sinh sản, nuôi dê, ong hay kinh doanh các dịch vụ du lịch, ăn uống…

Tin tưởng rằng, với những giải pháp, cách làm trên, công tác giảm nghèo của xã Cán Tỷ có chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024 và những năm tiếp theo, tiến đến mục tiêu phát triển bền vững.

Bài, ảnh: NGUYỄN DỊU

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202401/can-ty-no-luc-giam-ngheo-ben-vung-7d9150b/