Cẩn trọng với ẩn tinh hoàn ở trẻ

Ẩn tinh hoàn là bất thường bẩm sinh phổ biến nhất ở hệ sinh dục của trẻ em, xảy ra ở 30% số trẻ trai đẻ non và khoảng 4% trẻ đủ tháng.

Kiểm tra cẩn thận

Trong vòng 6 tháng sau sinh, tinh hoàn có thể tiếp tục quá trình di chuyển và xuống đến đúng vị trí trong bìu. Tuy nhiên, chỉ một nửa trong số tinh hoàn bị ẩn có thể tự di chuyển trong thời kỳ này... Nếu sau 6 tháng mà tinh hoàn chưa đúng vị trí của nó, trẻ cần phải được điều trị. Nếu không, sự phát triển của tinh hoàn sẽ bị giới hạn, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, thậm chí tinh hoàn có thể bị ác tính hóa.

Ảnh minh họa

Ngay từ khi được sinh ra, bố mẹ hoặc người chăm sóc em bé cần kiểm tra ngay tình trạng bìu hai bên, cũng như tổng thể toàn thân của em bé. Nếu nghi ngờ, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa ngoại nhi để khám. Cần lưu ý là, 70% số tinh hoàn không ở trong bìu có thể được sờ thấy bởi các bác sĩ chuyên khoa ngoại nhi chỉ cần bằng cách khám lâm sàng. 30% còn lại, không thể xác định được vị trí của tinh hoàn, nó có thể có ở rất sâu, thậm chí ở trong ổ bụng hoặc cũng có thể không có tinh hoàn.

Một trường hợp bệnh lý khác, đó là tinh hoàn lúc sờ thấy ở bìu, có lúc lại không sờ thấy. Trường hợp này người ta gọi là “tinh hoàn lò xo”, tinh hoàn di động lên lên xuống xuống giữa bìu và bẹn. Thông thường, “tinh hoàn lò xo” không cần phải điều trị, nhưng cần phải được khám và theo dõi thường xuyên vì khi trẻ lớn lên, độ co giãn của “lò xo” không phát triển theo, dẫn đến ẩn tinh hoàn thực sự. Nếu tinh hoàn của trẻ không thể sờ thấy ở bìu sau 6 tháng, cần phải đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa ngoại nhi khám và điều trị. Phương pháp điều trị cơ bản và hiệu quả nhất đó là phẫu thuật hạ tinh hoàn xuống bìu.

Cần thiết phải phẫu thuật

Việc phẫu thuật là rất cần thiết, vì các lý do như sau: Nhiệt độ cơ thể cao có thể hạn chế sự phát triển của tinh hoàn, ảnh hưởng đến chức năng sinh tinh của tinh hoàn, có thể gây vô sinh trong tương lai. Tinh hoàn ở không đúng vị trí của nó có nguy cơ ác tính hóa cao hơn rất nhiều lần tinh hoàn bình thường. Tinh hoàn ở trên cao dễ bị ảnh hưởng bởi chấn thương hoặc tình trạng xoắn tinh hoàn. Ngoài ra, bìu hai bên không đối xứng gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Đôi khi xảy ra thoát vị bẹn do nguyên nhân tinh hoàn không di chuyển, lỗ bẹn không được đóng kín.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở vùng bẹn bệnh nhân, tìm và kéo tinh hoàn ra, đánh giá kích thước và độ dài của bó mạch thừng tinh, sau đó rạch một đường khác dưới bìu, cố định tinh hoàn vào lớp cơ ở bìu sao cho nó không thể co kéo lên trên được nữa. Thời gian nằm viện khoảng hai ngày và hầu như bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn sau một tuần.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ẩn tinh hoàn một bên hầu như không ảnh hưởng gì đến khả năng sinh sản cũng như nội tiết tố nam. Tuy nhiên, mặc dù đã được phẫu thuật, bệnh nhân vẫn cần được theo dõi và khám lại định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa ngoại nhi. Một điều quan trọng nữa bố mẹ và nam giới nói chung cần lưu ý, cần phải tự mình kiểm tra tinh hoàn thường xuyên, phát hiện sớm các tình trạng bất thường của tinh hoàn. Bất cứ vấn đề gì của tinh hoàn, như sưng, đau, nổi hạch, sờ thấy khối vùng bẹn bìu,... cần đi khám ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Trần Đức Tâm - Bệnh viện Bạch Mai

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/can-trong-voi-an-tinh-hoan-o-tre-274103.html