Cẩn trọng khi tự phun thuốc diệt muỗi

Hà Nội đang vào đỉnh dịch của sốt xuất huyết (SXH) với số ca mắc lên đến hơn 16 nghìn người. Đây là con số cao kỷ lục từ trước đến nay. Lo ngại trước tình hình này, nhiều người dân đã tự mua hóa chất diệt muỗi về phun tại nhà.

Chỉ gõ Google sẽ có hàng trăm thậm chí hàng nghìn lời chào mời quảng cáo phun hóa chất diệt muỗi, côn trùng tại nhà với đủ loại giá. Mức giá được tính theo diện tích nhà. Nếu trước đây, trung bình một mặt sàn rộng 100 m2, có giá dao động từ 500 đến 600.000 đồng/mặt sàn (tầng). Nhưng vào thời điểm hiện nay, khi nhu cầu phun hóa chất nhiều, mức giá này nhỉnh hơn khoảng 100.000 đồng/mặt sàn. Nhiều loại hóa chất được quảng cáo đạt chuẩn của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, dù trên thị trường có nhiều loại hóa chất với những tên gọi khác nhau, nhưng Bộ Y tế đang cho lưu hành ba loại hóa chất diệt muỗi phòng, chống SXH gồm: Deltamethrine, Permethrine và Malathion. Ba loại thuốc này cho kết quả nghiên cứu, thử hiệu lực, khả năng kháng muỗi khá tốt.

Trước việc người dân tự ý thuê người hoặc mua thuốc về phun, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho rằng, điều này không hẳn có lợi, thậm chí còn có khả năng gây hại và phản tác dụng nếu phun không đúng cách. Nếu phun không đúng liều lượng, quy trình, thậm chí không đúng hóa chất sẽ không tiêu diệt được muỗi. Trong khi đó, có thể tăng nguy cơ muỗi bị nhờn thuốc, kháng thuốc, thậm chí là "khỏe lên". “Liều phun không đúng thì muỗi sẽ không chết. Một số con muỗi nhạy với hóa chất sẽ chết ngay, còn những con kháng thuốc sẽ sinh ra thế hệ sau có thể kháng thuốc. Điều này dẫn tới cả quần thể kháng thuốc, khi xảy ra dịch bệnh thì việc xử lý dịch vô cùng khó khăn”, bác sĩ Nguyễn Nhật Cảm nhấn mạnh.

Theo Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, việc phun thuốc phải được thực hiện bởi nhân viên y tế để bảo đảm hiệu quả và an toàn. Người dân có thể sử dụng các bình xịt muỗi được cấp phép lưu hành trên thị trường để sử dụng ở phạm vi hẹp. Tuy vậy, việc cá nhân gia đình tự phun thuốc trong nhà chỉ có tác dụng diệt muỗi tức thì. Nếu không loại trừ được các ổ loăng quăng, bọ gậy ở hộ gia đình và khu vực chung quanh thì muỗi sẽ nhanh chóng xuất hiện trở lại.

Theo bác sĩ Nguyễn Nhật Cảm, SXH do vi-rút Dangue - loại vi-rút này do muỗi Aedes truyền, gây ra. Đặc điểm nhận dạng muỗi Aedes là mầu đen, thân và chân có những đốm trắng, thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn gây SXH phân bố trên toàn quốc, tập trung tại các thành phố lớn, khu đô thị. Muỗi vằn gây bệnh thường đẻ ở những nơi nước sạch như chum vại, lọ hoa, bát nước trên bàn thờ, các dụng cụ phế thải chứa nước mưa… Muỗi đốt người bị nhiễm vi-rút mang mầm bệnh theo cơ chế hút máu. Vi-rút phát triển trong con muỗi khoảng một tuần, rồi truyền lên tuyến nước bọt. Sau thời gian này, muỗi đốt có khả năng truyền bệnh cho người lành. Muỗi đã nhiễm vi-rút có thể truyền bệnh suốt đời. Vì vậy, chỉ một con muỗi mang mầm bệnh có thể truyền cho nhiều người. Đặc biệt, muỗi vằn chỉ đốt người vào buổi sáng sớm và trước hoàng hôn. Tuy nhiên, người dân thường chỉ có thói quen dùng màn vào ban đêm. Điều đó làm tăng nguy cơ bị muỗi vằn đốt và mắc bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần loại bỏ các dụng cụ chứa nước trong gia đình bằng cách đổ nước bình hoa, lật úp chum lọ không dùng đến, dọn sạch sẽ các dụng cụ có nguy cơ đọng nước. Việc này cần phải làm thường xuyên hằng ngày, hằng tuần, để muỗi không có chỗ trú ẩn, đẻ trứng. Bên cạnh đó, người dân cần tự bảo vệ mình khỏi muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài, mắc màn khi ngủ, đặc biệt là có ý thức hợp tác, phối hợp với cơ quan chức năng trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/33811002-can-trong-khi-tu-phun-thuoc-diet-muoi.html