Cẩn trọng cháy nổ dịp cuối năm

Dù chính quyền địa phương và ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa cháy nổ, tuy nhiên tại các chợ, trung tâm thương mại, nhà ở kết hợp kinh doanh, vi phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC) vẫn diễn ra tràn lan, làm gia tăng nguy cơ cháy, nhất là vào thời điểm cuối năm.

Tràn lan lỗi vi phạm

Theo cảnh báo của lực lượng PCCC, chợ, trung tâm thương mại, nhà ở kết hợp kinh doanh là những nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Tại Trung tâm Thương mại Rạch Giá (nơi kinh doanh, mua bán hàng hóa lớn nhất tỉnh Kiên Giang với 1.134 lô, sạp, ki ốt), càng về cuối năm, hoạt động mua bán càng sôi động, tấp nập, song công tác phòng chống cháy nổ lại đang bị bỏ ngỏ.

Ghi nhận tại khu nhà lồng bán quần áo vào sáng 4-1 cho thấy, nhiều khách hàng ngang nhiên hút thuốc và vứt tàn thuốc xuống khu vực có nhiều bao tải, thùng carton…, rất dễ gây cháy. Đáng ngại hơn, một số tiểu thương chất hàng hóa, quần áo, vật dụng sinh hoạt ngay trên lối đi, cũng là lối thoát hiểm. Trường hợp có cháy nổ xảy ra, rất khó để thoát nạn an toàn. “Trung tâm này từng xảy ra cháy vào năm 2015, làm thiệt hại nhiều tài sản nên chúng tôi rất cảnh giác, nhất là vào thời điểm cuối năm, cận tết, bà con nhập hàng về nhiều”, một bảo vệ của Trung tâm Thương mại Rạch Giá cho hay.

Tại Cà Mau, chợ trên đường Nguyễn Hữu Lễ (phường 2, TP Cà Mau) cũng trong tình trạng tương tự. Lối đi chính vào các sạp của chợ rất chật hẹp, chỉ đủ để 2 xe máy lưu thông ngược chiều, thế nhưng nhiều tiểu thương vẫn lấn lối đi này để bố trí hàng hóa, phủ bạt. Khi có cháy xảy ra, sẽ rất khó để bà con thoát hiểm, lực lượng chữa cháy làm nhiệm vụ. Tại chợ truyền thống phường 1 (TP Tân An, Long An), việc sắp xếp hàng hóa so với các chợ nêu trên có gọn gàng hơn. Nhiều tiểu thương trong chợ trang bị bình chữa cháy, song bình chữa cháy lại được cất ở nơi rất khó lấy. Có trường hợp tiểu thương tuy trang bị bình chữa cháy, nhưng khi lực lượng chức năng đến kiểm tra lại không nhớ để ở đâu! Một số tiểu thương khác thì chất nhiều lớp hàng hóa trên bình chữa cháy, nếu xảy ra cháy thì bình chữa cháy khó phát huy tác dụng.

Vụ cháy chợ Châu Long (phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) vào ngày 31-12-2023 làm 110 lô sạp trong chợ bị thiêu rụi. Ảnh: LÊ QUỐC

Ở khu vực kinh doanh ăn uống của chợ truyền thống phường 1 (TP Tân An, Long An), nhiều chủ quầy sau khi nấu nướng, vào giờ nghỉ thường không khóa van gas, mùi tỏa ra nồng nặc, dễ xảy ra cháy nổ. Tại TPHCM, ở các khu nhà trọ, nhà ở kết hợp kinh doanh, cơ sở kinh doanh tại quận Bình Thạnh, quận 5, quận Phú Nhuận, quận Gò Vấp, TP Thủ Đức (TPHCM)…, tình trạng người dân tích trữ hàng hóa, buôn bán phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 bắt đầu gia tăng. Cùng với đó là hoạt động vui chơi, giải trí, giao thương hàng hóa tại TPHCM dần tăng cao; thế nhưng, việc chấp hành các quy định về an toàn PCCC của một bộ phận chủ cơ sở, doanh nghiệp, người buôn bán, người lao động rất lơ là.

Tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Thành Phương, Trưởng phòng Kinh tế TP Cà Mau, xác nhận, tại chợ trên đường Nguyễn Hữu Lễ (phường 2, TP Cà Mau) tồn tại nhiều lỗi vi phạm về an toàn cháy nổ. Để phòng ngừa cháy nổ xảy ra tại đây, nhất là trong thời điểm cuối năm, chính quyền địa phương đã lên kế hoạch phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ông Trương Văn Nhơn, nhân viên Ban Quản lý chợ truyền thống phường 1 (TP Tân An, Long An), cho biết, hiểu rõ nguy cơ cháy chợ sẽ gia tăng trong thời điểm cuối năm, do đó, từ đầu tháng 12-2023, đội PCCC tại chỗ của chợ đã lên phương án phòng ngừa, triển khai nhiều giải pháp. Ngoài tăng cường kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương, khách đến mua sắm tại chợ thực hiện đúng các quy định về an toàn cháy nổ, đội PCCC tại chỗ cũng phối hợp Cảnh sát PCCC của tỉnh Long An tổ chức diễn tập, thực tập các phương án chữa cháy để nâng khả năng tác chiến khi có cháy nổ xảy ra; tổ chức kiểm tra, tu bổ, khắc phục các hư hỏng trong hệ thống điện, bình chữa cháy…

Tại Sóc Trăng, Đại tá Phạm Minh Khả, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Sóc Trăng, thông tin, đơn vị đang thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn cháy nổ đối với các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn. Mục đích là nhằm xử lý triệt để các vi phạm, kéo giảm nguy cơ cháy chợ, trung tâm thương mại, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024. Tại TPHCM, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an TPHCM, cho biết, thời gian qua, trên địa bàn thành phố xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại về người, tài sản. Đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán thường có nhiều diễn biến phức tạp về cháy nổ, không chỉ ở các hộ gia đình mà còn ở cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, nơi tập trung đông người.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm đề nghị: với cơ sở sản xuất kinh doanh, người đứng đầu cần quan tâm tổ chức công tác tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, công nhân viên và người lao động thực hiện các quy định PCCC; tăng cường việc tự kiểm tra, kịp thời khắc phục các thiếu sót có thể phát sinh cháy nổ. Với các hộ gia đình, cần thực hiện nghiêm các quy định về PCCC; đảm bảo, duy trì điều kiện an toàn về PCCC để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ; trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ phòng độc…, và người trong nhà phải biết cách sử dụng các phương tiện này.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/can-trong-chay-no-dip-cuoi-nam-post722888.html