Cần thúc đẩy mua sắm đa dạng và mua sắm có trách nhiệm giới

Khoảng 30% doanh nghiệp trên toàn cầu do phụ nữ làm chủ. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 1% khoản chi tiêu dùng mua sản phẩm của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Chỉ 1% tổng chi tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

Theo bà Nguyễn Kim Lan – Đại diện UN Women Việt Nam (Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam), khoảng 30% doanh nghiệp trên thế giới do phụ nữ làm chủ.

Khoảng 30% doanh nghiệp trên toàn cầu do phụ nữ làm chủ, nhưng mới chỉ có 1% doanh thu tiêu dùng là chi tiêu mua sản phẩm của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

Thống kê cho thấy, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khoảng 60% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hiện do phụ nữ làm chủ. Con số này ở Việt Nam vào khoảng 22% (tương đương gần 100.000 doanh nghiệp), một nửa trong số các hộ kinh doanh cá thể do phụ nữ sở hữu và điều hành. Phụ nữ ngày càng thể hiện được vai trò là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng địa phương.

Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 1% khoản chi cho tiêu dùng trên thế giới mua sản phẩm của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Nói về lý do của điều này, bà Lan cho rằng các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang còn phải đối mặt với các rào cản, thách thức lớn trong việc tham gia chuỗi cung ứng. Như, rào cản về các thực hành phân biệt đối xử; gánh nặng về việc nhà và công việc chăm sóc không lương; định kiến giới; và còn nhiều phụ nữ bị bạo lực, quấy rối tình dục. Bên cạnh đó, năng lực và lợi thế của phụ nữ trong tiếp cận vốn tài chính, vốn xã hội và vốn nhân lực cũng hạn chế hơn nam giới.

Đồng quan điểm, bà Từ Thu Hiền – CEO Wise (Tổ chức Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh) cho rằng, hiện nay mọi người vẫn luôn mặc định mua sắm không phân biệt giới, tuy nhiên, chính vì bỏ qua “lăng kính giới” đã vô tình khiến phụ nữ gặp khó khăn hơn trong tìm kiếm, phát triển triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm. “Bởi để đạt được một sản phẩm, phụ nữ phải nỗ lực gấp đôi so với nam giới do nhiều gánh nặng và rảo cản”, bà Hiền nói.

Theo bà Nguyễn Kim Lan – Đại diện UN Women Việt Nam, phụ nữ còn gặp nhiều rào rản như gánh nặng về việc nhà và công việc chăm sóc không lương; định kiến giới...

Ngoài ra, mặc dù đã và đang có nhiều sáng kiến ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tập trung phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, nhiều doanh nghiệp trong số này vẫn bị bỏ lại phía sau với cơ hội tiếp cận nhà cung ứng rất nhỏ do chưa có khung chính sách và pháp lý cần thiết để thúc đẩy hoạt động mua sắm có trách nhiệm giới.

Cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn mua sắm có trách nhiệm giới

Khảo sát của UN Women cho thấy, hơn 70% doanh nghiệp cho biết mua sắm có trách nhiệm giới làm tăng nguồn cung và giảm gián đoạn nguồn cung; mua sắm có trách nhiệm giới làm tăng tính cạnh tranh của nhà cung cấp, giúp tiết kiệm trung bình 20% chi phí mua sắm. Bên cạnh đó, 74% doanh nghiệp cho biết mua sắm có trách nhiệm giới giúp củng cố thương hiệu và danh tiếng của công ty; 76% doanh nghiệp cho rằng mua sắm có trách nhiệm giới sẽ nâng cao sự hài lòng của nhân viên, giữ chân nhân tài.

Hiện mới có một số tập đoàn lớn hoạt động theo định hướng phát triển bền vững, trong đó, có chú trọng đến bình đẳng giới, mua sắm có trách nhiệm giới, thông qua các chính sách và thực hành tăng cường sự có mặt của các nhà cung cấp là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Bà Xuân Nhã – Đại diện Four Points by Sheraton Đà Nẵng (một khách sạn do Marriott International (MI) quản lý vận hành) cho biết, hệ thống khách sạn do MI vận hành đang thực hiện có chính đa dạng hóa nhà cung cấp. “MI chú trọng thúc đẩy ngân sách chi tiêu đối với những doanh nghiệp có chủ sở hữu (nắm 51% cổ phần trở lên trong công ty) là phụ nữ, LGBT, người khuyết tật, người thiểu số (gọi chung là có chủ sở hữu đa dạng)”, bà Nhã nói và làm rõ thêm “Theo quy định mua của MI, khi số tiền mua sắm của khách sạn trên 50.000 USD, thì việc phải tìm ra nhà cung cấp đa dạng (chủ sở hữu là phụ nữ, LGBT…) là bắt buộc, nếu không sẽ phải giải trình với tập đoàn. Tất nhiên, nhà thầu đa dạng vẫn phải theo quy trình chọn nhà thầu và phải đảm bảo chất lượng, giá cạnh tranh”.

Một số điển hình khác của thế giới chú trọng đến mua sắm có trách nhiệm giới như Walmart có chính sách và tăng cường chọn nguồn cung ứng từ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; Coca-Cola Việt Nam đặt mục tiêu 50% nhà cung cấp là doanh nghiệp nữ.

Mua sắm có trách nhiệm giới sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận chuỗi cung ứng của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

Theo ông Đào Nguyên Tân – Đại diện Khách sạn Wyndham Danang Golden Bay (một buyer), doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang gặp khó khăn hơn so với nam giới trong tiếp cận đối tác khách hàng. Nhưng từ thực tế cũng cho thấy, khi đã kết nối hợp tác, thì khâu chăm sóc khách hàng cũng như triển khai hợp tác, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ lại có xu hướng làm tốt hơn.

Đại diện UN Women Việt Nam cho hay, để thúc đẩy mua sắm có trách nhiệm giới, cần tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức nhà nước tăng mua sắm từ các doanh nghiệp có trách nhiệm giới (doanh nghiệp thực hiện tốt các hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; tạo việc làm bình đẳng cho phụ nữ và nam giới; đảm bảo các chế độ, phúc lợi…) và mua từ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Mua sắm đa dạng và có trách nhiệm giới đem lại những tiềm năng to lớn cho cả người mua và đặc biệt là với người bán, giúp các doanh nghiệp cải thiện hoạt động kinh doanh, từ đó đóng góp tích cực cho nền kinh tế và xã hội. Do vậy, cần có nhiều nỗ lực đồng bộ từ các chính phủ, các công ty, tập đoàn với tư cách là bên mua, cũng như các doanh nghiệp bán do phụ nữ làm chủ/có trách nhiệm giới để thúc đẩy mua sắm có trách nhiệm giới.

Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Songhan Incubator, Tổ chức Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh (WISE) vừa tổ chức tọa đàm “Xu hướng Doanh nghiệp phát triển bền vững” tại TP. Đà Nẵng. Chương trình nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ trong tiêu dùng; thúc đẩy mua sắm có trách nhiệm giới.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-thuc-day-mua-sam-da-dang-va-mua-sam-co-trach-nhiem-gioi-279634.html