Cần thống nhất đầu mối quản lý phân bón

Với quy định hiện nay, để kiểm tra các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ và vô cơ phải lập đoàn liên ngành gồm Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, quản lý thị trường, mất nhiều thời gian và khó thực hiện.

Tại hội thảo lập lại trật tự thị trường phân bón diễn ra ngày 28/9 do Hiệp hội Phân bón Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng Thư ký Hiệp hội cho biết, cả nước hiện có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất phân bón với hơn 7.000 chủng loại lưu hành trên thị trường. Đáng lo ngại là đa số các đơn vị sản xuất phân bón bằng “công nghệ cuốc xẻng”, xe trộn bê tông và không có phòng thí nghiệm. Chỉ cần một số thiết bị đơn giản như máy trộn, thùng khuấy dạng lỏng hoặc chảo quay, ống sấy và sàng phân loại là tạo thành sản phẩm.

Mặc dù sử dụng phân bón giả, kém chất lượng nhưng nhiều nông dân không biết do phân bón không gây tác dụng ngay lập tức. Hậu quả dễ thấy nhất của phân bón giả, phân bón kém chất lượng là khiến cây trồng suy giảm năng suất, thậm chí làm cho mùa màng thất bát.

Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, vấn nạn phân bón giả góp phần khiến nông dân không còn mặn mà với đồng áng, gây nên tình trạng ly nông tại các vùng quê.

Vấn đề nổi cộm tại hội thảo mà nhiều đơn vị sản xuất nêu chính là hạn chế trong công tác quản lý phân bón.

Theo ông Hoàng Văn Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), với quy định hiện nay, Bộ NN&PTNT chỉ được kiểm tra các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ. Tuy nhiên hầu hết các DN vừa sản xuất phân vô cơ, vừa sản xuất phân hữu cơ nên trong quá trình kiểm tra, Cục không có thẩm quyền đối với các DN này. Muốn thanh kiểm tra phải lập đoàn liên ngành gồm Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, quản lý thị trường. Việc lập đoàn liên ngành mất nhiều thời gian và khó thực hiện.

Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cũng cho rằng Nghị định 202 có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế như yêu cầu về nhân lực đối với các cơ sở sản xuất, quy định việc cấp giấy phép sản xuất đồng thời các loại phân bón do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT cấp phép. Do đó ông Thanh cho biết Bộ Công Thương đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 202.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hạc Thúy kiến nghị quản lý phân bón chỉ giao về cho một bộ quản lý. Trong khi chưa thay đổi được chính sách thì cấp tỉnh thành cần tổ chức ban kiểm tra liên ngành gồm Sở Công Thương và Sở NN&PTNT thành một ban thống nhất để thuận tiện cho việc kiểm tra, tránh chồng chéo, lấn sân.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/can-thong-nhat-dau-moi-quan-ly-phan-bon/287683.vgp