Cần thiết duy trì chính sách tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất phế liệu

Theo Bộ Tài chính, để tránh nguy cơ trở thành quốc gia tập kết phế liệu của thế giới, vẫn cần thiết tiếp tục duy trì chính sách tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu phế liệu.

Cần có biện pháp quản lý chặt để tránh nguy cơ Việt Nam trở thành quốc gia tập kết phế liệu của thế giới.

Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công thương đánh giá về sự cần thiết của việc tiếp tục duy trì chính sách tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu phế liệu.

Trước đó, Bộ Công thương đã có văn bản gửi các bộ có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá kết quả thực hiện Thông tư 27/2019/TT-BCT ngày 15/11/2019 quy định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu.

Việc này nhằm có cơ sở xem xét tiếp tục đề xuất biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu phế liệu phù hợp với tình hình thực tế,

Năm 2019, nhằm tăng cường các biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu phế liệu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg để ngăn chặn nguy cơ ách tắc tại cảng và phát sinh gian lận thương mại, thẩm lậu vào thị trường nội địa trong bối cảnh các nước trong khu vực tiếp tục siết chặt việc nhập khẩu phế liệu, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 27.

Thông tư 27/2019/TT-BCT có hiệu lực đến ngày 31/12/2024, ban hành kèm theo Danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu có 32 mã hàng phế liệu.

Theo đó, một số mặt hàng thuộc danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu như:

Thạch cao; thạch cao khan; thạch cao plaster (bao gồm thạch cao nung hay canxi sulphat đã nung), đã hoặc chưa nhuộm màu, có hoặc không thêm một lượng nhỏ chất xúc tác hay chất ức chế (mã hàng 2520).

Xỉ hạt (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép (Mã hàng 2618).

Xỉ, xỉ luyện kim (trừ xỉ hạt), vụn xỉ và các phế thải khác từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép (Mã hàng 2619).

Các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử, ở dạng đĩa, tấm mỏng hoặc các dạng tương tự, các hợp chất hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử (Mã hàng 3818).

Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (phế liệu và vụn thừa) (Mã hàng 4707).

Thủy tinh vụn và thủy tinh phế liệu và mảnh vụn khác; thủy tinh ở dạng khối (Mã hàng 7001);…

Bộ Tài chính cho rằng, phế liệu là mặt hàng nhạy cảm tiềm ẩn nhiều rủi ro ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Để tránh nguy cơ trở thành quốc gia tập kết phế liệu của thế giới, Bộ Tài chính cho rằng vẫn cần thiết tiếp tục duy trì chính sách tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu phế liệu.

Tuy nhiên, để xây dựng chính sách quản lý đối với loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu phế liệu phù hợp, hiệu quả, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương rà soát các cam kết quốc tế song phương, đa phương (nếu có), đồng thời nghiên cứu chính sách quản lý mặt hàng phế liệu của các quốc gia phát triển để hoàn thiện danh mục tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu phế liệu phù hợp trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho biết, không vướng mắc phát sinh liên quan đến thực thi Thông tư 27/2019/TT-BTC; đồng thời không phát sinh số liệu kinh doanh tạm nhập tái xuất mặt hàng phế liệu trong danh mục tại Thông tư.

Cục Hải quan TP.HCM thông tin, đến tháng 2/2024 lượng hàng hóa tồn tại cảng biển vẫn còn gần 5.000 container và cả trăm tấn hàng tại các kho hàng sân bay.

Với hàng nghìn container phế liệu tại các cảng biển đã chiếm dụng diện tích rất lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác của các cảng biển.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/can-thiet-duy-tri-chinh-sach-tam-ngung-kinh-doanh-tam-nhap-tai-xuat-phe-lieu-d211151.html