Cần thiết đưa quy định an toàn cho trẻ em khi ngồi trên ô tô vào luật

Dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ nhận được nhiều góp ý thời gian qua; trong đó có quy định 'Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế của người lái ô tô khi tham gia giao thông đường bộ, trẻ dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em'.

Tại sao cần đưa điều này vào Luật? Làm thế nào để người dân nghiêm túc chấp hành, thay vì xem nhẹ, chống đối vì cho rằng "đi ô tô đã là 1 sự an toàn"? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH về nội dung này.

Ảnh minh họa: Which.co.uk

PV: Thưa bà, trước việc dư luận có một số ý kiến trái chiều về quy định "trẻ em dưới 10 tuổi hoặc cao dưới 1,35m không được ngồi ghế cạnh ghế lái của xe ô tô, trẻ em dưới 4 tuổi phải dùng ghế chuyên dụng khi đi ô tô" tại Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, theo quan điểm của Cục Trẻ em thì tại sao chúng ta cần đưa những điều trên vào luật?

Bà Vũ Thị Kim Hoa: Chúng tôi cho rằng rất cần thiết. Vấn đề tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em và người chưa thành niên, trong đó tử vong do TNGT là nguyên nhân thứ hai sau tử vong do đuối nước ở trẻ em.

Quy định này đưa vào trong luật thì cũng rất phù hợp với quy định của Luật trẻ em nhằm đảm bảo các quyền trẻ em, trong đó đặc biệt là quyền sống. Đồng thời góp phần thực hiện Quyết định 1248 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, trong đó mục tiêu hàng năm giảm từ 5 - 10 trường hợp trẻ em tử vong do TNGT.

PV: Theo các nghiên cứu từ các tổ chức trên thế giới, xin bà cho biết tại sao trẻ em không nên ngồi ở hàng ghế cạnh ghế lại, hoặc phải dùng ghế chuyên dụng?

Bà Vũ Thị Kim Hoa: Vị trí an toàn nhất cho trẻ là ngồi ở hàng ghế sau tay lái, còn với vị trí ngồi phía trước và đặc biệt là bên cạnh vị trí của người lái thì thường bị chịu lực tác động rất lớn khi va chạm giao thông xảy ra. Đối với trẻ nhỏ thì túi khí đôi khi có thể gây nguy hiểm.

Thứ hai là khi trẻ ngồi ở phía trước mà có va chạm thì còn có sự nguy hiểm khác, thậm chí văng ra ngoài.

Trẻ nếu ngồi hàng ghế phía trước cũng khiến cho người lái xe sao nhãng, mất an toàn. Ngoài ra theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cũng như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, trẻ còn nhỏ mà được ngồi ở hàng ghế sau thì có thể giảm tới 60 % nguy cơ thương tích, tử vong.

Đặc biệt việc sử dụng các ghế an toàn thì giảm đến 45 % nguy cơ chấn thương nghiêm trọng ở trẻ từ 4 đến 8 tuổi so với chỉ sử dụng dây an toàn trong các vụ tai nạn giao thông.

PV: Nhiều ý kiến tranh luận đồng nghĩa việc triển khai thực tế có thể không được như các nhà làm luật kỳ vọng, vậy theo bà cần làm gì để người dân hiểu điều quan trọng nhất là sự an toàn của trẻ, thay vì sự tiện lợi do thói quen lái xe hiện nay? Làm sao để đạt được hiệu quả giống như đã từng với chiến dịch đội mũ bảo hiểm năm xưa, thưa bà?

Bà Vũ Thị Kim Hoa: Các quy định của pháp luật khi đưa vào cuộc sống thì không phải cái gì cũng dễ dàng và thành công ngay. Nhiều khi do cộng đồng, người dân chưa thấy được tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định an toàn.

Để thực hiện tốt quy định này thì cần phải tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống TNGT đường bộ cho trẻ em, đặc biệt là triển khai vận động toàn xã hội cũng như cộng đồng sử dụng các trang thiết bị an toàn cho trẻ như dây an toàn, ghế an toàn. Huy động sự tham gia của các ngành, đoàn thể ở cộng đồng để cung cấp các kiến thức, các kỹ năng cho người tham gia giao thông đường bộ, cho cha mẹ và cho bản thân cả trẻ em.

Ngoài ra thì chúng ta cũng phải có các quy định về xử lý vi phạm, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định này cũng phải rất tích cực, và đặc biệt rất cần sự ủng hộ của cộng đồng, của cha mẹ và người chăm sóc trẻ và chính quyền các cấp.

PV: Xin cảm ơn bà!

Xuân Tú/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/can-thiet-dua-quy-dinh-an-toan-cho-tre-em-khi-ngoi-tren-o-to-vao-luat-post1032526.vov