Cần tháo 'vòng kim cô' cho đơn vị sự nghiệp công lập

Từ năm 2018 đến nay, Đồng Nai đã sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.

Học sinh Trường mẫu giáo Suối Trầu (khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, huyện Long Thành) được học thêm kỹ năng aerobic nhờ xã hội hóa. Ảnh: C.NGHĨA

Nếu như trước đây tỉnh có tới trên 1 ngàn ĐVSNCL thì nay sắp xếp lại chỉ còn 882 đơn vị. Khi sắp xếp lại, các đơn vị còn giảm được số lượng biên chế đáng kể. Tuy nhiên, quá trình sắp xếp vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần được tháo gỡ.

Đã gọn nhưng chưa hết khó

Đến nay tỉnh đã giảm được 120 ĐVSNCL (gần 12%), còn lại 882 đơn vị, đồng thời cũng giảm được hơn 3,5 ngàn chỉ tiêu biên chế. Đáng lưu ý, trong 882 đơn vị còn lại, có 5 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1), 59 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2), 60 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (nhóm 3) và 758 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 4).

Nhiều đơn vị, lĩnh vực đã có chuyển biến mạnh mẽ về sắp xếp lại các ĐVSNCL giúp cho bộ máy ngày càng tinh gọn hơn. Trong đó điển hình như các đơn vị thuộc khối Đảng, đoàn thể, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa… Cùng với sắp xếp lại, tỉnh đã thành lập mới 14 ĐVSNCL khối chính quyền, trong đó có 12 đơn vị giáo dục thuộc UBND cấp huyện và 2 đơn vị lĩnh vực kinh tế khác thuộc UBND tỉnh quản lý do nhu cầu cần thiết.

Nhiều năm qua các ĐVSNCL thường chiếm một phần lớn trong tỷ lệ chi thường xuyên hàng năm của ngân sách tỉnh. Cụ thể, năm 2017 tỉnh đã chi cho các đơn vị là 4.585 tỷ đồng, năm 2022 là 4.870 tỷ đồng. Lý do tăng mà không giảm bởi có quá ít đơn vị có khả năng tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.

Quá trình sắp xếp các đơn vị vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế như phải điều chỉnh phương án sắp xếp hoặc không thực hiện được, một số phương án chưa thực hiện đúng lộ trình. Điển hình như việc cổ phần hóa Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai và Bến xe Biên Hòa, thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch... Công tác xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và giá dịch vụ, xã hội hóa dịch vụ, đánh giá, kiểm định chất lượng cung cấp dịch vụ của các đơn vị vẫn còn khó khăn khi thiếu hướng dẫn cụ thể.

Quá trình tinh giản biên chế với các đơn vị cũng đang đặt ra nhiều khó khăn thách thức cho các ngành, địa phương, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, y tế, lao động… bởi khối lượng công việc đặt ra với các đơn vị này ngày càng nhiều. Chẳng hạn, hàng năm thành phố Biên Hòa tăng lên khoảng 8 ngàn học sinh nhưng biên chế giáo viên lại bị giảm.

Nhiều bài toán khó

Mục tiêu giảm phụ thuộc vào ngân sách hàng năm đặt các ĐVSNCL phải tiến tới tự chủ tài chính, tuy nhiên đây là nhiệm vụ không dễ với các đơn vị. Điển hình như các đơn vị ngành giáo dục. Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết: “Hầu hết các đơn vị của ngành hiện chưa thể tự chủ về tài chính, lý do là nhiều năm nay các trường công lập không được tăng học phí nên vẫn phải phụ thuộc vào ngân sách. Yêu cầu tự chủ tài chính đối với các đơn vị là một bài toán rất khó vì tăng học phí sẽ đặt gánh nặng chi phí lên vai phụ huynh”.

Giám đốc Sở Tài chính Trương Thị Hương Bình thì cho hay, quá trình thực hiện theo Luật Đất đai cũ và các quy định hướng dẫn xác định cơ chế tự chủ của các ĐVSNCL thì không tính phần phải nộp tiền thuê đất. Trong khi các đơn vị tự chủ rồi lại phải nộp tiền thuê đất. Bất cập này dẫn đến các đơn vị không có tiền để nộp. Hiện có 6 bệnh viện công lập của tỉnh đang nợ tổng cộng 58 tỷ đồng tiền thuê đất và chưa có khả năng chi trả. Luật Đất đai mới đã gỡ vướng về tiền thuê đất cho các đơn vị này, do đó các đơn vị rất mong được xóa nợ số tiền 58 tỷ nêu trên.

Bà Trương Thị Hương Bình cũng dẫn chứng bất cập nữa của các ĐVSNCL trong quá trình hướng đến tự chủ. Đó là trong năm, nếu đơn vị tự chủ không thu đủ thì không được ngân sách hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, nếu số tiền thu được cao hơn số tiền ngân sách dự kiến hỗ trợ ban đầu thì lại phải nộp hết vào ngân sách. Việc này làm mất đi tính khuyến khích các đơn vị nỗ lực phấn đấu, sinh ra tâm lý không cần cố gắng, chỉ ngồi chờ vào ngân sách, bởi có làm nhiều thì cũng “bị thu hết”.

Cũng liên quan đến cơ chế tài chính cho các ĐVSNCL, lãnh đạo Sở Tài chính cho hay, các đơn vị giáo dục công lập thường không có khoản thu gì khác ngoài học phí (còn đang ở mức thấp) và các khoản thu dịch vụ giáo dục khác theo nghị quyết của HĐND tỉnh cho phép. Tuy nhiên Chính phủ yêu cầu phải tiết kiệm 5% chi thường xuyên, rồi tăng lên 10% nên các đơn vị càng gặp khó khăn hơn, cuối năm không có các khoản thu nhập tăng thêm để nâng cao đời sống cho người lao động.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202403/can-thao-vong-kim-co-cho-don-vi-su-nghiep-cong-lap-f824392/