Cận Tết, người chăn nuôi lao đao vì giá heo giảm sâu

Chưa bao giờ người chăn nuôi heo tại Đồng Nai nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung lại khó khăn như hiện nay. Giá heo xuống mức thấp nhất trong mười năm qua đã khiến nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ nặng. Và tình trạng này chưa biết còn kéo dài đến bao giờ khi giá heo chưa có dấu hiện tăng trở lại.

Người chăn nuôi lo lắng khi giá heo chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Người chăn nuôi lo lắng khi giá heo chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Giá heo “tụt dốc”

Ở thời điểm tháng 10-2016, giá heo hơi ở Đồng Nai khoảng 42 nghìn - 43 nghìn đồng/kg thì nay xuống còn 30 nghìn - 32 nghìn đồng/kg với heo dưới 100kg/con, còn heo trên 100kg/con giá chỉ dao động từ 26 nghìn - 28 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi thua lỗ từ 800 nghìn đến 900 nghìn đồng một con.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thị trường Trung Quốc gần đây giảm mạnh thu mua heo trong nước khiến cung vượt cầu. Tại Đồng Nai, do 40% lượng heo, tương đương với hơn ba nghìn con xuất sang Trung Quốc mỗi ngày, khi thị trường này ngưng mua thì lượng heo lại tồn đọng trong nước.

Anh Trần Minh Đoan, chủ trại heo Minh Đoan, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho biết: “Trang trại tôi có hơn một nghìn con heo, nhưng với giá hiện nay càng bán càng lỗ. Tình hình này thì tôi không cạnh tranh nổi, có thể sắp tới phải giảm đàn lại”.

Cũng theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo giảm mạnh đã khiến nhiều chủ trại heo thua lỗ nên phải giảm đàn, ngưng chăn nuôi, thậm chí có trường hợp đã bán tống bán tháo cả đàn heo nái để tính chuyện làm ăn khác. Điều này thật sự là mối nguy cơ lớn, có thể gây xáo trộn lớn đến tổng đàn heo, gây hiện tượng thiếu hụt nguồn cung thịt heo trong thời gian tới và ảnh hưởng đến cơ cấu ngành chăn nuôi trong nước.

Trước tình trạng người chăn nuôi đang thua lỗ nặng như hiện nay, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng, các công ty sản xuất và kinh doanh thức ăn gia súc, công ty cung cấp thuốc thú y. Theo đó, từ đầu tháng 12-2016 đến nay, giá heo hơi trên thị trường đã liên tục giảm mạnh, giảm gần 45% so cùng kỳ. Trong khi giá thành chăn nuôi heo ở mức 38 nghìn đồng/kg. Giá gia cầm và trứng gia cầm cũng giảm trên 25%, khiến người nuôi thua lỗ nặng. Theo khảo sát của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá thức ăn gia súc và giá thuốc thú y trên thị trường hiện không giảm, thậm chí các công ty thuốc thú y đều đang tăng giá bán, với tỷ lệ tăng thấp nhất là 5% và cao nhất là 17%.

Hiệp Hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị nên có biện pháp kêu gọi các công ty kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi không tăng giá bán vào thời điểm này, để giúp người chăn nuôi giảm bớt thiệt hại, thua lỗ. Bởi, nếu vẫn tăng giá bán, đồng nghĩa với giá thành đầu tư chăn nuôi sẽ tăng cao, các chủ trại sẽ lại tiếp tục chịu cảnh lỗ chồng lỗ.

Đâu là giải pháp

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng tám triệu hộ chăn nuôi gia cầm và hơn bốn triệu hộ chăn nuôi heo. Thời gian qua, các hộ chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề đầu ra. Đa số các hộ chăn nuôi đều bán heo thông qua thương lái, trong khi nhu cầu thu mua của thương lái phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, kể cả gia cầm. Thụ động về đầu ra, hệ quả là các chủ trại thường xuyên bị ép giá và câu chuyện giá heo “tụt dốc” như hiện nay là một thí dụ điển hình.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết: “Định hướng sắp tới theo tôi là phải tập trung phát triển kinh tế trang trại, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chúng ta sẽ thực hiện truy xuất nguồn gốc, như vậy thì các chủ trại mới có thể tìm được mối liên kết với các doanh nghiệp để kiếm thị trường tiêu thụ bền vững”.

Cần thẳng thắn nhìn nhận, hiện chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu ngành chăn nuôi khi có đến 65 – 70% đầu con và 55 - 60% về sản phẩm thịt heo. Đây thực sự là một mối lo, bởi chăn nuôi nhỏ lẻ hiện mang tính tự phát cao, không bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và không có giá trị cạnh tranh. Muốn giải quyết được bài toán đầu ra cho người chăn nuôi, phải chuyển hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại áp dụng công nghệ cao.

Nói về vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Chăn nuôi, phải hướng người chăn nuôi chuyển sang nuôi trang trại và liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi, như vậy mới có thể ổn định số lượng và giải quyết được bài toán đầu ra.

Theo các chuyên gia, hiện nay, ngành chăn nuôi heo trong nước vẫn phát triển chưa bền vững, thậm chí tự phát theo diễn biến thị trường. Cụ thể như trong giai đoạn từ năm 2015 - 2016, thời điểm giá heo cao, tổng đàn heo cả nước đã tăng từ 28 triệu lên 29 triệu con. Nguồn cung tăng, thị trường tiêu thụ gần đây lại thu hẹp nên sau đó, giá heo rớt thê thảm. Do vậy, điều quan trọng nhất mà ngành chăn nuôi cần làm là khắc phục được kiểu chăn nuôi tự phát. Đồng thời, các địa phương rà soát lại quy hoạch chăn nuôi gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và nguồn thịt nhập khẩu, tránh tình trạng dư thừa nguồn cung.

CAO TÂN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/31901602-can-tet-nguoi-chan-nuoi-lao-dao-vi-gia-heo-giam-sau.html