Cần sớm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân trong vay vốn ngân hàng

Những khó khăn của ngư dân vay vốn đóng mới tàu theo Nghị định 67 nhưng khai thác kém hiệu quả do gặp rủi ro như hỏng máy, thời tiết xấu... cần được quan tâm, tháo gỡ.

Lao đao vì “tàu 67”

Tàu Biển Đông 1, số hiệu QNg 90999TS, công suất 810 CV của ông Võ Văn Hân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) là tàu vỏ thép đầu tiên ở Quảng Ngãi, được ngân hàng hỗ trợ cho vay đóng mới theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67).

QNg 90999TS thời điểm mới hạ thủy.

Con tàu đủ sức cho 20 thuyền viên hoạt động liên tục khoảng 30 ngày trên biển này được hạ thủy vào đầu năm 2016 với tổng trị giá đầu tư gần 14 tỷ đồng; trong đó vốn vay ngân hàng hơn 13,2 tỷ đồng.

Sau một năm vươn khơi, duy trì trả lãi ngân hàng đều đặn, tàu QNg 90999TS liên tục gặp sự cố, hỏng hóc, hiệu quả đánh bắt thấp. Năm 2018, tàu đang hoạt động ngoài khơi thì bị cướp hết ngư lưới cụ trị giá lên đến 3,6 tỷ đồng.

Không đủ tiền để sắm lại ngư lưới cụ, ông Hân đành cho tàu neo bờ, thuê người trông coi, còn mình theo tàu bạn kiếm cơm qua ngày. Nợ nần ngày càng chồng chất, tàu QNg 90999TS bị đưa ra bán đấu giá, ông Hân lâm vào cảnh trắng tay.

Thê thảm không kém là trường hợp của ngư dân Phạm Trí Thức (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi). Ông Thức từng là chủ 3 con tàu và là tấm gương sản xuất giỏi, 2 lần nhận Huy chương vàng Thủy sản Việt Nam.

Cuối năm 2016, tàu vỏ thép QNg 91999TS với công suất gần 1.000 CV của ông Thức từ vốn vay theo Nghị định 67 được hạ thủy. Thế nhưng, việc chuyển đổi từ nghề lưới rút sang lưới rê và vận hành tàu mới đã làm ông Thức tốn gần cả năm 2017 để thích nghi.

Tháng 6/2018, ông bị ngân hàng kiện vì không thể trả được khoản nợ gốc và lãi vay 300 triệu đồng/quý. Ông chạy vạy 300 triệu đồng đóng cho ngân hàng và trở lại biển khơi. Nhưng rồi đến cuối năm 2018, ngân hàng lại một lần nữa khởi kiện ra tòa vì ông Thức mất khả năng chi trả.

Năm 2021, con tàu có tổng vốn 16,6 tỷ đồng (ngân hàng cho vay 15,8 tỷ đồng, ông Thức đối ứng 800 triệu đồng) đã bị bán đấu giá chưa đến 2 tỷ đồng. Giữa tháng 3/2022, ông Thức nhận được thông báo cưỡng chế của Chi cục thi hành án dân sự TP Quảng Ngãi với nội dung sẽ kê biên ngôi nhà của gia đình ông để trả nợ.

“Chính sách không đi kèm phương án giải quyết rủi ro trên biển của ngư dân, tôi thua trắng khi đóng tàu 67 vì sự cố mất lưới, hết tiền không thể ra khơi khai thác. Nếu có chính sách cho cơ cấu nợ thì tôi không đến mức bị khởi kiện, bán tàu thi hành án”- ông Thức cay đắng bày tỏ.

Cần sớm được tháo gỡ khó khăn

Toàn tỉnh Quảng Ngãi có trên 60 tàu cá đóng mới theo nguồn vốn vay theo Nghị định số 67 của Chính phủ, thế nhưng lại có khoảng 80% tàu cá đánh bắt không hiệu quả. Nguyên nhân được cho là do nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Thêm vào đó, giá nhiên liệu leo thang. Trong khi, giá thủy sản lao dốc khiến các chủ tàu thua lỗ phải neo bờ.

Nhiều tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 hoạt động không hiệu quả.

Trước tình cảnh trên, ngư dân Quảng Ngãi nhiều lần kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67 ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản. Trong đó, có quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay.

Ngoài ra, cần quan tâm hỗ trợ đối với trường hợp ngư dân khó khăn, không còn nhà ở sau khi bị kê biên, thu hồi nhà, đất để trả nợ ngân hàng vì không có khả năng trả nợ sau khi vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ. Đề nghị tỉnh quan tâm có ý kiến với các ngân hàng, có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ để giảm bớt khốn khó cho người dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đặng Ngọc Huy cho hay, liên quan đến các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã kiến nghị nhiều lần.

Qua đó, Bộ NN&PTNT ghi nhận, tiếp thu, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 67, trong đó sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua như phản ánh của cử tri.

Làm rõ hơn vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đức Bình cho biết, tổng số tiền cam kết cho vay nâng cấp, đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ tại các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh là 387,1 tỷ đồng, đã giải ngân 383,1 tỷ đồng. Đến ngày 31/3/2024, số tàu còn dư nợ là 58 tàu, trong đó có 11 tàu vỏ thép và 47 tàu vỏ gỗ.

Cụ thể, 14 tàu cá hoạt động có hiệu quả, trả gốc/lãi đúng theo cam kết, dư nợ 25,36 tỷ đồng; 44 tàu cá hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả được nợ gốc/lãi theo cam kết, đã phát sinh nợ quá hạn, dư nợ 216,65 tỷ đồng (toàn bộ 44 tàu đều là nợ xấu).

Thời gian qua, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tham gia cho vay đã xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ như điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ (giãn nợ) cho một số chủ tàu gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (như thiên tai, bị tàu khác đâm, va, chủ tàu bị bệnh tật, chủ tàu chết, mất tích…).

Tuy nhiên, khi đến hết thời hạn được cơ cấu, chủ tàu vẫn không trả được nợ vay nên ngân hàng đã tiến hành xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Ngư dân Quảng Ngãi vươn khơi đánh bắt hải sản.

Các chủ tàu khác không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là do không đáp ứng đủ điều kiện để cơ cấu theo quy định. Vì vậy, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tham gia cho vay không có cơ sở để xem xét thực hiện khoanh nợ.

“Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế tổn thất, rủi ro cho chủ tàu và các ngân hàng cho vay, bảo đảm hiệu quả các chính sách ban hành, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, đến nay, Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 67 (liên quan đến quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ) vẫn chưa được ban hành”- ông Bình thông tin.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-som-thao-go-kho-khan-cho-ngu-dan-trong-vay-von-ngan-hang.html