Cần sớm khắc phục hai việc vô lý của y tế công lập

Đó là hiện nay khá nhiều sở y tế tỉnh, thành phố và bệnh viện công đề nghị doanh nghiệp kinh doanh trang thiết bị y tế tặng máy xét nghiệm trước khi tổ chức đấu thầu hóa chất. Bên cạnh đó, việc bỏ quy định phân nhóm trong đấu thầu trang thiết bị y tế đã khiến các bệnh viện công chỉ mua được loại chất lượng thấp, rẻ tiền, vì giá rẻ thì mới trúng thầu. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám, chữa bệnh

Hiện nay có tình trạng khá nhiều sở y tế tỉnh, thành phố và bệnh viện công đề nghị doanh nghiệp kinh doanh trang thiết bị y tế (TTBYT) tặng máy xét nghiệm trước khi tổ chức đấu thầu hóa chất. Bên cạnh đó, một số nhà cung cấp TTBYT cũng chủ động tặng máy xét nghiệm cho các cơ sở y tế công lập.

Thông thường, khi được cho, tặng thì phải vui mừng. Thế nhưng, nhiều bác sĩ và hàng triệu người bệnh lại lo (!).

Thực tế cho thấy, ít doanh nghiệp tặng bệnh viện loại máy tốt, đắt tiền (của các nước phát triển); phần lớn tặng máy xét nghiệm rẻ tiền và là loại “máy đóng” (chỉ dùng được hóa chất đúng hãng) nhằm độc quyền bán hóa chất, vật tư tiêu hao, bệnh viện không thể mua hóa chất khác. Việc đề nghị doanh nghiệp tặng máy xét nghiệm càng khiến các bệnh viện công (cùng hàng triệu người phải khám, chữa bệnh) có nguy cơ trở thành "cá cắn câu"! Thậm chí, dư luận cho rằng đây chính là một kiểu “chỉ định thầu” biến tướng.

Điều vô lý nữa là, việc bỏ quy định phân nhóm TTBYT trong đấu thầu (trước đây chia thành 6 nhóm theo mức độ đáp ứng từ nhiều tiêu chí đến ít tiêu chí) đã khiến đấu thầu TTBYT bị “cào bằng” về mặt chất lượng. Đây là bất hợp lý, vì các sản phẩm tuy có cấu hình, tính năng kỹ thuật, thông số giống nhau, nhưng nhà sản xuất khác nhau thì chất lượng khác nhau (như đối với xe máy, cùng là loại xe Dream nhưng chất lượng xe do Nhật Bản sản xuất cao hơn hẳn các nước khác và giá bán cũng cao hơn). Đấu thầu TTBYT, cái nào rẻ thì trúng thầu khiến bệnh viện công chỉ mua được loại rẻ tiền, rất khó mua được loại chất lượng cao vì giá đắt hơn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khám, chữa bệnh!

Việc không phân loại trang thiết bị y tế trong đấu thầu dẫn đến các bệnh viện công rất khó mua được những trang thiết bị tốt. Minh họa của Mạnh Tiến

Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4-3-2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, TTBYT có quy định: “Chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao Hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị” và “Việc xác định giá gói thầu được dựa trên tính năng kỹ thuật, nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính của chủ đầu tư”. Thế nhưng, nhiều lãnh đạo bệnh viện công bày tỏ lo ngại, nếu mời thầu đặt ra yêu cầu cao, xác định cụ thể TTBYT của nhóm nước nào hay hãng nào sản xuất để có chất lượng tốt, thì rất dễ bị quy vào “ngầm” chỉ định thầu. Vậy là hầu hết cơ sở y tế công lập chọn phương án giá rẻ để tránh rủi ro về pháp lý.

Lợi dụng các bệnh viện công đề nghị tặng máy xét nghiệm và chọn sản phẩm dự thầu giá rẻ, nhiều nhà cung cấp đã đưa TTBYT, tặng máy xét nghiệm rẻ tiền để được độc quyền cung cấp hóa chất. Đây là điều hết sức nguy hại, vừa dễ phát sinh tiêu cực, vừa gây ảnh hưởng xấu và lâu dài đối với sự phát triển của y tế công lập. Khi các TTBYT chất lượng thấp, nhất là máy xét nghiệm sử dụng hóa chất “đóng” đã chiếm hết chỗ trong các cơ sở y tế công lập, trở thành tài sản công, thì những loại máy hiện đại, chất lượng cao sẽ không còn chỗ để vào bệnh viện. Các chuyên gia y tế cảnh báo, điều này sẽ tạo ra “bước thụt lùi" của ngành y!

Để khắc phục những bất hợp lý nêu trên, đề nghị cơ quan chức năng chỉ đạo các cơ sở y tế công lập không yêu cầu doanh nghiệp tặng TTBYT khi tổ chức đấu thầu hóa chất; Bộ Y tế sớm ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng giá gói thầu TTBYT tại các cơ sở y tế công lập theo quy định tại Nghị định số 07/2023/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý TTBYT) và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4-3-2023 của Chính phủ. Phân nhóm hợp lý TTBYT khi đấu thầu để tránh tình trạng sản phẩm chất lượng cao thua sản phẩm chất lượng thấp.

Đồng thời, khuyến khích hình thức đấu thầu hóa chất cho mượn máy xét nghiệm theo chủ trương của Chính phủ để vừa có lợi cho nhà nước, bệnh viện và người bệnh (bởi không tốn tiền mua mà lại được lựa chọn loại máy tốt, hóa chất tốt để sử dụng, được đơn vị cung cấp bảo dưỡng, bảo trì), lại tránh phát sinh tiêu cực. Hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sắp có hiệu lực thi hành và dự thảo Luật Đấu thầu đang sửa đổi cũng có quy định theo hướng này.

Cùng với đó, cần yêu cầu các cơ sở y tế phải công khai toàn bộ TTBYT, nhất là máy xét nghiệm đang sử dụng (về chủng loại, nước sản xuất, chi phí xét nghiệm, đặc biệt là độ chính xác theo kết quả ngoại kiểm) để người dân được biết. Qua đó, khuyến khích các bệnh viện dùng TTBYT nói chung, máy xét nghiệm nói riêng loại tốt để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, giá mua sắm TTBYT không nên chọn giá thấp nhất mà cần quy định chọn giá hợp lý nhất, phù hợp với điều kiện của từng cơ sở, từng chuyên khoa. Nếu cứ chọn giá thấp nhất thì các bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt cũng không mua được TTBYT loại tốt của nhà sản xuất uy tín để phục vụ điều trị các bệnh lý chuyên sâu...

(Theo qdnd.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202306/can-som-khac-phuc-hai-viec-vo-ly-cua-y-te-cong-lap-981097/