Cần sớm chấn chỉnh tình trạng 'ép' khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn

Những năm gần đây, kênh phân phối bảo hiểm thông qua ngân hàng đóng góp khá lớn doanh số khai thác thị phần mới của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (BHNT) và góp phần gia tăng lợi nhuận cho các ngân hàng. Tuy nhiên, việc liên kết này lại đang bộc lộ điểm hạn chế, đó là tình trạng “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn tín dụng khiến nhiều người dù không có nhu cầu cũng như không có khả năng tài chính, không hiểu sản phẩm bảo vệ, nhưng vẫn chấp nhận ký hợp đồng BHNT chỉ để được giải ngân vốn vay.

Khách hàng đến giao dịch và tìm hiểu các gói tín dụng tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Phúc Yên. Ảnh: Dương Hà

Mới đây, anh Nguyễn Hải Giang, ở phường Khai Quang (Vĩnh Yên) đã thế chấp sổ đỏ và căn nhà 3 tầng của mình để vay 2,5 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại với mong muốn huy động đủ số vốn cho dự án kinh doanh sắp triển khai.

Tuy nhiên, khi làm thủ tục với ngân hàng thì anh được nhân viên tín dụng tư vấn rất "khéo" về việc mua BHNT kèm với gói vay và giải thích đây không phải là điều kiện bắt buộc, nhưng nếu có hợp đồng bảo hiểm thì khoản vay của anh sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi, không mất phí phạt thanh lý hợp đồng và khả năng giải ngân cao hơn.

Anh Giang nghĩ không vay của ngân hàng này thì tới ngân hàng khác vay nên không đồng ý. Tuy nhiên, sau khi cầm hồ sơ qua 3 ngân hàng và đều nhận được lời "mời khéo" mua BHNT từ nhân viên tư vấn tín dụng thì anh ngầm hiểu đó là điều kiện ưu tiên giúp anh sớm được giải ngân. Bởi vậy, dù không muốn nhưng anh vẫn phải đồng ý ký hợp đồng BHNT trị giá gần 30 triệu đồng/1 năm với khoản vay 2,5 tỷ đồng.

Liên quan đến chuyện bảo hiểm, anh Nguyễn Viết Toàn, ở xã Tam Hồng (Yên Lạc) mặc dù đã có đến 2 hợp đồng BHNT và không có nhu cầu cũng như khả năng tài chính mua thêm nhưng vẫn ngậm ngùi chấp nhận mua BHNT chỉ để được giải ngân số tiền hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau một năm đầu đóng phí thì ngay năm sau anh Toàn đã phải hủy hợp đồng bảo hiểm do không có đủ khả năng tài chính để tham gia.

Trường hợp như anh Giang và anh Toàn không phải là hiếm gặp khi hiện nay, thực trạng việc nhân viên tư vấn tín dụng của ngân hàng chào mời khách hàng vay vốn mua BHNT ngày càng trở nên phổ biến.

Khách hàng vì muốn giải ngân số tiền vay để phục vụ nhu cầu tài chính nên thường ngậm ngùi mua BHNT dù không thực sự có nhu cầu, không có khả năng tài chính hoặc hiểu rõ về gói bảo hiểm mình tham gia. Chính vì vậy, không ít khách hàng đã hủy ngang hợp đồng bảo hiểm ngay sau 1 năm đóng phí, chấp nhận như là “điều kiện” để được giải ngân vốn vay.

Theo quy định thẩm định tài chính trong ngành BHNT thì các doanh nghiệp BHNT chỉ bán gói sản phẩm tối đa 10 - 15% thu nhập của gia đình khách hàng/năm. Tuy nhiên, nhiều nhân viên ngân hàng hiện nay lại đang tư vấn khách hàng mua bảo hiểm căn cứ theo số tiền được duyệt vay chứ không theo nhu cầu của cá nhân và gia đình người được bảo hiểm nên thường vượt quá khả năng thu nhập của họ.

Thực tế, việc hủy ngang hợp đồng BHNT cũng không phải là điều mà doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng. Bởi khi một người tham gia hợp đồng BHNT mà hủy ngay trong năm đầu tiên thì doanh nghiệp bảo hiểm không có lợi mà gần như chịu lỗ khi vừa mất hoa hồng trả cho tư vấn vừa mất rất nhiều chi phí khác.

Hơn nữa, việc khách hàng tham gia nhưng không hiểu sản phẩm và ý nghĩa của BHNT sẽ làm mất đi giá trị bảo vệ nhân văn vốn có của BHNT đối với cuộc sống của con người.

Việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, không quy định cụ thể hoặc giới hạn về các sản phẩm bảo hiểm bán qua ngân hàng. Chính vì vậy, không có quy định nào bắt buộc người vay vốn ngân hàng phải mua BHNT.

Hiện nay, không phải ngân hàng nào cũng liên kết với các doanh nghiệp bảo hiểm để phân phối sản phẩm BHNT qua hệ thống ngân hàng và áp dụng chỉ tiêu tư vấn hợp đồng bảo hiểm cho nhân viên.

Tại các ngân hàng có liên kết với doanh nghiệp bảo hiểm và nhân viên tư vấn tín dụng đều khẳng định không có chuyện “ép” khách hàng mua BHNT khi vay vốn nhưng thực tế thì lại hoàn toàn khác khi hầu hết khách hàng vay vốn đều hiểu đây là một trong những "tiêu chí ngầm" ưu tiên để được giải ngân vốn vay.

Thậm chí, tại một số ngân hàng thương mại, nhân viên tư vấn còn trao đổi thẳng thắn với khách hàng sẽ không được giải ngân nếu không mua BHNT với nhiều lý do khác nhau.

Theo Nghị định số 48/2018 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm thì hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức sẽ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng; xử phạt bổ sung bao gồm đình chỉ hoạt động từ 2 - 3 tháng.

Tuy nhiên, việc xử phạt cũng còn gặp nhiều khó khăn do các chứng từ tham gia bảo hiểm tại các ngân hàng đều thể hiện là khách hàng hoàn toàn tự nguyện. Đa phần khách hàng vì cần vốn nên dù bị “ép” cũng chấp nhận và coi đó như một khoản phí ngầm mà không muốn giải trình thủ tục.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phối hợp với Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến đại lý bảo hiểm, tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm tuân thủ nghiêm quyền tự do lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Hy vọng với nhiều biện pháp đồng bộ thì tình trạng “ép” khách hàng mua BHNT khi vay vốn sẽ sớm được chấn chỉnh.

Thái Quỳnh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/83014/can-som-chan-chinh-tinh-trang-%E2%80%9Cep%E2%80%9D-khach-hang-mua-bao-hiem-khi-vay-von.html