Cần rõ hướng đầu tư và chế độ đãi ngộ

Lần đầu tiên sau 36 năm, cầu lông Hà Nội giành vị trí nhất toàn đoàn tại Giải vô địch Cầu lông cá nhân toàn quốc năm 2016. Gần nhất, tại Giải Kawasaki Vietnam International Series 2016 (kết thúc ngày 4-10 ở Bắc Ninh), đôi VĐV Tuấn Đức - Hồng Nam của Hà Nội đã bất ngờ giành HCV.

Nhưng ngay trong lúc vui nhất, giới chuyên môn vẫn canh cánh mối lo phải làm gì để không lãng phí chặng đường đầu tư tích cực trong suốt 16 năm qua, với trái ngọt là một thế hệ VĐV đang vào độ chín. Bà Dương Thị Liên - Trưởng bộ môn Cầu lông Hà Nội đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànôịmới về vấn đề này.

VĐV Đỗ Tuấn Đức và VĐV Phạm Như Thảo

- Bà có bất ngờ với thành tích của cầu lông Hà Nội thời gian qua?

- Giải vô địch Cầu lông cá nhân toàn quốc luôn quy tụ những gương mặt tiêu biểu nhất, vì vậy, việc Hà Nội giành được vị trí nhất toàn đoàn với 2 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ thực sự rất xuất sắc. Xếp sau Hà Nội là các đơn vị mạnh như Bắc Giang với 2 HCV, 1 HCĐ và TP Hồ Chí Minh với 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ. Kết quả này cũng nằm trong dự tính của chúng tôi. Ở kỳ giải 2015, Hà Nội cũng giành cả 2 vị trí nhất, nhì ở nội dung đôi nam - nữ và vị trí thứ nhì, ba ở nội dung đôi nam. Còn với thành tích giành HCV đôi nam giải quốc tế ở Bắc Ninh của Tuấn Đức - Hồng Nam, tôi rất bất ngờ. Các em đúng là càng đánh càng "lên tay".

- Trong thành tích của toàn đoàn, bà hài lòng nhất ở nội dung nào?

- Thành tích của Đức - Nam ở giải quốc tế thực sự rất đáng hài lòng. Còn với Giải vô địch Cầu lông cá nhân toàn quốc, đôi nam Đào Mạnh Thắng - Lê Hà Anh, đôi nam nữ Nguyễn Thị Mai Anh - Phạm Hồng Nam và đơn nữ Lê Thu Huyền cũng đã thi đấu rất ấn tượng. Thêm nữa là sự khẳng định vị thế của cặp VĐV Tuấn Đức - Như Thảo. Tuấn Đức, dù bị chấn thương lưng nhưng đôi nam - nữ của Hà Nội vẫn giành chiến thắng một cách thuyết phục.

- Theo bà, đâu là những nhân tố quyết định giúp Hà Nội có được những thành công vừa qua?

- Đó là thành quả sau quá trình đào tạo bền bỉ suốt 16 năm qua của Hà Nội, từ việc tổ chức đi tập huấn dài hạn tại Trung Quốc đến việc tạo điều kiện cho VĐV thường xuyên đi thi đấu nước ngoài. Nhờ đó mà cầu lông Hà Nội có được đội ngũ hùng hậu, luôn sẵn sàng lực lượng kế cận, góp phần kích thích sự cạnh tranh lành mạnh để nâng cao thành tích, khác hẳn so với tình trạng các đơn vị toàn lấy quân của nhau. Ngay như đội TP Hồ Chí Minh cũng phải lấy Cao Cường từ Thái Bình về làm người kế cận cho Tiến Minh.

- Phải làm gì để có thêm những tay vợt đẳng cấp thế giới như Tiến Minh, thưa bà?

- Qua các giải đấu vừa qua, có thể thấy ngoài Cao Cường của TP Hồ Chí Minh, còn phải kể đến Lê Đức Phát (Quân đội) - mới 18 tuổi nhưng chơi khá hay. Cùng với các VĐV Hà Nội, cầu lông Việt Nam hiện đang có nhiều VĐV có thể tiếp nối Tiến Minh, nhưng rất cần định hướng rõ trong đầu tư và chế độ đãi ngộ.

- “Cần có sự định hướng rõ" như thế nào với lứa trẻ hùng hậu và đầy triển vọng mà cầu lông Hà Nội đang có?

- Hà Nội rất cần xem lại cách giữ quân. Trong cuộc họp với lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội, tôi đã đưa ra một số vấn đề như: Các VĐV phải có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; được theo dõi sức khỏe, được áp dụng khoa học vào tập luyện và chế độ phải bằng các VĐV đội tuyển quốc gia. Chúng ta đã mất gần 20 năm đào tạo bài bản mới có được lứa VĐV giỏi như hiện nay, họ rất cần được trang bị đầy đủ, được đi thi đấu ở nước ngoài để rèn bản lĩnh, trình độ và tâm lý thi đấu. Tôi rất lo. Thái Bình lo được bảo hiểm xã hội cho VĐV mà sao mình không có. VĐV Bắc Ninh chỉ vào vòng 1/8 đã được thưởng 10 triệu đồng, trong khi đó, Hà Nội về nhất mà không có gì.

- Từ nay đến cuối năm, cầu lông Hà Nội còn tham gia các giải nào, thưa bà?

- Đáng chú ý nhất là Giải Cây vợt xuất sắc, sẽ diễn ra trong tháng 10. Hai năm nay, Hà Nội không có tiền thưởng từ ngân sách cho các giải trong nước. Hy vọng rằng chế độ cho các VĐV sẽ được cải thiện.

- Xin cảm ơn bà!

Mai Hoa thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-thao/850807/can-ro-huong-dau-tu-va-che-do-dai-ngo