Cần quy định ngưỡng nồng độ cồn đối với người lái xe

Theo ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội, người dân đồng tình với quy định đã uống rượu bia thì không được lái xe nhưng quy định nồng độ cồn trong hơi thở là 'zero' là không phù hợp.

LTS: Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ bảy diễn ra vào tháng 5 tới. Trong đó, vấn đề nhiều người đang quan tâm là có nên quy định cấm tuyệt đối người lái xe sử dụng rượu bia hay cần đưa ra một ngưỡng nhất định. Để có góc nhìn đa chiều, Pháp Luật TP.HCM giới thiệu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia và người dân về vấn đề này.

“Trong lần cho ý kiến về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XV, tôi và nhiều đại biểu đề nghị cần phải đưa ra một ngưỡng nhất định” - ông Phạm Văn Hòa, đại biểu QH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH, chia sẻ như trên với Pháp Luật TP.HCM về quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông đang được quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đã uống rượu bia thì không lái xe là nguyên tắc

. Phóng viên: Theo Bộ Công an, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn với người lái xe đang phát huy hiệu quả. Vậy tại sao chúng ta không giữ nguyên như hiện nay mà cần phải đưa ra một ngưỡng nhất định, thưa ông?

+ Ông Phạm Văn Hòa: Trước tiên tôi hoàn toàn nhất trí rằng đã uống rượu bia thì không lái xe, đó là nguyên tắc “bất di bất dịch”. Nhưng bên cạnh đó phải có quy định rõ hơn về ngưỡng bao nhiêu thì không bị xử phạt. Như vậy mới bảo đảm công bằng cho người dân.

Ông Phạm Văn Hòa.

Thực tế, chúng ta thấy có những người uống một chút rượu bia vào chiều tối nay, đêm về nghỉ ngơi nhưng sáng mai đi làm, đầu óc minh mẫn, tỉnh táo để điều khiển phương tiện giao thông. Họ thậm chí không ý thức được rằng mình có nồng độ cồn còn sót lại sau cuộc nhậu tối hôm trước nhưng khi bị lực lượng chức năng kiểm tra vẫn “dính” nồng độ cồn và bị xử phạt.

Thêm vào đó, hiện nay có một số thức ăn, đồ uống, gia vị bản thân đã có chứa nồng độ cồn nên khi người dân ăn uống vào nếu bị kiểm tra vẫn “dính” vi phạm.

Cạnh đó, nước ta là quốc gia có nhiều phong tục, tập quán, lễ hội, giỗ chạp…, thậm chí giao lưu thân nhân gia đình với nhau thông qua rượu bia, đặc biệt ở các vùng như Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Nam Bộ… Vì vậy, tôi cho rằng quy định nồng độ cồn trong hơi thở là “zero” là quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam.

. Nhưng hiện một số quốc gia cũng quy định nồng độ cồn trong hơi thở là “zero” đối với người điều khiển phương tiện, thưa ông ?

+ Chúng ta cần xem những quốc gia gần ta nhất, chẳng hạn như Trung Quốc họ có quy định như vậy không.

Nước ta đang là quốc gia có mức thu nhập trung bình, chưa được gọi là trung bình khá, người dân đi lại chủ yếu bằng xe máy nên việc quá khắt khe làm ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt đời sống, lưu thông bình thường của người dân. Còn các quốc gia phát triển họ giàu nên có ô tô, tài xế riêng.

Tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất, Bộ Công an vẫn giữ nguyên quy định hiện hành về nồng độ cồn. Ảnh: PHI HÙNG

Thêm vào đó, chúng ta cũng cần có báo cáo đánh giá tổng kết xem các vụ tai nạn giao thông có bao nhiêu phần trăm trường hợp người sử dụng rượu bia, hay nó chỉ có vài trường hợp thôi. Thực tế, chúng ta thấy nhiều vụ tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn đặc biệt nghiêm trọng không phải do sử dụng rượu bia.

Vì vậy, theo tôi, chúng ta phải chấp nhận trong hơi thở có nồng độ cồn ở một giới hạn nhất định, theo tỉ lệ cho phép của Bộ Y tế. Cụ thể, cơ quan y tế phải kiểm nghiệm lại với nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định, người tham gia giao thông có đủ lý trí hay không, đủ tỉnh táo để tham gia giao thông hay không. Khi có cơ sở khoa học, chúng ta sẽ đưa ra ngưỡng phù hợp nhất.

Cần có ngưỡng nồng độ cồn để tránh phạt oan

. Văn hóa ẩm thực của Việt Nam có nhiều điểm đặc thù, có tính cả nể. Nếu quy định nồng độ cồn bằng 0 thì không uống nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì người lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống...?

+ Tôi cho rằng nhận định hơi chủ quan, bởi mỗi người đều đủ lý trí chứ không phải mất lý trí mà bảo là bị ép sử dụng rượu bia. Nhưng tôi xin nhấn mạnh lại là chúng ta tuyệt đối cấm người tham gia giao thông uống rượu bia lái xe nhưng có những thực tế như tôi nêu ở trên. Vì vậy, cần quy định một ngưỡng để tránh “oan ức” cho người không sử dụng rượu bia hoặc người đã tỉnh rượu nhưng hơi thở vẫn còn lưu lại chút cồn.

Xây dựng quy định pháp luật chúng ta cần căn cứ vào tính khoa học và thực tiễn, không duy ý chí làm ảnh hưởng đến tập quán và đời sống sinh hoạt của người dân.

. Trong dự thảo mới đây, Bộ Công an cho biết vẫn giữ nguyên đề xuất cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông để hình thành văn hóa “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, sau khi ý thức, văn hóa giao thông hình thành tốt có thể nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp…

+ Chúng ta phải hiểu đây là luật chứ không phải nghị định hay thông tư nên không phải muốn sửa là sửa được ngay. Trường hợp điều chỉnh cần phải sửa luật một lần nữa, như vậy chúng ta đã thấy giải trình bất hợp lý rồi.

Tất nhiên đây là quan điểm của tôi, không biết ý kiến của các đại biểu khác ra sao và cơ quan soạn thảo cần phải suy nghĩ.

. Xin cảm ơn ông.

Các nước quy định nghiêm khắc về nồng độ cồn

Các nước châu Á đều quy định rất rõ về hành vi lái xe khi uống rượu bia. Các nước đều chia cụ thể khung hình phạt tùy mức độ say xỉn của người điều khiển phương tiện giao thông.

Nhật Bản và Hàn Quốc trước đây quy định nồng độ cồn cho phép đối với người điều khiển phương tiện giao thông là dưới 50 mg/100 ml máu, tuy nhiên sau đó đã giảm xuống còn dưới 30 mg/100 ml máu.

Ở Singapore nhìn chung dễ thở hơn so với các nước trên, khi Đạo luật Giao thông đường bộ của Singapore quy định giới hạn nồng độ cồn khi lái xe ở mức 80 mg/100 ml máu hoặc 0,35 mg/lít khí thở.

Còn Luật An toàn giao thông đường bộ Trung Quốc sửa đổi ngày 22-4-2011 và có hiệu lực từ ngày 1-5-2011 đưa ra hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi lái xe sau khi uống rượu, đồng thời hình sự hóa hành vi lái xe trong tình trạng say xỉn.

Mức nồng độ cồn cho phép ở Mỹ và các nước châu Âu nhìn chung cao hơn ở châu Á, phần lớn ở mức dưới 80 mg/100 ml máu.

Đối với Anh, Điều 5 Đạo luật Giao thông đường bộ 1988 của Anh quy định hình phạt đối với cả hành vi uống rượu khi lái xe và khi không lái xe, theo trang web của chính phủ Anh.

Xứ Wales và Bắc Ireland giới hạn nồng độ cồn cho phép đối với người lái xe là: 0,35 mg/lít khí thở, 80 mg/100 ml máu và 107 mg rượu/100 ml nước tiểu.

Còn các nước Trung Đông như Iran, Saudi Arabia, Qatar... hầu hết đều cấm sử dụng rượu bia. NHÓM PV

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-quy-dinh-nguong-nong-do-con-doi-voi-nguoi-lai-xe-post777590.html