Cần quy định chặt chẽ hơn, tránh chồng chéo trong các Luật

Các dự án Luật cần đánh giá kỹ lưỡng tác động cũng như những quy định chặt chẽ hơn và tránh chồng tréo trong các Luật…

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5.

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều ngày 27/3, các đại biểu thảo luận cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

CẦN QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ HƠN NỮA VỀ CÁC HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM TRONG ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

Thảo luận cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho biết tại Điều 9 luật hiện hành đã có những quy định về việc hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá cũng như những hành vi mà đấu giá viên bị nghiêm cấm thực hiện.

Thực tế trong thời gian qua, quy định này là chưa đủ rõ ràng để đảm bảo triển khai đấu giá minh bạch, dẫn đến có những trường hợp tài sản pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá như quyền sử dụng đất, thanh lý tài sản công… có thực hiện không đúng quy định, nhưng không thể xử lý. Do đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị sửa quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, quy định cụ thể hơn trong dự thảo luật để hạn chế những tồn tại, bất cập hiện có.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận

Bên cạnh đó, tại khoản 4, Điều 3 của dự thảo luật, có quy định về chuyển tiếp, theo đó, việc đấu giá thí điểm biển số xe ô tô tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 73 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô cho đến ngày Nghị quyết này hết hiệu lực. Đánh giá đây là quy định cần thiết, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng nội dung “hoặc cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật mới thay thế quy định về đấu giá biển số xe ô tô” là không cần thiết, không đúng với phạm vi điều chỉnh của luật, do luật này không áp dụng với việc đấu giá biển số xe ô tô theo Nghị quyết số 73.

“Khi Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 73, thấy cần thiết tiếp tục thực hiện đấu giá biển số xe ô tô, thì việc tiếp tục áp dụng pháp luật sẽ được Quốc hội quyết định thông qua việc ban hành văn bản mới hoặc sửa đổi pháp luật về giao thông đường bộ”, đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu rõ.

Cùng quan tâm đến nội dung về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn đại biểu Quốc tỉnh Quảng Bình đề nghị bổ sung thêm hai hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản là: gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người đăng ký tham gia đấu giá ngoài tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện, không thực hiện việc đấu giá tài sản hoặc thực hiện việc đấu giá tài sản không đúng quy định.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn đại biểu Quốc tỉnh Quảng Bình.

Luật Đấu giá tài sản hiện hành mới chỉ quy định cấm việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích nhằm mục đích làm sai lệch kết quả đấu giá mà chưa có quy định cấm đối với hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích để nhằm mục đích làm sai lệch kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Nêu thực tế này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 4, Điều 9 Luật Đấu giá tài sản theo hướng: “Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản”.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng trong thời gian qua, đã có tình trạng đấu giá viên có hành vi tiêu cực, vì vậy, việc tập huấn, đào tạo đối với những đấu giá viên và những đấu giá viên này phải có trình độ theo quy định của luật là rất cần thiết.

Ngoài ra, đối với những quy định, tiêu chuẩn đấu giá viên được miễn không phải qua đào tạo, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng. Bởi lẽ việc đào tạo đấu giá viên, ngoài việc nắm bắt chuyên môn về đấu giá thì còn phải đào tạo, bồi dưỡng nhận thức, ý thức của đấu giá viên về mặt đạo đức, về phẩm chất trung thành, thực hiện đấu giá khách quan, công tâm, vô tư.

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, toàn diện, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức cho biết sau Hội nghị này, cơ quan chủ trì thẩm tra cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa, giải trình đầy đủ các ý kiến đã nêu, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo chất lượng cao trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

RÀ SOÁT DỰ THẢO LUẬT TRẬN TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÁNH CHỒNG CHÉO VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐƯỜNG BỘ

Thảo luận và góp ý cho dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Đường bộ để tránh trùng lặp, chồng chéo; quy định dẫn chiếu phải bảo đảm chính xác. Về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với dự thảo Luật về quy định này.

Theo các đại biểu Quốc hội, quy định trên đã được thực tiễn kiểm nghiệm, phát huy kết quả tốt, số vụ tai nạn liên quan đến rượu bia đã giảm rõ rệt. Mục đích của quy định cấm này nhằm phòng ngừa, giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông gây ra, được các nhà khoa học ủng hộ.

Đến nay, quy định cấm trên đã đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình thực hiện và đang từng bước hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”. Về nồng độ cồn nội sinh phát hiện qua hơi thở, đến thời điểm hiện nay chưa có căn cứ rõ ràng, có thể kiểm tra lại qua xét nghiệm máu để không làm sai lệnh kết quả xử lý.

Các đại biểu góp ý, tại báo cáo Chính phủ về tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn trong dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ dù đã đề cập tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ nhưng mới đưa ra những con số về số vụ tai nạn, số người bị chấn thương sọ não, số người chết... liên quan đến rượu, bia nhưng chưa thống kê cụ thể trong số các vụ tai nạn liên quan đến người tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng cồn vượt ngưỡng.

Để có cơ sở và đảm bảo tính thuyết phục trong việc quy định “cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, đại biểu đề xuất cần có thống kê số liệu cụ thể để tường minh hơn nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao...

Tại Hội nghị, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan.

Mục tiêu chính là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông; xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phát triển, quản lý hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ để thích ứng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ hiện đại, đồng bộ, an toàn, chất lượng.

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quản lý hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ.

CÂN NHẮC KỸ QUY ĐỊNH VỀ HƯỞNG BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN ĐỂ BẢO VỆ TỐT QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tại Hội nghị, nội dung về phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần là trọng tâm thảo luận của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội hai phương án.

Theo đó, phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm: Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Quy định này khác với quy định hiện hành là, dự thảo Luật có quy định quyền lợi bổ sung nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần. Nhóm 2 gồm người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nêu rõ, qua thảo luận và ý kiến của các cơ quan tham gia, thì đa số cho rằng, Phương án 1 do Chính phủ trình có nhiều ưu điểm. Bên cạnh đó, có ý kiến đồng tình với Phương án 2. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị tích hợp Phương án 2 vào nhóm 2 của Phương án 1.

Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, mỗi phương án đều có ưu điểm và nhược điểm, dù lựa chọn phương án nào thì đều phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội ủng hộ Phương án 1 của Chính phủ đề xuất, song đề nghị Chính phủ làm rõ một số vấn đề liên quan.

Góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng nếu quy định theo Phương án 1 sẽ giúp người lao động ổn định tâm lý, bảo lưu lại quá trình đã đóng bảo hiểm xã hội. Phương án 1 sẽ dần dần từng bước khắc phục được tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần của thời gian qua theo tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW; tiến tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.

Trong ngắn hạn, phương án này không giúp duy trì, gia tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội so với phương án 2 nhưng trong dài hạn thì phương án này tối ưu hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia ý kiến

Theo đại biểu, do quy định này không ảnh hưởng tới những người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội nên sẽ dễ nhận được sự đồng thuận hơn của người lao động. Song nhược điểm của phương án này, theo đại biểu là do chỉ áp dụng đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật này có hiệu lực, cho nên hiện có gần 18 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội vẫn có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Do vậy, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần không giảm nhiều, hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức và sự lựa chọn của bản thân người lao động, đặc biệt trong những năm đầu sau khi Luật mới có hiệu lực; đồng thời tạo sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật này có hiệu lực trong việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, phức tạp, đại biểu đề nghị cần tiếp tục lấy ý kiến tham gia đối với 02 phương án nêu trên, đặc biệt là lấy ý kiến của người lao động, đối tượng chịu sự tác động. Dù lựa chọn phương án nào thì cũng đều dựa trên quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi lâu dài cho người lao động.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định ủng hộ phương án 1. Tuy nhiên đại biểu kiến nghị khi xem xét các trường hợp rút bảo hiểm xã hội thì cần có quy trình đánh giá thêm rằng việc rút bảo hiểm xã hội một lần theo phương án này thì đã thực sự đáp ứng được nhu cầu tài chính trước mắt của người lao động hay chưa?

Đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định.

Đại biểu cũng mong muốn phải làm sao để người lao động có thêm cơ hội để cân nhắc có rút bảo hiểm hay không. Trong trường hợp bất khả kháng không còn cách nào khác nữa thì nhà nước phải tính toán các phương án để hỗ trợ cho người lao động như chính sách hỗ trợ về tín dụng cho người lao động trong thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Thống nhất với quan điểm của Ủy ban Xã hội, song đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng phương án 1 cũng chưa phải là phương án tối ưu để giữ chân người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần.

Đại biểu chỉ rõ, phương án 1 tạo ra “lát cắt” giữa các đối tượng tham gia trước và sau khi luật này có hiệu lực. Đó là, khoảng 17 triệu lao động chiếm 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi (theo số liệu hiện nay), trong đó số người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm sẽ tiếp tục được rút bảo hiểm xã hội một lần; còn người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày luật có hiệu lực thi hành (1/7/2025) không được nhận bảo hiểm xã hội một lần (trừ các trường hợp quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành). Như vậy, không bảo đảm đúng quan điểm của Đảng ta về bảo hiểm xã hội toàn dân.

Đại biểu cho rằng phương án 2 tiếp cận gần hơn với mục tiêu của chính sách bảo hiểm xã hội, cho phép được rút 50%, để giữ chân họ lại còn trong hệ thống an sinh, kèm theo đó, cần có chính sách hỗ trợ được vay ưu đãi, để giải quyết những khó khăn trước mắt.

Đại biểu cho rằng, nếu giải quyết được như vậy chính là để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp. Cần thiết phải tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức vì một xã hội tốt đẹp, bảo hiểm xã hội bao phủ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý cũng như góp ý nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết sau phiên họp này, Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các cơ quan có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các vị đại biểu, tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đảm bảo chất lượng.

Hà Lê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/can-quy-dinh-chat-che-hon-tranh-chong-cheo-trong-cac-luat.htm