Cần phải điều tra những vụ đấu thầu 'có mùi'

Một trong những thành công lớn nhất của Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ XIII là hoàn thiện thể chế kinh tế, trong đó có việc ban hành Luật Đấu thầu 2013.

Dư luận phản ánh việc đấu thầu Dự án Đường ống nước sông Đà số 2 là “có mùi”, mặc dù chưa có bằng chứng chứng minh có gian lận trong đấu thầu. Ảnh Internet

Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Thái Bình Dương, vụ việc đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp đường ống nước sông Đà số 2 đã và đang đặt ra một số vấn đề đáng suy nghĩ.

Dư luận xã hội đang xôn xao về việc đấu thầu của Dự án Đường ống nước sông Đà số 2 do CTCP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) làm chủ đầu tư. Ông có ý kiến gì về vụ việc này không?

Không chỉ dư luận xã hội, báo chí, mà nhiều đại biểu Quốc hội cũng rất quan tâm đến việc đấu thầu tại Dự án Đường ống nước sông Đà số 2. Thứ nhất là đường ống nước sông Đà đang lập kỷ lục vỡ đường ống vô tiền khoáng hậu, ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở Hà Nội. Thứ hai, dự án này có tổng mức đầu tư rất lớn, lên tới 5.000 tỷ đồng và dù Viwasupco sử dụng nguồn vốn tự có hay vốn đi vay thì hậu quả cuối cùng người dùng nước phải chịu. Và thứ ba là việc đấu thầu dự án này, như dư luận phản ánh là “có mùi”, mặc dù chưa có bằng chứng chứng minh có gian lận trong đấu thầu.

Ông Phan Văn Quý

Vấn đề là phải chỉ ra được tiêu cực, khuất tất trong đấu thầu đối với dự án này. Ông cảm nhận tính trung thực trong đấu thầu tại Dự án Đường ống nước sông Đà số 2 thế nào?

Mặc dù gói thầu rất lớn, lên tới 5.000 tỷ đồng, nhưng thực ra gói thầu này đơn giản hơn so với các gói thầu xây lắp công trình, cung cấp thiết bị máy móc, dây chuyền… Vì các dự án này có rất nhiều hạng mục, đòi hỏi đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật vô cùng phức tạp. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết có 20 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu, trong đó có 4 nhà thầu lọt được vào vòng tham gia đấu thầu thì 2 nhà thầu bị loại vì lý do rất “giời ơi đất hỡi”.

Nói thật, tôi đã tham gia đấu thầu cũng như tổ chức đấu thầu rất nhiều lần và chưa thấy có trường hợp nào nhà thầu khi tham gia dự thầu lại quên không có bảo lãnh dự thầu để bị loại… ngay từ vòng “gửi xe”. Vì khi tham gia đấu thầu, dù chỉ là gói thầu trị giá chỉ 1-2 trăm triệu đồng người ta đã phải nghiên cứu rất kỹ các quy định về đấu thầu, chứ chưa nói tới dự án trị giá cả ngàn tỷ đồng như đường ống nước sông Đà số 2.

Nhiều chuyên gia đã đặt ra nghi án thông thầu, “quân xanh - quân đỏ”, tiêu cực. Còn tôi, với tư cách là người đã từng tham gia đấu thầu cũng như tổ chức đấu thầu, tôi “ngửi” thấy đấu thầu của Dự án Đường ống nước sông Đà số 2 “có mùi” và tôi thực sự không hiểu được nội tình của cuộc đấu thầu này ra sao.

Giả sử sau này cơ quan điều tra phát hiện ra dự án này có “mùi thật” thì xử lý thế nào, thưa ông?

Cứ xử theo đúng luật, cụ thể là theo Luật Đấu thầu. Theo đó, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu và đưa vào danh sách nhà thầu vi phạm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước đối với những trường hợp do người có thẩm quyền đề nghị. Quyết định xử lý vi phạm về đấu thầu được đăng tải trên Báo Đấu thầu, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Thế còn truy cứu trách nhiệm hình sự thì sao, vì Bộ luật Hình sự năm 2015 không hình sự hóa pháp nhân phạm tội về đấu thầu?

Công khai danh tính tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về đấu thầu trên Báo Đấu thầu và cấm tham gia hoạt động đấu thầu, đưa vào danh sách nhà thầu vi phạm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chẳng khác gì hình sự hóa pháp nhân đối với tội vi phạm về đấu thầu. Vì một khi đã bị công khai danh tính và cấm tham gia hoạt động đấu thầu, doanh nghiệp vi phạm sẽ rất khó lấy lại uy tín.

Còn đối với cá nhân vi phạm, kể từ 1/7/2016, nếu gây thiệt hại từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận trong đấu thầu; cản trở hoạt động đấu thầu… mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Nếu phạm tội thuộc một trong những trường hợp: vì vụ lợi; có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm. Thậm chí, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 đến 20 năm nếu gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên…

Phạm Tất Đính thực hiện

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/phap-luat/can-phai-dieu-tra-nhung-vu-dau-thau-co-mui-21114.html