Cân nhắc quy định về cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi

Sáng 10/6, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá rõ tác động, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi.

Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đã được trình Quốc hội chiều 2/6. Một điểm đáng chú ý tại dự thảo luật là bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi; tuy nhiên, việc cấp thẻ cho nhóm đối tượng này sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.

Các đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội thảo luận tại tổ

Phát biểu thảo luận tại tổ 1, đồng thuận với quan điểm bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân là người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc làm này rất thuận tiện cho các cháu dưới 14 tuổi trong việc kê khai giấy tờ khi đi học, khám chữa bệnh hay tham gia vào các hoạt động giao thông vận tải công cộng. Việc làm thẻ căn cước công dân cho đối tượng này cũng góp phần quản lý dữ liệu, thông tin cá nhân được tốt hơn bởi nếu dùng giấy khai sinh có thể bị hư hỏng, cũ nát nên dễ ảnh hưởng đến độ chính xác của thông tin cá nhân và người khác có thể sử dụng thay thế được. Để đảm bảo cơ sở dữ liệu thông tin được tốt hơn, đại biểu Nguyễn Hải Trung yêu cầu trong dự án Luật cần đề cập rõ hơn về hạ tầng để bảo mật dữ liệu cá nhân.

Cũng đồng tình bổ sung quy định này, đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương) cho biết, hiện nay nhu cầu đi máy bay, sinh hoạt trong nước, trại hè, du lịch… của người dưới 14 tuổi đều cần thiết có khai sinh. Do đó, đặt ra nhu cầu cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ góp phần giảm việc cá nhân phải mang theo nhiều giấy tờ khi ra ngoài.

Với quy định này, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế cũng như các nghiên cứu khoa học về sinh học con người để có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn.

Đại biểu phân tích, thông thường, một người sẽ có đầy đủ gương mặt của người trưởng thành ở 18 hoặc 20 tuổi. “Nếu kéo dài đến 25 tuổi, thì trong khoảng thời gian học đại học, đi công tác… người đó vẫn sử dụng căn cước được cấp lần đầu với gương mặt rất trẻ (14 tuổi); có thể sẽ không chính xác”- đại biểu nêu băn khoăn.

Quốc hội thảo luận dự Luật Căn cước công dân (sửa đổi) (Nguồn: vtvgo.vn)

Đại biểu cũng chỉ ra kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới như: Venezuela cấp cho trẻ em từ đủ 10 tuổi và cấp lại mỗi 10 năm; Belarus cấp lần đầu khi đủ 14 tuổi và cấp lại sau mỗi 10 năm; tại Bỉ trẻ em từ 12 tuổi bắt đầu được cấp, bắt buộc từ 15 tuổi; tại Colombia được cấp khi đủ 14 tuổi nhưng không bắt buộc đến 18 tuổi cấp bắt buộc và có giá trị mỗi 10 năm…

Trên cơ sở kinh nghiệm của các nước, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, quy định cấp lần đầu bắt buộc từ sau khi đủ 14 tuổi; cấp lại lần 2 ở 18 hoặc muộn nhất 20 tuổi; lần 3 ở 40 tuổi và lần 4 ở 60 tuổi.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp)

Mặt khác, đại biểu Nguyễn Hải Anh nhấn mạnh, đây là luật liên quan đến nhiều nội dung về thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng, chia sẻ nhiều thông tin liên quan trực tiếp đến con người, đến quyền bảo vệ dữ liệu/thông tin bí mật đời tư cá nhân được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Do vậy, các quy định trong Luật cần đảm bảo cụ thể, rõ ràng, tránh việc nêu chung chung và không rõ khái niệm, có thể gây ra những lo ngại không đáng có của cử tri và nhân dân. Những thông tin được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước và Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư cần được cụ thể, rõ phạm vi và nội hàm thông tin. Đồng thời cần thống nhất quan điểm và nguyên tắc là các thông tin trong các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước phải hoàn toàn khác so với dữ liệu trong hồ sơ theo dõi, hồ sơ điều tra hình sự, hồ sơ tội phạm, hồ sơ phản gián,… mà các cơ quan chức năng thực hiện theo thẩm quyền.

Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) cũng cho rằng những người dưới 14 tuổi sẽ có sự thay đổi rất nhanh về vóc dáng và ngoại hình, trong khi thẻ căn cước lại có thời hạn. Dẫn chứng thêm kinh nghiệm quốc tế, đại biểu cho biết, một số nước nếu muốn cấp thẻ căn cước phải có giám hộ hoặc xác nhận của phụ huynh thì mới được. Vì vậy, đại biểu đề nghị, tiếp tục nghiên cứu và đánh giá rõ tác động của quy định này.

Về quy định cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ của người dưới 14 tuổi trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước công dân đã cấp cho họ, vì theo quy định của Bộ luật dân sự thì người dưới 14 tuổi chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, chưa thể tự mình thực hiện một số giao dịch dân sự mà phải thông qua người giám hộ./.

Tú Giang

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/thoi-su/can-nhac-quy-dinh-ve-cap-the-can-cuoc-cho-nguoi-duoi-14-tuoi-639722.html