Cần một quyết định hợp lòng dân!

'Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Dừng lại hay tiếp tục?' – buổi tọa đàm do Báo Đại Đoàn Kết tổ chức ngày 16/8 đã nhận được những ý kiến đa chiều, khoa học, tâm huyết, sát thực tiễn của các vị khách mời. Tọa đàm đã bắc một nhịp cầu để các nhà khoa học, chuyên gia, chính quyền, người dân… cùng gặp nhau trao đổi để làm rõ hơn vấn đề: Đã đến lúc dừng Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á?

Quang cảnh buổi tọa đàm ngày 16/8 do Báo Đại Đoàn Kết tổ chức. Ảnh: Quang Vinh.

Tọa đàm diễn ra dưới sự chủ trì của Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt. Với sự tham gia của các khách mời: PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam; PGS.TS Trần Bỉnh Chư - Tổng hội Địa chất Việt Nam; ông Trần Thanh Bình - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn phản biện Kinh tế - Xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh; ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh); ông Nguyễn Hải Lý - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh); TS Phạm Lê Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long (đại diện chủ đầu tư Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê) và ông Nguyễn Quang Luân - người dân thôn Bắc Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.

Tranh luận vì mục tiêu chung

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, nhà báo Lê Anh Đạt - Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết cho biết, sau quá trình tìm hiểu, ghi nhận ý kiến đa chiều xung quanh Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (ở 5 xã bãi ngang huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), nhóm PV Báo Đại Đoàn Kết đã thực hiện loạt bài 5 kỳ với chủ đề “Đã đến lúc chấm dứt Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á?”. Loạt bài đăng tải từ ngày 3 đến ngày 7/8/2023.

Loạt bài 5 kỳ của Báo Đại Đoàn Kết đã ghi nhận ý kiến phản biện của một số nhà khoa học, bộ, ngành, cơ quan chức năng về báo cáo tiền khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật của Dự án và đánh giá tác động của Dự án đến đời sống người dân. Loạt bài cũng ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, gợi mở định hướng phát triển của Hà Tĩnh nếu nhà chức trách quyết định chấm dứt Dự án.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ 5 bài báo không thể chuyển tải hết những vấn đề đặt ra xung quanh Dự án ở mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Vì vậy, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Dừng lại hay tiếp tục?”, với sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu có nghiên cứu sâu về Dự án, có đại diện chủ đầu tư và đại diện cấp ủy, chính quyền, người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ Dự án.

“Trên con đường phục vụ bạn đọc, chúng tôi luôn cố gắng để chuyển tới bạn đọc thông điệp chính xác, khách quan nhất. Tại buổi tọa đàm, trước hàng triệu bạn đọc, có đầy đủ những người đại diện liên quan và thậm chí có những người duyên nợ rất sâu nặng với dự án này, chúng tôi với tư cách là cơ quan tổ chức, mong muốn các vị khách mời thẳng thắn, khách quan, thảo luận, thậm chí tranh luận vì mục tiêu chung, để bạn đọc được tiếp nhận thông tin trực tiếp, tự cảm nhận, tự đưa ra những nhận định, kết luận của mình về vấn đề này. Cũng trên tinh thần đó, chúng tôi mong muốn các nhà quản lý có thêm một kênh thông tin để quyết định chính xác, hợp lòng dân trước một vấn đề hệ trọng mang tầm quốc gia, quốc tế” – Quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt nói.

Chủ đầu tư nói gì?

Trả lời câu hỏi: Hiện nay dư luận đang có 2 luồng ý kiến trái chiều, một luồng ý kiến cho rằng nên tiếp tục Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, luồng ý kiến ngược lại cho rằng nên dừng Dự án. Ý kiến của chủ đầu tư của Dự án về điều này như thế nào? TS. Phạm Lê Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long, thành viên sáng lập, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê, đại diện doanh nghiệp tư nhân duy nhất tham gia Dự án, cho biết: Trước hết khai thác mỏ sắt Thạch Khê để đưa vào luyện kim, nhưng thực tế quá phức tạp. Trải qua gần 60 năm nghiên cứu thì năm 2007 mới đủ điều kiện đưa vào khai thác. Vậy nên, kết luận số 72 của Bộ Chính trị đã nêu rất rõ rằng, về dự án sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh giao cho công ty sắt Thạch Khê, trong đó Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản làm chủ đầu tư để triển khai.

Tiếp theo, vì nhiều lý do khác nhau, mãi đến năm 2016 Dự án mới triển khai, Thủ tướng Chính phủ có văn bản gửi các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công thương, UBND tỉnh Hà Tĩnh với nội dung khẩn trương hoàn thành thủ tục, bảo đảm hoàn thành triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê vào quý I/2017.

Gần đây nhất, Bộ Chính trị cũng có ý kiến đánh giá toàn diện mỏ sắt Thạch Khê, hoàn thành khai thác trước năm 2030. Như vậy về pháp lý thì chưa có văn bản chỉ đạo nào yêu cầu dừng dự án. “Tôi cũng xin nói thêm, một dự án chỉ dừng triển khai khi xảy ra hai điều. Thứ nhất, chủ đầu tư xin dừng dự án. Thứ hai, trong quá trình triển khai dự án vi phạm nghiệm trọng quy định pháp luật. Ở đây, cả hai điều không xảy ra nên tôi cho rằng mỏ sắt Thạch Khê không có lý do gì để dừng” - ông Hùng nói.

Quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt chụp ảnh lưu niệm cùng các vị khách mời. Ảnh: Quang Vinh.

Môi trường là quan trọng nhất

Nói về vấn đề về môi trường của Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, PGS-TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho rằng, trước hết, chúng ta cần có cái nhìn tổng quan: Mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng nếu so với tổng thể các mỏ sắt trên thế giới đã được thăm dò thì mỏ sắt này chỉ chiếm có 0,8%. Chúng ta phải khẳng định điều này để có cái nhìn khách quan. Theo tôi, chúng ta sẽ tiếp tục khai thác nếu như giá thành khai thác rẻ hơn đi mua. Hiện nay kinh tế thị trường và toàn cầu hóa nếu chúng ta mua được thì có cần khai thác hay không? Ví dụ, trồng rau mà giá 50.000 đồng/kg trong khi giá đi mua là 35.000 đồng thì chúng ta trồng rau làm gì?

“Hội Kinh tế môi trường Việt Nam đã có quan điểm rõ ràng: Chưa đủ cơ sở khoa học để tiếp tục và nếu như vậy thì phải dừng” - ông Hải nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Luân - người dân thôn Bắc Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh chia sẻ: Tại thôn Bắc Hải, trên 1 thập kỷ qua, người dân gặp vô vàn khó khăn, từ đất ở, nguồn nước, kinh tế hạ tầng, đến giao thông,… Về đất sản xuất phát triển kinh tế, riêng thôn Bắc Hải có trên 20ha nằm trên đất 2 vụ, hiện nay bị sạt lở, đất bùn... nhân dân không thể sản xuất phát triển kinh tế.

Về đất ở, hiện tại ở địa bàn thôn có trên 100 hộ gia đình mong muốn cung cấp đất ở cho nguời dân. Có nhiều hộ gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống, do vậy sinh hoạt hàng ngày rất khó khăn. Đến mức, có những cặp vợ chồng phải bỏ nhà ra đi. Về hạ tầng giao thông, từ đường liên xã đến đường giao thông nông thôn đều xuống cấp. Người dân đã nhiều lần phản ánh đến cấp xã, cấp huyện về những khó khăn, nhưng cũng chỉ nhận được những câu chia sẻ, rồi hứa sẽ kiến nghị với tỉnh. Nhưng đến giờ vẫn chưa có sự hỗ trợ nào đến địa phương. “Nếu tiếp tục khai thác mỏ sắt này, tôi tin rằng, đời sống người dân sẽ tiếp tục gặp khó khăn” – ông Luân nói và đề xuất, đại diện người dân thôn Bắc Hải, chúng tôi mong muốn sớm có phương án giải quyết để người dân ổn định cuộc sống. Nên dừng hẳn hoạt động của Dự án.

Cùng nói về hệ lụy của Dự án, ông Nguyễn Hải Lý - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), cho biết, Thạch Hải là 1 trong 5 xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Năm 2007, ngay khi có chủ trương thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê thì Đảng bộ và nhân dân Thạch Hải hết sức đồng tình với chủ trương của Đảng và Nhà nước, tiến hành nhường đất đai tài sản để thực hiện dự án một cách nhanh chóng. Tuy nhiên dự án đi vào hoạt động khai thác thì không được như mong muốn ban đầu và đã để lại nhiều hệ lụy đối với đời sống người dân các xã trong vùng mỏ trong đó có xã Thạch Hải.

“Toàn bộ khối lượng bùn đất của bãi thải mỏ sắt đã sụt lún san lấp hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp, mồ mả, hoa màu cây cối bị vùi lấp dưới chân bãi thải, bà con nhân dân di dời khẩn cấp 1.500 ngôi mộ ra khỏi khu vực bãi thải, nhiều ngôi mộ không được tìm thấy. Rất đau xót!” – ông Lý chia sẻ.

Công nghệ khai thác đảm bảo chưa?

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, tâm lý nhà đầu tư rất muốn làm dự án. Nhưng cần nhấn mạnh đến vấn đề, công nghệ khai thác có đảm bảo không? GS Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ đã chỉ rõ trong bài viết mà Báo Đại Đoàn Kết đã đăng trong loạt 5 bài viết, khi đánh giá để thẩm định dự án đấy, các hội đồng bị giấu nhiều thông tin và hội đồng cứ thế… đã bỏ qua. Chúng ta không truy vấn nhưng trong trường hợp thiếu thông tin, hội đồng có thể kết luận sai lầm.

Liên quan tới công nghệ, ông Hải cho biết, trường hợp ở Bình Thuận mới khai thác cát có 20m mà đã sạt cát làm chết 4 người, việc này báo chí đã đưa tin. Và chúng ta thấy, một bức tường nằm sát biển xung quanh là nước mà chỉ xây bằng đất sét với cát cao tới 120m thì có chịu được không, nếu sập sẽ thế nào? Ở hồ nước mà mới đây đoàn khảo sát của chúng tôi lấy mẫu đã công bố trước đó, kim loại nặng gây ra ô nhiễm, vượt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam. Mặt khác những kim loại nặng ở độ sâu có chứa đồng, kẽm, chì… sẽ gây ra ô nhiễm môi trường. Chủ trương của Nhà nước là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Bởi vậy chúng ta phải tính toán cả lợi ích kinh tế và lợi ích về mặt môi trường.

“Tôi cho rằng bài toán phân tích lợi ích kinh tế với lợi ích môi trường với mỏ sắt Thạch Khê đòi hỏi cần làm rõ, minh bạch. Còn việc dừng hay không dừng khai thác cần có cơ sở khoa học. Nếu không bổ sung cơ sở khoa học thì chắc chắn nên dừng dự án” – ông Hải nhấn mạnh.

Với góc nhìn của nhà khoa học, PGS.TS Trần Bỉnh Chư cho rằng, nếu khai thác dự án, với độ sâu âm 600 – 700 m, một mũi khoan sâu như thế thì phải có biện pháp chống sập. Phải xây tường vây độ dày 3-5m mới có thể chống được, điều này chúng ta có làm được không? Làm được thì mới khai thác. “Cát, đất sét, đặc biệt thân quặng nằm dưới đá vôi, lỗ hổng, khe nứt nếu không đánh giá đầy đủ lỡ xảy ra sự cố môi trường, sập hầm mỏ, nước tràn... thì ai sẽ chịu trách nhiệm, không nước nào khai thác kiểu như chúng ta. Mình chưa nghiên cứu đầy đủ thì hãy thận trọng” – ông Chư bày tỏ quan điểm.

Nêu quan điểm của mình, ông Trần Thanh Bình - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn phản biện Kinh tế - Xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “Dẫu biết rằng, nguồn vốn đã chi để thực hiện dự án không hề nhỏ. Nhưng không thể vì thế mà đánh đổi cuộc sống của hơn 13 vạn dân trong vùng mỏ và sự phát triển bền vững của đất nước. Người dân và chính quyền địa phương mong nhà quản lý sớm có những quyết sách đúng đắn và kịp thời vì cuộc sống của người dân”.

Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt:

Mọi ý kiến đều mong muốn dự án phải được nghiên cứu thật kỹ

Với vai trò của người làm truyền thông, chúng tôi rất tin tưởng thông tin, ý kiến của các nhà khoa học đưa ra tại tọa đàm. Chúng ta nói trước truyền thông, trước nhân dân, trách nhiệm với nhân dân. Các chuyên gia với nhiều năm nghiên cứu, nhiều năm kinh nghiệm, trách nhiệm về những điều chúng ta nói, nói về những vấn đề người dân muốn nghe, muốn giải thích.

Về phía Hà Tĩnh, với tư cách là cơ quan đại diện cho tiếng nói của người dân, cơ quan MTTQ Việt Nam cũng đã có tiếng nói phản biện và nêu quan điểm rất rõ ràng. Về phía nhân dân và chính quyền, cũng đã có ý kiến sâu sát về tình hình thực tế.

Ngoài chủ đầu tư thì từ chính quyền địa phương, người dân, MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, các nhà khoa học đều có những băn khoăn và mong muốn dự án cần được nghiên cứu thật kỹ. Các ý kiến tại buổi tọa đàm cho thấy, người dân và chính quyền địa phương đều không muốn dùng từ “tạm dừng” nữa. Bởi “tạm dừng” nghĩa là tiếp tục “treo” cuộc sống của người dân, sinh kế của người dân, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của người dân.

Đề nghị cơ quan chức năng, những người tham gia vào việc hoạch định chính sách cần để ý đến đời sống của người dân trước mắt và lâu dài. 16 năm trời, người dân bị ảnh hưởng mọi mặt, từ kinh tế, gia đình, đất ở,… tất cả đều diễn ra trong hoàn cảnh bị “treo”. Có lẽ đúng như ý kiến của đại diện MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã nói: “Sức chịu đựng của người dân là có hạn”. Và đến bây giờ chúng ta phải quyết định rõ ràng, còn quyết định thế nào và phương án ra sao thì các cơ quan chức năng sẽ đưa ra câu trả lời. Qua tọa đàm này, chúng tôi cũng muốn khẳng định, cách làm báo của chúng tôi là công khai, minh bạch, trung thực và trực tiếp nhất có thể. Để từ góc độ của người dân, chính quyền, chuyên gia, độc giả xem chương trình đều có cho mình câu trả lời. Cuối cùng, chúng tôi dành lại phần kết luận dừng lại hay tiếp tục dự án mỏ sắt Thạch Khê cho cơ quan chức năng. Mục đích của tọa đàm hôm nay cũng chỉ thực hiện tiếng nói của báo chí. Báo chí không kết luận, không làm thay cơ quan chức năng, không giải quyết thay những vấn đề của địa phương. Báo chí nêu thông tin, truyền thông điệp đầy đủ, trọn vẹn, khách quan các nhà hoạch định chính sách đưa ra chính sách hợp bối cảnh và đặc biệt là hợp với lòng dân.

Trên hành trình thông tin với bạn đọc, chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng bạn đọc với những sự kiện, vấn đề nóng bỏng, dân sinh, luôn tiếp cận từ phía bạn đọc, nhân dân để giải quyết vấn đề, mang lại lợi ích chính đáng cho nhân dân.

PGS.TS Trần Bỉnh Chư - Tổng hội địa chất Việt Nam:

Mỏ sắt độc nhất vô nhị trên thế giới

Đây là mỏ quặng sắt độc nhất vô nhị trên thế giới nằm ở dưới trầm tích mở rộng, sát mực nước biển mà trên thế giới không một nước nào có. Nga, Ukraina, Brazil, Úc và nhiều nước khác khai thác hàng trăm triệu tấn quặng sắt/năm nhưng mà trên nền đá vững bền. Ở Việt Nam, mỏ quặng dưới nền trầm tích bở rời, dưới cùng là đá vôi, đá granit... trao đổi thay thế với nhau, có nghĩa là có khe nứt, có lỗ hổng...

Như vậy thân quặng rất phức tạp. Ta tưởng tượng giống như một con sứa, nếu khoan đúng gân sứa thì sẽ phải vào sâu hàng 700m và lớn hơn... Với mức khoan ở độ sâu -100m thì làm sao đầy đủ được. Độ sâu thân quặng ở phía Bắc khoảng 14m, sâu kịch là 706m. Nếu khai thác mỏ này phải báo cáo kinh tế kỹ thuật, tương đương với nghiên cứu tính khả thi, điều kiện địa chất thủy văn bổ sung công trình, và phải lập mô hình lập thể (3D) về thân quặng của hang động caster nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn, nguy cơ nước biển, nước sông xâm nhập... Theo thông số độ sâu cứ xuống 100 m là nhiệt độ tăng 3 độ C, ở dưới mỏ quặng có axit sẽ ăn mòn thiết bị của chúng ta. Tôi đã từng nói, cứ xuống mỗi độ sâu 20m - 50 m - 100m chúng ta đều phải xây tường vây để bảo vệ, nếu không có tường bảo vệ thì làm sao mà khai thác được. Với tất cả những đánh giá đó, tôi khẳng định, đây là mỏ quặng duy nhất trên thế giới cực kỳ phức tạp.

Ông Trần Thanh Bình - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn phản biện Kinh tế - Xã hội:

Sức chịu đựng của người dân là có hạn

Theo Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, bãi ngang Thạch Hà là vùng đất có tiềm năng, lợi thế về biển và khai khoáng, với dân số gần 4,5 vạn người, nhưng địa hình bị chia cắt, đất nhiễm mặn bạc màu, nguồn nước thủy lợi không ổn định, sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên nên đời sống và việc làm của dân vô cùng khó khăn, hàng nghìn người phải phiêu bạt mưu sinh trên mọi miền đất nước. Khi dự án triển khai, cơ sở và người dân rất phấn khởi, hy vọng sẽ đổi đời”. Nhưng rồi niềm vui chưa đến mà những hệ lụy của việc triển khai Dự án chất cao như núi do việc lập dự án chưa đảm bảo đúng lộ trình, thiếu căn cứ khoa học, đặc biệt là chưa khoan thăm dò nước ngầm và hang caster như khuyến cáo của các chuyên gia nước ngoài... những hiểm họa về môi trường đã diễn ra hàng ngày, năng lực tài chính của nhà đầu tư không đảm bảo. Dự án này giống như “đứa con bị đẻ non”, thiếu tháng. Tôi đề nghị nên dừng hẳn việc thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh):

Nhiều lợi thế phát triển kinh tế hơn khai thác mỏ

Nếu chấm dứt dự án, huyện Thạch Hà có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội. Thạch Hà là huyện bao quanh TP Hà Tĩnh với diện tích tự nhiên là 35.39 ha; hệ thống bãi biển hoang sơ có chiều dài hơn 20km với nhiều bãi tắm đẹp (Thạch Hải, Thạch Hội, Thạch Trị, Thạch Văn) là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển du lịch biển. Hệ thống di tích lịch sử văn hóa phân bố khá dày đặc, có gần 44 di tích được xếp hạng (trong đó có 3 di tích cấp Quốc gia)...

Với những lợi thế về tự nhiên, nếu chấm dứt Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê, huyện Thạch Hà sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng của các xã chịu ảnh hưởng của Dự án cùng với những tiềm năng, lợi thế hiện có để đề xuất tỉnh điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch có liên quan theo hướng phát triển kinh tế biển, thương mại - dịch vụ và du lịch trong vùng (bao gồm Du lịch biển và Du lịch tâm linh); Phát triển các làng nghề truyền thống có lợi thế trên địa bàn (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, sản xuất và chế biến các sản phẩm từ hải sản,…). Đẩy mạnh phát triển kinh tế từ nuôi trồng thủy sản theo hướng áp dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh, nhất là nuôi Tôm; quy hoạch, kêu gọi và đầu tư xây dựng khu chế biến thủy hải sản; phát triển rau quả hữu cơ trên cát... giúp tạo sinh kế ổn định, lâu dài cho bà con nhân dân.

TS Phạm Lê Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long:

Không thể xảy ra thảm họa môi trường

Nếu được triển khai, chúng tôi sẽ triển khai nhanh. Tôi đã đến thăm Ấn Độ, Trung Quốc, Úc và thấy rằng, khu mỏ này hoàn toàn có thể triển khai tiếp. So với các nước phát triển khác thì hiện nay, công nghệ khai thác của TKV đã rất phát triển.

Nói về môi trường, cơ sở thực tiễn có thể thấy, mỏ sắt Thạch Khê trải qua 60 năm nghiên cứu, đã khoan 65 nghìn mũi, xét nghiệm 16.500 mẫu đất đá, quặng, khoáng vật, tất cả đều trong ngưỡng cho phép. Có nghĩa là trong mỏ không chứa vật phẩm gây hại, chỉ đào đất lên, lấy quặng ra rửa sạch, nghiền, tuyển. Vì vậy, thảm họa môi trường không thể xảy ra.

Nhìn sang tính vấn đề khoa học của Dự án, để Dự án đi vào khai thác thì chúng tôi bảo vệ bằng Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hội đồng đánh giá tác động môi trường gồm các nhà khoa học uy tín. Còn, hội đồng thiết kế kỹ thuật, có 25 nhà khoa học đầu ngành và 10 thư ký trợ giúp. Vậy nên, kết luận đánh giá tác động môi trường, tác động kỹ thuật đã được Nhà nước thông qua. Như vậy tính khoa học là chắc chắn. Quan ngại của Hà Tĩnh là nước thải, chúng tôi có 3 hồ thì hồ cuối cùng có thể xả ra môi trường mà không gây ô nhiễm. Còn về ý kiến là dự án lấn biển thì, chúng tôi có lấn biển nhưng đâu có đổ thải ra biển.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/can-mot-quyet-dinh-hop-long-dan-5726012.html