Cần lời giải đúng cho phố đi bộ Nguyễn Huệ

Làm cách nào để thay đổi tích cực bộ mặt phố đi bộ Nguyễn Huệ? Đó là bài toán cần lời giải thỏa đáng để nơi đây thành điểm đến hấp dẫn

Sau bài viết "Phố đi bộ Nguyễn Huệ: Đừng để thất vọng!" (ngày 4-11), phóng viên Báo Người Lao Động đã trở lại để ghi nhận những thay đổi nơi đây.

Sợ nhưng không thể nghỉ bán

Theo ghi nhận trong nhiều ngày, phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện đã thoáng đãng, không còn cảnh bát nháo bởi đủ loại hàng rong, xe máy, rác thải… Các hoạt động văn nghệ, vui chơi cũng không còn. Chức năng "đi bộ" đã được trả lại cho không gian phố đi bộ. Cứ hơn 19 giờ mỗi ngày, lực lượng trật tự chia đội đi kiểm tra, nhắc nhở.

Tuy vậy, một số người bán hàng rong vẫn bày hàng, họ vừa bán vừa liên tục quan sát xung quanh, sẵn sàng di chuyển "đồ nghề" núp vào một góc nào đó để không bị xử phạt, cứ 5-10 phút lại thấy họ "kéo xe, dọn gánh" chạy. Sau khi lực lượng tuần tra vừa rời khỏi, họ lại bước ra giữa phố tiếp tục bán.

Vừa đặt ghế ngồi xuống, bày hàng mời khách, bà Nguyễn Kim Phượng (43 tuổi, ngụ Bình Chánh) vừa dáo dác nhìn quanh, rồi nói: "Có một xe kem vừa bị phạt 2,5 triệu đồng. Hơn 10 ngày nay, lực lượng trật tự đi tuần liên tục và mạnh tay xử phạt, tụi tui sợ lắm. Không dám mua hàng như trước, khách lại ít nên 3 ngày đi bán mà chỉ đủ tiền mua 2 kg gạo".

Bà Phượng kể một mình phải nuôi 3 đứa con, con trai lớn 15 tuổi đã bỏ học, hằng ngày theo mẹ ra phố đi bộ bán bong bóng, đồ chơi trẻ em. Phố đi bộ đã trở thành nơi để mẹ con bà Phượng "kiếm cơm" nuôi sống gia đình. Đó cũng là lý do dù sợ phạt, mẹ con bà Phượng vẫn không thể nghỉ bán.

"Tôi mong sao nhà nước sắp xếp hoặc cho thuê chỗ bán hàng để những người bán hàng rong như tôi có một chỗ ngồi ổn định, an tâm buôn bán" - bà Phượng nói.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ thoáng đãng hơn khi lực lượng chức năng ra quân Ảnh: Ái My

Tương tự, bà Trần Thị Loan (55 tuổi, ngụ quận 4) cũng mong muốn được bố trí một chỗ ngồi bán, chấp nhận thuê và đóng thuế đầy đủ để không còn cảnh hồi hộp tránh né, bỏ chạy khi thấy lực lượng trật tự.

"Có bảng cấm mà vẫn bày bán, bị nhắc nhở, xử phạt là đúng nhưng nếu không ra đây bán thì cũng không biết phải rong ruổi ở đâu để mưu sinh. Một số người bán hàng rong tại phố đi bộ bán giá trên trời, bày bàn ghế lung tung, làm xấu hình ảnh phố đi bộ nhưng không phải ai cũng vậy. Mấy ngày gần đây, báo chí đăng, lực lượng trật tự tuần tra tới lui, làm căng lắm nên khách cũng không đông như trước. Nãy giờ hơn 2 tiếng mà chỉ bán được 2 chai nước" - bà Loan thở dài.

Hài hòa lợi ích

Mỗi tối, anh Trần Tuấn Minh (ngụ quận Thủ Đức) thường cùng bạn bè chạy từ Thủ Đức lên phố đi bộ Nguyễn Huệ ngồi chơi để cảm nhận được sự sôi nổi, nhộn nhịp của thành phố.

"Tôi biết việc buôn bán hàng rong, lấn chiếm phố đi bộ là sai, đem đến những hình ảnh tiêu cực như bán hàng "chặt chém", xả rác bừa bãi… Tuy nhiên, nếu sắp xếp và quản lý tốt thì những chuyện này sẽ không xảy ra, người dân cũng có thể thoải mái vui chơi, sử dụng dịch vụ trên phố" - anh Minh nói.

Dạo một vòng phố đi bộ, chị Trần Phi Yến (32 tuổi, ngụ quận 1) bày tỏ sự bất ngờ bởi không còn cảnh nhộn nhịp như trước. "Giờ ra phố đi bộ cứ cảm thấy thiếu thiếu. Thay đổi như vậy, tôi cũng không biết có nên ủng hộ không?" - chị Yến chia sẻ.

Hỏi một số du khách đến đây, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến cho rằng phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng là một điểm đến du lịch của TP HCM, nơi du khách có thể cảm nhận được văn hóa, con người TP HCM. Vì vậy, nên duy trì nhiều hoạt động vui chơi giải trí, việc buôn bán hàng rong không nhất thiết phải cấm mà nên quản lý chặt chẽ về an ninh trật tự, giá cả, an toàn thực phẩm… và có giới hạn số lượng vừa đủ để quản lý tốt mà không gây tình trạng bát nháo.

"Có thể chia khu vực buôn bán, vui chơi riêng. Ví dụ, có khu được bố trí bán hàng rong, khu để các nhóm biểu diễn, phục vụ văn nghệ… Tiềm năng phát triển của con phố này rất lớn, nên tận dụng tối đa để phát huy.

Tuy nhiên, phải quản lý được những hoạt động ở đây. Chẳng hạn giá cả, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm… Việc cấm, xử phạt, đẩy đuổi không phải là giải pháp lâu dài, hiệu quả; tạo nên hình ảnh không đẹp của một thành phố văn minh. Đó là chưa nói đến lực lượng chức năng còn nhiều việc khác phải làm, sau một thời gian tuần tra kiểm soát gắt gao thì sẽ không kham nổi, rồi sẽ quay về như cũ, chẳng khác gì bắt cóc bỏ dĩa, như đã từng" - chị Dương Thảo (ngụ quận 1) góp ý.

UBND quận 1 vừa đề xuất UBND TP HCM phương án tổ chức, quản lý các tuyến đường nhánh giao với phố đi bộ Nguyễn Huệ, trong đó có đề xuất tổ chức kinh doanh ẩm thực trên hè phố xung quanh tuyến đường này. Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 15-12.

Ái My - Minh Diễm

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/can-loi-giai-dung-cho-pho-di-bo-nguyen-hue-20231127211338717.htm