Cần làm rõ việc thủy điện Sông Bung 2 đội vốn hơn 1.600 tỷ đồng (2)

Bài cuối: Nên thành lập đoàn kiểm tra

(Cadn.com.vn) - Như đã đề cập, EVN cho rằng tổng mức đầu tư (TMĐT) của dự án thủy điện Sông Bung 2 (TĐSB 2) sau khi điều chỉnh tăng cao nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí tài chính của dự án ứng với giá bán điện bình quân trên thị trường điện hiện nay tương đương 1.060 đồng/kWh, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế chung của xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia về thủy điện lại không nghĩ vậy!

GS.TS Nguyễn Thế Hùng phân tích về việc TĐSB 2 đội vốn hàng nghìn tỷ đồng.

Ngày 3-8, trao đổi với P.V, GS.TS Nguyễn Thế Hùng - Trưởng bộ môn Cơ sở kỹ thuật thủy lợi (khoa Xây dựng thủy lợi thủy điện, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng), kiêm Phó Chủ tịch hội cơ học cơ khí Việt Nam cho rằng: “Đối với TĐSB 2 đầu tư trên 5.200 tỷ đồng cho 100MW thì suất đầu tư như vậy là cao. Suất đầu tư cao thì hiệu quả kém vì thủy điện phụ thuộc vào lượng nước chảy vào hồ. Thông thường đầu tư vào thủy điện cao hơn đầu tư nhiệt điện, nhưng tương lai giá điện sẽ rẻ hơn nhiệt điện”.

Về vấn đề sạt lở, trượt giá... ở dự án TĐSB 2 là một trong những nguyên nhân làm dự án đội vốn tăng cao, GS.TS. Nguyễn Thế Hùng cho rằng: Khi khảo sát, thiết kế có vấn đề không chính xác trong tính toán cũng như trong quá trình thi công. Tuy nhiên, nếu có tăng thêm thì không thể nào nhiều như vậy được. “Thông thường, các dự án thủy điện cho phép đội vốn 10%, còn trong những trường hợp bất thường thì phải có đoàn kiểm tra nghiêm ngặt để làm rõ việc đội giá này”, GS.TS Nguyễn Thế Hùng nói.

Ngoài việc đội vốn “khủng”, dự án TĐSB 2 còn chậm tiến độ kéo dài.

* Liên quan đến dự án TĐSB 2, tháng 9-2015, TAND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra xét xử 9 bị cáo đã câu kết lập chứng từ khống để chiếm đoạt và làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng tiền đền bù từ dự án này. Điều đáng nói, trong đó có nhiều cán bộ liên quan. Với hành vi trên, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Huỳnh Văn Hải (1964, trú xã Đại Hồng, Đại Lộc, Quảng Nam) 12 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 6 năm tù về tội “Đưa hối lộ”; 4 cán bộ của Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên môi trường Quảng Nam gồm: Trương Hoành (1969) bị phạt 5 năm tù giam, Nguyễn Đức Tuấn (1966) 7 năm tù giam, Phan Tấn Thịnh (1970) và Hứa Tấn Sỹ (1978) mỗi bị cáo 3 năm tù giam về tội “Nhận hối lộ”; bị cáo Zơ Râm Pết (1977, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Chơ Chun, Nam Giang) 3 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Nguyễn Văn Dũng (1976, Ban Quản lý dự án TĐSB 2) và Nguyễn Văn Hợp (1979, Trung tâm Phát triển quỹ đất H. Nam Giang) mỗi bị cáo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; riêng đối tượng Huỳnh Giao (em của Huỳnh Văn Hải) bỏ trốn và đã có lệnh truy nã toàn quốc.

“Dự án thủy điện được hoàn vốn trong khoảng thời gian 10 năm, có thể tăng thêm từ 1-2 năm chứ không được lâu quá. TĐSB 2 là một trong những nhà máy thủy điện có suất đầu tư lớn nên hiệu quả đầu tư sẽ thấp”, ông Nguyễn Thế Hùng khẳng định.

Nói về việc xây dựng thủy điện tràn lan như hiện nay ở Quảng Nam, GS.TS Nguyễn Thế Hùng cũng cho rằng, hiện nay trên thế giới nghiên về xu thế làm thủy điện nhỏ và vừa vì tác động đến môi trường ít. Nhìn chung thủy điện là một loại tái sinh năng lượng, nếu như quản lý tốt, tính toán hợp lý thì tác động môi trường không nhiều lắm. “Nếu làm thủy điện lớn thì gây ngập lớn, lũ lớn và làm thay đổi sinh thái lòng hồ; phù sa lắng đọng trong lòng hồ nên đồng bằng hạ lưu sẽ mất một lượng phù sa khá lớn, do đó sinh vật trong dòng sông cũng sẽ bị thay đổi”, GS.TS Nguyễn Thế Hùng nói.

Liên quan đến việc chậm trễ dự án này, trước đó BQL dự án TĐSB 2 đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc điều chỉnh lùi thời gian hoàn thành dự án như dự kiến. Đến ngày 30-12-2015, UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý cho phép điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng TĐSB 2. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam cho phép TĐSB 2 bắt đầu tích nước từ ngày 28-2-2016, phát điện tổ máy 1 vào ngày 24-7-2016, phát điện tổ máy 2 vào ngày 8-8-2016 và hoàn thành công trình đưa vào sản xuất vào ngày 2-9-2016. Tuy nhiên, đến nay đã đầu tháng 8 nhưng dự án thủy điện trên vẫn chưa được tích nước.

TĐSB 2 được xây dựng trên hệ thống sông Bung, thượng nguồn sông Vu Gia. Trên hệ thống sông này, vừa qua, dự án TĐSB 4 (cũng thuộc H. Nam Giang) đã khánh thành đưa vào vận hành phát điện. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án TĐSB 4 gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp máy đến 156MW. Trong khi dự án TĐSB 2 chỉ có 100MW. Dù lớn hơn gấp 1,5 lần, thế nhưng dự án TĐSB 4 có tổng mức đầu tư 4.932,32 tỷ đồng. Và dự án TĐSB 4 cũng khởi công cùng thời điểm với TĐSB 2 (2010), được đưa vào sử dụng năm 2014. Ngoài ra, dự án thủy điện Sông Tranh 2 công suất thiết kế 190MW, nhưng tổng vốn đầu tư chỉ 4.150,4 tỷ đồng.

Với việc đội vốn hàng nghìn tỷ đồng như trên, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần thành lập đoàn kiểm tra nhằm đảm bảo tính minh bạch để người dân được yên tâm khi bỏ tiền ra mua điện Nhà nước sử dụng, đồng thời làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị (nếu có).

Bão Bình

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/97_152686_ca-n-la-m-ro-vie-c-thu-y-die-n-song-bung-2-do-i-vo.aspx