Cần khơi thông tính nhân đạo của pháp luật

Một bị cáo ở Hương Khê (Hà Tĩnh) bị cáo buộc tội vi phạm các quy định giao thông đang bị tạm giam, mang bệnh và rất yếu. Người nhà nhiều lần xin tại ngoại không được. Vì sao?

Hình ảnh gia đình bị cáo kêu oan cho chồng tại phiên tòa phúc thẩm ngày 4/10 (Ảnh VNN)

Án sơ thẩm đã tuyên bị cáo này 42 tháng tù. Trước tòa, bị cáo kêu oan, người điều khiển xe máy gây tai nạn chết người không phải là ông. Sau khi kháng cáo, phiên tòa phúc thẩm đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại vì nhận thấy có dấu hiệu oan sai trong vụ án này.

Theo người nhà bị cáo, việc không cho ông tại ngoại do là bị cáo đã không “thành khẩn khai báo” và khuyên vợ ông ta “nhận tội đi thì cho hưởng án treo, mấy tháng là xong”. Người đàn bà nông dân lam lũ, từng khóc than thảm thiết nơi công đường đã có một câu trả lời chí lý: “Chồng tôi có tội đâu mà nhận!”.

Báo chí vào cuộc và nhận được sự lý giải từ phía Công an huyện về việc không cho tại ngoại là do bị cáo “không thành khẩn”. Đồng thời, “đá” trách nhiệm sang Viện kiểm sát cùng cấp “bắt tạm giam hay cho tại ngoại phải do Viện kiểm sát phê chuẩn”. Tại Viện kiểm sát, câu trả lời tương tự là do bị cáo “không thành khẩn” và phía Công an không đề nghị cho tại ngoại. Và, điểm nhấn quan trọng theo quan điểm của người đứng đầu Viện này là “bị cáo phạm tội nghiêm trọng”(?!). Khỏi cần bình luận gì thêm về sự vòng vo, né tránh trách nhiệm và đề cao mức độ nguy hiểm của một vụ tai nạn giao thông ngoài ý muốn xảy ra của 2 quý cơ quan tiến hành tố tụng!

Không phải đại án cũng chẳng phải kỳ án, song diễn biến của quá trình tố tụng này khiến dư luận quan tâm. Bị cáo có bị oan hay không thì cần đến sự công tâm của các cơ quan tố tụng làm rõ. Chỉ xét một khía cạnh thôi là ở trường hợp cụ thể này, đối chiếu với các văn bản pháp luật và hoàn cảnh thực tế, hoàn toàn cho phép bị cáo này tại ngoại, không cần biện pháp ngăn chặn là tạm giam. Điều đặc biệt cần lưu ý ở đây là cơ quan điều tra đã bỏ qua nguyên tắc “suy đoán vô tội”, buộc người ta phải nhận tội, nếu không thì vu cho là “thiếu thành khẩn”, “ngoan cố”,... Tệ hại hơn còn “mặc cả” với thân nhân bị cáo, hứa hẹn án treo, rõ ràng là một hành vi giẫm đạp lên pháp luật. Họ coi pháp luật trong tay mình, muốn xử thế nào là theo ý họ.

Những gì xảy ra trong việc giải quyết vụ án này không phải là hãn hữu, nếu không nói là khá phổ biến, thường bắt gặp ở các vụ án khác tại các địa phương khác nhau. Nó phản ảnh một thực trạng rất đáng báo động là sự lộng quyền và tư duy “cứ vào đây là có tội”, nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ án oan sai, cản trở việc tiếp cận công lý và tất yếu, làm suy giảm niềm tin của người dân vào sự công minh của bộ máy tư pháp, mang lại hệ lụy rất xấu cho xã hội!

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-tri/can-khoi-thong-tinh-nhan-dao-cua-phap-luat-305891.html