Cần khẳng định rõ là 'báo chí cách mạng'

Ông nhà báo nè, vậy là chỉ còn vài hôm nữa tới 'ngày tết nghề nghiệp' của báo giới mấy ông rồi hả!

- Vâng, theo Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng ta, ban hành vào ngày 5 tháng 2 năm 1985 về việc lấy ngày 21 tháng 6 hằng năm là Ngày Báo chí Việt Nam là nhằm kỷ niệm, tri ân các nhà báo đã cống hiến trí tuệ, sự nhiệt thành, đôi khi là cả máu và nước mắt để độc giả có những bài báo hay sự kiện nóng hổi, chân thật. Với ý nghĩa cao cả đó thì cũng có thể coi ngày kỷ niệm này là “ngày tết nghề nghiệp” của “làng báo” nước ta được.

- Hoặc nếu như tôi gọi ngày kỷ niệm ấy là ngày “giỗ Tổ nghề báo” cũng được chứ?

- Bàn Dân nghĩ chắc nhiều người cũng đồng tình cách gọi đầy ý nghĩa “tín ngưỡng dân gian” ấy. Bởi lẽ, Bàn Dân cũng nghĩ rằng theo quan niệm dân gian thì ngày đầu tiên một sản phẩm có giá trị, có ích lợi đối với đời sống cộng đồng xã hội được sáng tạo ra, ắt là một ngày kỷ niệm quan trọng đối với mọi người được hưởng lợi từ sản phẩm ấy, và người có công sáng tạo rất xứng đáng được tôn làm Tổ nghiệp của nghề làm ra sản phẩm ấy.

Đối với nghề báo chí nước ta, nhất là dòng báo chí cách mạng Việt Nam, ngày 21.6.1925 là ngày Lãnh tụ cách mạng Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ra đời tờ báo Thanh Niên, cơ quan của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vì thế nếu ông gọi ngày 21.6 là ngày giỗ Tổ báo chí cách mạng nước ta, Bàn Dân cũng không phản đối ông đâu! Nhưng mà… Bàn Dân hỏi thiệt ông nghen, sao hôm nay bỗng dưng ông quan tâm đến nghề nghiệp của cánh nhà báo quá vậy?

- Tại vì, thú thiệt với ông, tới bữa nay tôi mới hiểu cặn kẽ, thấu đáo về ý nghĩa của sự việc đổi tên Ngày Báo chí Việt Nam thành Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam…

- Cái này hơi bị lạ nghen, nãy giờ Bàn Dân chỉ nghe ông hỏi rõ về ý nghĩa của “ngày tết nghề nghiệp” rồi “Ngày giỗ Tổ nghề báo” chứ ông có hỏi gì về việc đổi tên ngày kỷ niệm ấy đâu?

- Ậy, bởi vì rằng là… bấy lâu nay tôi có hơi “lăn tăn” một chút! Trước nay tôi vẫn nghĩ, mặc dù Báo Thanh Niên không phải là tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở nước ta, nhưng việc chọn ngày 21.6, ngày Báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập làm Ngày Báo chí Việt Nam là rất tiêu biểu rồi. Nhưng từ sau ngày 21.6.2000 lại có thêm từ “cách mạng” chi nữa?

Tới hôm nay, khi thấy các báo, đài đề cập đến ngày kỷ niệm 21.6 sắp tới, tôi lên mạng tra cứu về tờ Gia Định báo, tờ báo đầu tiên ở nước ta, được cho ra mắt ngày 15.4.1865, ở Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi tôi lướt rất nhiều trang web thì tình cờ bắt gặp một tài liệu có tên là “Tân thơ tổng lý quy điều” (Sách “tóm rút các lề luật dạy về việc cai trị làng tổng An-nam trong quản hạt Nam-kỳ” của ông Ernest Outrey, Tham biện hạng nhứt thuộc ty Chánh vụ cõi Đông Dương, diễn quốc ngữ Thơ ký Trần Văn Sửu có Tri phủ Trần Quang Thuật giúp, in năm 1905 tại Sài Gòn, bản gốc lưu tại Thư viện Đại học Harvard, Hoa Kỳ, bản chụp lại lưu tại website Google Books) tại “Đoạn XXVIII” (chương cuối cùng: Thể lệ chung, trang 208) có ghi: “1.

Trong cả hạt Nam-kỳ, Nhà nước đều có phát nhựt trình Gia-Định báo cho thôn trưởng các làng mà chẳng ăn tiền; mỗi làng cũng phải có một cuốn Luật hình dịch ra chữ quốc-ngữ; sách ấy Nhà nước phát không cho làng.

Trong cả Quản hạt, buộc phải dùng chữ quốc-ngữ trong những giấy tờ về việc quan làm bằng tiếng An-nam…”. Như vậy chỉ cần một điều quy định này thôi đã cho thấy, Gia Định báo chỉ là tờ công báo, mà còn hơn cả công báo, gần như là một văn bản hành chính tổng hợp chính thức cùng với luật hình của bộ máy chính quyền Pháp thuộc.

Rồi tôi lại cố ý tìm hiểu thêm về tờ Gia Định báo thì đọc được một ấn bản của tờ báo này lưu trữ trên trang Wikisource. Trên trang đầu tờ Gia Định báo số 22 ghi “Ngày phát nhựt trình” là ngày 3 tháng 6 năm 1890, kế đó là dòng ghi “Giá mua nhựt trình: Ai muốn mua thì tới dinh quan Hiệp lý Nam kỳ, phòng thông ngôn cho người ta biên tên, mua trót năm thì giá 5 đồng bạc, mua 6 tháng thì 2 đồng rưỡi, mà mua 3 tháng thì giá 1 đồng 1 quan 2 tiền rưỡi”.

Tôi đọc tiếp các trang khác, thật ra chỉ là một trang dài sọc trên màn hình vi tính, kéo chuột xuống khá sâu, qua mấy chục trang màn hình mới hết, thấy đăng toàn các văn bản lệnh này, lệnh kia của Nhà nước thuộc địa, tin quan Tham biện tỉnh này đi đâu, quan Thừa sai tỉnh nọ làm gì, chuyện bắt đưa đi Côn Nôn mấy người dám chống lại quan Langsa, chuyện mấy chiếc ghe ở lục tỉnh chở gạo lên chành mà đóng thuế không đủ vân vân và vân vân… toàn là những tin tức về bộ máy cai trị thuộc địa của Tây. Rõ ràng là công báo của Nhà nước thực dân xâm lược, chẳng có vẻ báo chí chút nào hết.

Như vậy mà nói tờ báo ấy là tờ báo tiếng Việt đầu tiên của báo chí nước ta thì chẳng hợp ý, hợp lòng dân ta chút nào. Cho nên cần phải xác định rõ ngày 21.6 là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chứ cái loại công báo phục vụ ngoại bang xâm lược ấy mà kể làm gì!

Bàn Dân

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/can-khang-dinh-ro-la-bao-chi-cach-mang-a159708.html