Cần hợp sức của nhiều người tâm huyết

Phỏng vấn Tiến sĩ - nhà văn Nguyên An.

- Thưa Tiến sĩ - nhà văn Nguyên An! Là người gắn bó với Bảo tàng Văn học Việt Nam từ những ngày đầu tiên, ông có thể cho biết số lượng hiện vật được trưng bày ở Bảo tàng hiện nay ra sao?

+ Bảo tàng Văn học Việt Nam được xây dựng từ cuối năm 1998. Việc sưu tầm hiện vật bắt đầu từ năm 2005, đến thời điểm này đã có được hơn 30.000 hiện vật thể khối. Số lượng hiện vật này đang được bổ sung hàng tuần, được kiểm kê giám định hàng ngày với sự góp công góp sức của nhiều nhà chuyên môn, nhiều nhà văn và thân nhân của họ ở hầu khắp các vùng miền.

- Công việc sưu tầm các hiện vật đã được diễn ra như thế nào, thưa ông?

+ Hội Nhà văn đã dành hẳn 2 xe ôtô phục vụ Ban quản lý Bảo tàng Văn học Việt Nam . Chúng tôi đã rong ruổi trên hai chiếc xe này đi khắp các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ… để sưu tầm, tìm kiếm các tài liệu, hiện vật liên quan đến các nhà văn. Công việc sưu tầm có lúc "nhộn nhịp" đến mức không đủ xe để đi cho kịp lịch hẹn với cộng tác viên. Có lần Chủ tịch Hội Nhà văn phải đi họp bằng taxi, để nhường xe cho anh em chúng tôi đi đường dài tìm kiếm các hiện vật.

- Xin ông kể lại những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình sưu tầm, tìm kiếm tư liệu hiện vật liên quan đến các nhà văn?

+ Kỷ niệm thì nhiều lắm. Một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất là lần chúng tôi trèo đèo lội suối lên Cao Bằng, tìm đến nhà của nhà thơ Bàn Tài Đoàn. Đường xa lắt léo, chúng tôi phải có tới 9 người dẫn đường, trong đó có nhà văn Hoàng Triều Ân rất thuộc thung thổ, nên thời gian cả đi lẫn về chỉ mất 3 ngày, nếu không phải mất cả tuần. Bù lại nỗi vất vả, chúng tôi được nhà thơ Bàn Tài Đoàn tặng cho 14 cuốn sổ tay ghi chép, bản thảo và một số kỷ vật khác. Trời ngả sang chiều, vợ nhà thơ có ý mời chúng tôi ở lại ăn cơm, nhưng thấy cảnh nhà ông đơn sơ quá, lại nhớ trong sổ tay của ông có ghi nhật ký là ông còn nợ của người này người kia tiền mua sắn, mua nước mắm, rồi tiền ông cho cháu, biếu tặng bạn lúc khó khăn… chúng tôi bèn bảo nhau góp chút tiền và quà tặng gia đình rồi xin phép về. Nhà thơ tần ngần, thập thững ra cửa tiễn chúng tôi. Mỗi lần nhớ lại hình ảnh đó, tôi lại thấy thương ông vô cùng.

Một lần khác, chúng tôi đến một nơi xa xôi hẻo lánh, tìm hiểu và gần như đã "sờ" vào được một hiện vật quý hiếm liên quan đến một nhà văn. Nhưng chủ hiện vật không dám trao vì đây là đồ gia bảo, quý hiếm. Tôi gọi điện về Hà Nội. Nhà thơ Hữu Thỉnh kêu lên như một doanh nhân thực thụ: "Cố gắng thuyết phục, góp tiền túi anh em lại ngay". Sau nhiều lần đi lại thuyết phục, cuối cùng gia chủ đã hiểu ra rằng góp hiện vật cho Bảo tàng Văn học Việt Nam cũng là niềm tự hào của dòng họ, giới thiệu và tôn vinh di sản quý của tổ tiên. Chúng tôi mừng rỡ khiêng hiện vật ra xe. Xe chạy đã xa rồi mà các thành viên trong đoàn vẫn im lặng, không ai nói với ai một lời nào. Dường như mỗi chúng tôi đều quá bất ngờ về kết quả chuyến đi. Và thực sự cảm động trước tấm lòng của người trao hiện vật.

- Vậy còn những khó khăn mà những người làm công tác sưu tầm hiện vật gặp phải thì sao, thưa ông?

+ Nói chung là chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn trong công việc của mình. Khó khăn chủ yếu là do nguồn tài chính còn eo hẹp, số người làm Bảo tàng Văn học tiếng là đông, nhưng toàn người kiêm nhiệm. Ăn lương để chuyên tâm làm Bảo tàng Văn học chỉ chưa đến mười người, nên chúng tôi được lãnh đạo Hội chấp thuận là trước mắt tập trung làm nhiều về các tác gia tác phẩm cổ, rồi đến các nhà văn được giải thưởng lớn đã, các trọng tâm khác thì làm dần. Riêng với việc này là đã có "đụng độ" rồi. Đã có người nhắc: Các anh quên các nhà văn chiến sĩ à? Các anh có nhớ bộ phận văn chương Việt Nam trong vùng tạm chiếm không đấy? Chúng tôi không quên đâu, và cũng không có chuyện phân loại từ cao đến thấp trong việc sưu tầm hiện vật như một số người nghĩ đâu, mà do điều kiện phải làm từ từ từng bộ phận một.

- Tò mò hỏi ông, số tiền chi cho việc sưu tầm tư liệu, hiện vật về một nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh là bao nhiêu?

+ Số tiền Hội dự tchi cho mỗi nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh cũng mấy chục triệu đồng đấy. Nhưng thực tế chưa đủ tiền để đến các nhà văn, mà mới chỉ một số người. Hiện vật nhận được từ các gia đình nhà văn đã nhận tiền cũng không đồng đều. Lý do là có người chưa sưu tập xong, có nhà con cháu chưa nhất trí cao, có nhà lại yêu cầu muốn biết rõ thân thế sự nghiệp của cha ông họ được sắp xếp, bày đặt như thế nào trong bảo tàng đã rồi mới trao… Nhưng cũng có những tín hiệu đáng mừng là gia đình một số nhà văn như Tú Mỡ, Nguyễn Bính đã có sẵn khu lưu niệm tác giả nên sự phối hợp của họ với Bảo tàng Văn học cũng thuận tiện hơn.

- Chúng tôi được biết là một số nhà văn như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tố Hữu, Kim Lân… cũng đã có nhà lưu niệm riêng rồi…

+ Đúng vậy. Bảo tàng Văn học cũng đã đặt vấn đề hợp tác với gia đình các tác giả này. Nhưng tiếc là hiện vật về một số tác giả lớn hoặc là chưa phong phú, hoặc là cần phải có sự phân loại, sắp xếp và thẩm định lại theo nghiệp vụ bảo tàng nữa. Trong tương lai chúng tôi mong muốn các nhà lưu niệm này sẽ trở thành một kiểu chi nhánh của Bảo tàng Văn học Việt Nam .

- Anh nghĩ sao khi một số người nhận xét rằng, nhiều người làm công tác bảo tàng của ta không phân biệt được bảo tàng với triển lãm?

+ Điều bạn băn khoăn quả không sai. Không phải ai làm bảo tàng cũng có ý thức, trình độ và điều kiện để xử lý cho đúng mức một số mối quan hệ như quảng bá với chưng cất, dung dị - tự nhiên với tôn vinh - tinh tế, dân tộc - cổ điển - bảo tàng học với nhân loại - đương đại. Rồi công tác thiết kế, thi công, trưng bày đến việc giới thiệu, dẫn dắt người xem tham quan, nghiên cứu… cũng rất cần có những người có hiểu biết về khoa học bảo tàng thực sự.

- Cụ thể với Bảo tàng Văn học Việt Nam , kết quả trong nay mai có thể hình dung là gì?

+ Đến với Bảo tàng Văn học Việt Nam người xem sẽ thấy được sự tái hiện quá trình ra đời và phát triển của văn học Việt Nam một cách khái lược, chiêm ngưỡng một số thành tựu rực rỡ của văn học Việt Nam qua phần trưng bày về Nguyễn Du hay Nguyễn Trãi, Trần Nhân Tông hay Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiểu thêm về truyền thống đánh giặc hiển hách và tâm hồn Việt trung hậu, sáng trong qua những áng văn chương tiêu biểu…

- Ông có thể cho biết mục đích chính của Bảo tàng Văn học Việt Nam là gì?

+ Bảo tàng Văn học Việt Nam là nơi tập trung thể hiện chân dung một nền văn học Việt Nam đa dân tộc, không phân loại vùng miền, đề tài. Đó là một nền văn học đã và đang phát triển vì những lý tưởng, lẽ sống cao đẹp của dân tộc mà nó hàm chứa và thể hiện, tôn vinh để tạo ra vẻ đẹp mới, thành tựu mới.

- Ông có đồng ý rằng làm Bảo tàng Văn học Việt Nam là phải nghiên cứu nhiều vấn đề, chứ không chỉ là chuyện động viên hay ghi nhận thành quả của phong trào sáng tác?

+ Tôi hoàn toàn đồng ý với điều này. Chúng tôi đang tiếp tục công việc của mình và hy vọng sẽ được các nhà văn, thân nhân của họ và độc giả ủng hộ.

- Xin cảm ơn nhà văn Nguyên An

Nguồn CAND: http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/diendan/2012/4/56975.cand