Tác phẩm múa đồng hành cùng Chiến dịch Điện Biên Phủ

Tác phẩm múa đầu tiên khắc ghi sâu đậm Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ chính là hình ảnh nghệ sĩ Vũ Lương với tiết mục 'Vui sản xuất'.

Tác phẩm 'Múa hò kéo pháo'. Ảnh tư liệu.

70 năm đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi sâu theo dòng chảy thời gian nhưng cho đến hôm nay ý nghĩa, tầm vóc và giá trị lịch sử của nó vẫn còn nguyên giá trị đối với dân tộc Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Đêm diễn kỳ diệu và thiêng liêng

Để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” thì ngoài sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, còn có sự đóng góp, cổ vũ vô cùng to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ mà nghệ sĩ Múa Việt Nam chính là một trong những “chiến sĩ” trên mặt trận ấy.

Tác phẩm múa đầu tiên khắc ghi sâu đậm Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ chính là hình ảnh nghệ sĩ Vũ Lương với tiết mục “Vui sản xuất” đã được họa sĩ Thanh Tâm có mặt trong chuyến biểu diễn phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ ghi lại.

Tác phẩm đó do nhóm nghệ sĩ Minh Tiến, Trọng Lanh, Hàn Đức Trọng, Phạm Vinh sáng tác ngay trong Chiến dịch Trần Đình (mật danh Chiến dịch Điện Biên Phủ). Ý nghĩa của điệu múa nhằm động viên chiến sĩ yên tâm đánh giặc vì đã có hậu phương yên vui sản xuất để dành tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng.

Ngôn ngữ chính là động tác múa chèo học của cụ Năm Ngũ và cả tập thể cùng biên soạn động tác và lời ca. Trang phục múa khi đó mỗi người góp lại một mảnh dù trắng - là quà kỉ niệm của chiến sĩ - đem nhuộm màu xanh đỏ. Còn thợ may đã có các cô chiến sĩ văn công.

Điệu múa được biểu diễn tại căn hầm số 2 nằm trên một quả đồi cao. Là đơn vị nhận nhiệm vụ đặc biệt mở đầu chiến dịch nên khẩu đội hầm số 2 được ưu tiên xem văn công trước giờ nổ súng.

Điệu múa rộn ràng trong tiếng nhạc của cây đàn mandolin hòa trong tiếng hát trong trẻo của bốn cô gái vừa múa vừa hát: “Ai xui là xui cây lúa chín/ A lúa chín nặng trĩu bông ì í i/ A trĩu bông là bông tình tình/ A lúa bông nặng trĩu em mong anh về/ mong anh về gặt lúa giúp em...”.

Các chiến sĩ mặc áo trấn thủ ngồi xung quanh vỗ tay, say sưa theo dõi. Khẩu pháo nghiêng nòng hướng về lòng chảo Mường Thanh, hai càng xoải rộng, ở giữa là các chiến sĩ văn công biểu diễn.

Một chiến sĩ mang dáng chỉ huy đứng nghe điện thoại nhưng mắt thì vẫn chăm chú xem văn công múa. Đêm ấy, Đội Văn công Đại đoàn 351 đã thức cùng các pháo thủ. Một đêm diễn kỳ diệu và thiêng liêng.

Ngay sau đêm biểu diễn, Đội Văn công nhận được bài thơ của một chiến sĩ trong hầm pháo gửi tặng: “… Sân khấu nhỏ xinh xinh/Nằm giữa hai càng pháo/Chiến sĩ ngồi xếp chéo/Cánh gà là vách hầm/Điệu hò đầy thân mật/Nghe sao mà êm tai/Cơ động thật là hay/Một người cũng ra múa/Ghi mãi vào trí nhớ/Đôi dáng lượn say sưa/Tà áo thân đu đưa/Thắm hình hài dân tộc/Màu nâu non mộc mạc Nhưng duyên dáng vô cùng/Đem vào trong hầm súng/Một không khí tưng bừng/Nhớ những ngày quê hương/Trong tháng ngày mở hội/Bao giờ thì lại tới/Đồng chí Văn công ơi!/Dù đi đâu xa xôi/Nhớ vào đây nữa nhé/Ngày mai chúng tôi sẽ/Lấy máu của quân thù/Tô thắm thêm lời thơ/Bài ca và điệu múa”.

Nhưng tiếc thay, bài thơ chính là tín hiệu cuối cùng của chiến sĩ khẩu đội căn hầm số 2, bởi sau đó văn công quay trở lại căn hầm số 2 thì các chiến sĩ đã hy sinh không còn một ai.

Thế nhưng điệu múa “Vui sản xuất” biểu diễn trong hầm pháo Điện Biên năm xưa được họa sĩ Phạm Thanh Tâm phác họa trong bức tranh sơn dầu với tên gọi “Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ” (hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân đội) chính là một chứng nhân lịch sử cho sự hiện diện của nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam trong trận chiến Điện Biên Phủ vĩ đại.

Đó là hình ảnh không thể phai mờ trong lòng nghệ sĩ – chiến sĩ múa thời bấy giờ, và hơn hết điệu múa và bức tranh sơn dầu sẽ mãi ghi danh sử sách và trường tồn cùng lịch sử dân tộc.

Liền sau đó, ngay trên chặng đường hành quân gian khổ và chiến đấu cam go, ác liệt đã có nhiều tiết mục múa kịp thời có mặt cổ vũ tinh thần, ý chí quật khởi của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Điệu hát múa “Hò kéo pháo” do các nghệ sĩ múa của Đoàn Văn công Ca múa nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam) năm xưa thể hiện cũng là một tác phẩm ghi dấu sự góp mặt của các chiến sĩ – nghệ sĩ múa trên chặng đường đưa lời ca, điệu múa đến gần hơn với đồng bào, chiến sĩ Điện Biên ngay trong những thời khắc gian nguy nhất.

Và cho đến nay, điệu múa “Hò kéo pháo” vẫn được các thế hệ nghệ sĩ múa của Đoàn Ca Múa Nhân dân Trung ương nhắc nhớ như là một mốc son chói lọi, là một nền móng vững chắc gây dựng nên một nhà hát – cánh chim đầu đàn của nền nghệ thuật cách mạng nước nhà.

Tác phẩm 'Chiến thắng Điện Biên'. Ảnh tư liệu.

Tranh sơn dầu tác phẩm 'Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ'. Ảnh tư liệu.

Đồng hành cùng Điện Biên Phủ ngày mới

Có thể thấy, những đóng góp của các nghệ sĩ múa, những sáng tác kịp thời có mặt phục vụ đồng bào và chiến sĩ trong những ngày tháng cam go nhất chính là chất xúc tác cổ vũ tinh thần chiến đấu đồng lòng, chung sức vì một Điện Biên toàn thắng. Còn hôm nay, trong thời bình, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn mãi là niềm cảm hứng bất tận cho nhiều sáng tác của các nghệ sĩ múa.

Kịch múa “Mùa Ban Điện Biên” (tác giả kịch bản: Thái Phiên; biên đạo: NSND Trịnh Xuân Định; âm nhạc: Phó Đức Phương) là tác phẩm được nhiều nghệ sĩ múa nhắc tới như là sáng tác giàu chất thơ về một Điện Biên chan hòa, tươi đẹp.

“Mùa Ban Điện Biên” được sáng tác và dàn dựng riêng cho Đoàn Hoa Ban trắng Lai Châu (nay là Đoàn nghệ thuật Hoa Ban trắng tỉnh Điện Biên) trong dịp Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp khu vực miền núi phía Bắc chào mừng 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/1994).

Tác phẩm đã xuất sắc giành được giải thưởng hạng A trong Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc năm 1994. Một tác phẩm để lại nhiều dư vị về một Điện Biên thắm đượm nghĩa tình quân – dân, một Điện Biên ngày mới với nhiều triển vọng phát triển trong tương lai.

Nội dung vở kịch múa “Mùa Ban Điện Biên” xoay quanh cuộc sống của Bà mẹ Thái là một cô gái xòe, cũng như các bạn trong đội xòe, họ sống một cuộc sống đắng cay, tủi nhục dưới sự áp bức, chà đạp của bọn thống trị (quân Pháp và các Phìa, Tạo, lính ngụy).

Những đêm xòe phục vụ cho bọn quan lại là những đêm kinh hoàng, đau đớn về thể xác, tâm hồn của thân phận những người dân đen cùng khổ. Con gái bà (nàng Sao) lớn lên xinh tươi, rực rỡ và theo bản năng, tự nhiên cũng say mê với các điệu xòe độc đáo của dân tộc mình nhưng vì quá hiểu rõ thân phận các cô gái xòe nên bà mẹ một mực ngăn cản, không truyền dạy cho con.

Ngày Điện Biên giải phóng (7/5/1954), quân Pháp, lính ngụy, các quan tri châu, tạo bản… tan tác trốn chạy, bản làng trở lại yên vui. Cờ, hoa rực rỡ khắp đất trời Tây Bắc. Nàng Sao cùng các bạn vui mừng chào đón các anh bộ đội tiến vào giải phóng Điện Biên. Bà mẹ đã xóa bỏ những mặc cảm cố hữu, truyền dạy lại bao điệu xòe, lời hát truyền thống cho con và các cô gái bản Thái.

Bản làng lại tưng bừng, rộn rã trong nhịp trống, chiêng và những điệu xòe mừng chiến thắng. Hoa Ban nở rộ núi rừng Tây Bắc. Các dân tộc Điện Biên từ nay tự hào đi trên con đường mới…

Phần kết (coda) vở múa “Mùa Ban Điện Biên” với đêm xòe mừng chiến thắng. Tất cả người dân Điện Biên cùng các chiến sĩ tay trong tay với đêm hội xòe truyền thống đã mở ra một Điện Biên bừng sáng với những rừng hoa Ban, hoa Mận, nương lúa chín vàng và các dân tộc đoàn kết bên nhau.

Đất nước đang từng ngày đổi thay với nhiều biến chuyển của hội nhập và phát triển, song Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn là nguồn động lực tiếp tục được trao truyền cho các thế hệ nghệ sĩ múa trẻ kế tục.

Điện Biên Phủ trong những sáng tạo của các biên đạo trẻ được biểu hiện bằng những ngôn ngữ, kĩ thuật, kĩ xảo hiện đại nhưng không kém phần khí thế, oai hùng và dâng tràn cảm xúc.

Tác phẩm 'Trấn thủ đỏ' của Đoàn Văn công Quân khu 2. Ảnh tư liệu.

Tác phẩm 'Sức mạnh thời đại' của Đoàn Văn công Quân khu 2. Ảnh tư liệu.

Với thiết kế sân khấu ấn tượng, công phu, bục bệ bề thế kết hợp và thiết kế mĩ thuật, ánh sáng và màn led mô phỏng Đồi A1, Tượng đài chiến sĩ Điện Biên Phủ chân thực, Đoàn Văn công Quân khu 2 đã ghi dấu tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài quốc phòng toàn dân cuối năm 2023 bằng một chương trình nghệ thuật với tựa đề “Hùng thiêng Tây Bắc”.

Đây là chương trình quy mô, hoành tráng tái hiện đầy đủ tinh thần, chí khí Điện Biên như là một sự tri ân đối với những chiến công lịch sử mà các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để làm nên một Chiến thắng Điện Biên “chấn động địa cầu”.

Ba tác phẩm múa “Sức mạnh thời đại”, “Trấn thủ đỏ” và “Đại ngàn thức giấc” do hai biên đạo trẻ Hoàng Thái Sơn và Phạm Hồng Thái của đoàn sáng tác, dàn dựng đã trở thành tâm điểm cho hào khí của những chiến sĩ Điện Biên kiên trung, anh dũng, quyết tâm đồng lòng, chung sức vì một Điện Biên toàn thắng.

Có thể nói, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, các nghệ sĩ múa đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, tạo được những dấu ấn đầy kiêu hãnh, tự hào, khơi dậy khát vọng, niềm tin trong lòng đồng bào, chiến sĩ để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy.

Và ngày nay, nghệ thuật múa Việt Nam vẫn đang tiếp tục đồng hành cùng Điện Biên thắp sáng ngọn lửa cách mạng trên hành trình hội nhập và phát triển.

ThS Thanh Hoa (Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tac-pham-mua-dong-hanh-cung-chien-dich-dien-bien-phu-post681951.html