Cần hoàn thiện khung pháp lý về carbon xanh tại Việt Nam

Các nhà nghiên cứu luật kêu gọi nên xây dựng và hoàn thiện các chính sách quản lý carbon xanh.

Ngày 12-10, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học: “Bảo vệ và phát triển bền vững rừng ngập mặn: Chính sách, pháp luật và thực tiễn”.

Hội thảo được tổ chức với mục đích tạo diễn đàn để các học giả và những người quan tâm thảo luận về các thách thức đối với chính sách và thực tiễn để bảo vệ và phát triển bền vững rừng ngập mặn. Ngoài ra, hội thảo cũng là một hoạt động tổng kết cho các giá trị, kết quả đạt được của toàn chuỗi dự án trong 12 tháng triển khai.

PGS.TS Lê Vũ Nam phát biểu khai mạc buổi hội thảo. ẢNH: DƯƠNG HOÀNG

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Nhà Trường cho biết hệ sinh thái rừng ngập mặn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với chức năng phòng hộ, bảo vệ đời sống và sinh kế cho người dân vùng ven biển.

“Tuy nhiên, thực tế hiện nay, diện tích rừng ngập mặn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang bị đe dọa bởi nạn phá rừng, phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đô thị hóa, bão lũ và biến đổi khí hậu” – PGS Vũ Nam nói.

Với bài tham luận về khung pháp lý của carbon xanh, TS Đào Gia Phúc, Viện trưởng Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh (Trường Đại học Kinh tế - Luật) cho biết 28 quốc gia đã xây dựng các hành động liên quan đến hệ sinh thái carbon xanh trong các thỏa thuận quốc tế.

Theo TS Gia Phúc, carbon xanh là lượng carbon lưu trữ trong hệ sinh thái biển và ven biển. Có thể hiểu, rừng ngập mặn có khả năng cô lập carbon trong không khí vào nó. Lượng carbon xanh chính là lượng carbon bị rừng ngập mặn hấp thụ. Đáng chú ý, những quốc gia có khả năng hấp thụ carbon lớn có thể bán lượng hấp thụ đó cho các quốc gia có lượng khí thải cao.

TS Đào Gia Phúc trình bày tham luận vấn đề khung pháp lý của carbon xanh tại Việt Nam và quốc tế. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG

“Hệ sinh thái carbon xanh cực kỳ có tiềm năng tại Việt Nam nhờ vào đường bờ biển kéo dài. Tuy nhiên, hệ sinh thái carbon xanh vẫn chưa được cam kết trực tiếp tại thỏa thuận quốc tế cũng như trong các văn bản pháp luật của Việt Nam” – TS Gia Phúc nói.

Vì thế, TS Gia Phúc khuyến nghị các nhà làm luật nên hoàn thiện khung pháp lý về carbon xanh và xây dựng hệ thống giám sát phát thải quốc gia. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và người dân về sự quan trọng, khả năng đóng góp của rừng ngập mặn trong bảo vệ môi trường và kinh tế.

Hội thảo là một trong số các hoạt động của dự án “Chương trình tập huấn và trợ giúp pháp lý cho đối tượng người dân tham gia vào công tác quản lý bảo vệ rừng và sống phụ thuộc vào rừng tại địa bàn huyện Cần Giờ, TP. HCM” do Liên minh Châu Âu và Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (EU JULE JIFF) tài trợ.

Dự án hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ rừng gắn liền với phát triển sinh kế đến với ba nhóm đối tượng là hộ dân được giao khoán bảo vệ rừng, hộ nghèo sống phụ thuộc vào rừng và trẻ em trên địa bàn huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Nhiều hộ dân là những người đang nhận giao khoán bảo vệ rừng và sống phụ thuộc vào rừng ngập mặn tại huyện Cần Giờ đã được mời tham dự chương trình.

MINH CHUNG - DƯƠNG HOÀNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-hoan-thien-khung-phap-ly-ve-carbon-xanh-tai-viet-nam-post702818.html