CẦN HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ BẢO ĐẢM NGUỒN LỰC THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Góp ý vào Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, TS. Phạm Quốc Ka - Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Hải Phòng cho rằng, 05 chính sách được đề xuất tại dự thảo Báo cáo đánh giá tác động đã góp phần bổ sung, hoàn thiện các quy định về hoạt động giám sát của HĐND. Tuy nhiên, cần xem xét bổ sung nghiên cứu thêm chính sách: Hoàn thiện các quy định về bảo đảm nguồn lực thực hiện hoạt động giám sát của HĐND…

Tham gia góp ý vào Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, TS. Phạm Quốc Ka - Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Hải Phòng bày tỏ nhất trí với dự thảo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Xem xét, bổ sung một số bất cập trong Báo cáo đánh giá tác động của chính sách

Đề cập về dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, TS.Phạm Quốc Ka cho biết, về cơ bản, dự thảo Báo cáo đã đề xuất đúng các định hướng chính sách để thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Theo đó, có 05 chính sách cụ thể được đánh giá để thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật; các nội dung đánh giá tác động đối với từng chính sách đã đầy đủ, cụ thể; đặc biệt làm rõ vấn đề bất cập của vấn đề cũng như mục tiêu giải quyết vấn đề sát với tình hình thực tiễn hiện nay.

Đối với chính sách 3 về hoàn thiện các quy định liên quan đến bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát, TS. Phạm Quốc Ka đề nghị xem xét bổ sung vấn đề bất cập là: Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND mới quy định chung “nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát” của HĐND mà chưa xác định rõ hình thức văn bản các chủ thể giám sát cần ban hành khi kết thúc hoạt động giám sát. Do đó, cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn; theo hướng: HĐND ban hành nghị quyết giám sát, Thường trực HĐND và các Ban HĐND ban hành kết luận giám sát, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND ban hành kết luận hoặc báo cáo có nội dung yêu cầu, kiến nghị.

TS. Phạm Quốc Ka - Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Hải Phòng

Đối với chính sách 4 về hoàn thiện quy định về phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát, TS. Phạm Quốc Ka đề nghị xem xét bổ sung một số vấn đề bất cập, trong đó Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND chưa quy định rõ mối quan hệ giữa Đoàn giám sát và các cơ quan chịu sự giám sát; cách thức thực hiện của Đoàn giám sát, do đó thực tế phát sinh một số bất cập như: Các cơ quan chịu sự giám sát có phải thực hiện các kiến nghị trong Báo cáo của Đoàn giám sát hay không? Đồng bày tỏ băn khoăn, kết thúc buổi làm việc với các cơ quan chịu sự giám sát thì Đoàn giám sát có ban hành kết luận hay chỉ thực hiện ghi biên bản làm việc? Trách nhiệm tham mưu, thủ tục trình HĐND ban hành nghị quyết về chất vấn (Đoàn giám sát hay cơ quan tham mưu giúp việc chuẩn bị hồ sơ nghị quyết)…

Đối với Chính sách 5 về bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định về trao đổi, sử dụng thông tin của hoạt động giám sát có liên quan và các hoạt động khác; ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát, TS. Phạm Quốc Ka đề nghị xem xét bổ sung mục tiêu giải quyết vấn đề là: Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND liên quan đến các lĩnh vực: giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến cơ quan dân cử; giải quyết kiến nghị của cử tri… để tránh sự trùng lặp trong tiếp nhận, xử lý, theo dõi việc giải quyết giữa các cơ quan dân cử.

Nhấn mạnh với 05 chính sách được đề xuất tại dự thảo Báo cáo đánh giá tác động đã góp phần bổ sung, hoàn thiện các quy định về hoạt động giám sát của HĐND, tuy nhiên, TS. Phạm Quốc Ka cho rằng, đây là những chính sách hết sức cần thiết, giải quyết được các yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Tuy nhiên, để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, TS. Phạm Quốc Ka đề nghị cần xem xét bổ sung nghiên cứu thêm chính sách: Hoàn thiện các quy định về bảo đảm nguồn lực thực hiện hoạt động giám sát của HĐND; tập trung vào các nội dung: công tác thi đua khen thưởng trong hoạt động giám sát; cơ chế thuê chuyên gia tham gia hoạt động giám sát; củng cố, hoàn thiện bộ máy giúp việc của HĐND; tăng thêm đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tham gia là Ủy viên của các Ban HĐND; hỗ trợ kinh phí đại biểu HĐND tổ chức các hoạt động giám sát…

Xem xét việc quy định lấy phiếu tín nhiệm của HĐND đối với Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh

Góp ý về một số nội dung sửa đổi, bổ sung, tại khoản 2 Điều 7 quy định “Ủy ban nhân dân có trách nhiệm gửi quyết định mà mình đã ban hành đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cùng cấp có liên quan chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày ký văn bản”. TS. Phạm Quốc Ka đề nghị làm rõ quyết định là văn bản quy phạm pháp luật hay cả các quyết định hành chính khác.

Về điểm a khoản 1 Điều 61 quy định HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ, gồm: “Chủ tịch Hội đồng nhân dân, …; Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”. TS. Phạm Quốc Ka đề nghị xem xét việc quy định lấy phiếu tín nhiệm của HĐND đối với Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, do theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019: Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh không phải là Ủy viên Thường trực HĐND nên không phải là chức danh do HĐND không bầu.

Theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn cũng không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh.

Đối với khoản 1 Điều 70 quy định “Đoàn giám sát do một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Ủy viên của Thường trực Hội đồng nhân dân làm Trưởng đoàn…”. Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Hải Phòng đề nghị sửa đổi phù hợp, linh hoạt hơn với yêu cầu thực tiễn triển khai các hoạt động giám sát của HĐND: (1) Quy định Trưởng đoàn giám sát là lãnh đạo HĐND (có thể Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch) hoặc Ủy viên của Thường trực HĐND; việc quy định chỉ có Phó Chủ tịch hoặc Ủy viên Thường trực HĐND làm Trưởng đoàn làm giới hạn quyền của Chủ tịch HĐND là không cần thiết; (2) Mở rộng thành phần mời tham gia Đoàn giám sát có thể là các chuyên gia, nhà khoa học (như thành phần tham gia mời giám sát của các Ban HĐND).

Liên quan đến Điều 73 quy định về cơ quan đầu mối giúp Thường trực HĐND tiếp nhận, xử lý, theo dõi, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri vẫn giao Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND. Tuy nhiên, TS. Phạm Quốc Ka đề nghị cần có quy định về trách nhiệm bố trí cán bộ đủ điều kiện, năng lực làm nhiệm vụ giúp Thường trực HĐND nhiệm vụ công tác này.

Xem xét quy định thu hẹp phạm vi giám sát của Tổ đại biểu cho sát với tình hình thực tiễn

Tổ Đại biểu HĐND giám sát (Ảnh minh họa)

Về hoạt động giám sát cụ thể của Tổ đại biểu quy định tại khoản 2 Điều 83, TS. Phạm Quốc Ka đề nghị xem xét quy định thu hẹp phạm vi giám sát của Tổ đại biểu cho sát với tình hình thực tiễn là: Tổ đại biểu giám sát trong những trường hợp sau: (1) Giám sát các nội dung theo chương trình giám sát của HĐND (nếu được Thường trực HĐND phân công); (2) Giám sát các nội dung theo phân công của Thường trực HĐND (nếu Thường trực HĐND thấy cần thiết giao các Tổ đại biểu giám sát); (3) Giám sát những nội dung mà Tổ đại biểu thấy cần thiết.

Về trình tự, thủ tục thực hiện giám sát của Tổ đại biểu, TS. Phạm Quốc Ka cho rằng. nếu Tổ đại biểu giám sát theo phân công của HĐND, Thường trực HĐND thì căn cứ vào nội dung chương trình, kế hoạch của HĐND, Thường trực HĐND; các Tổ đại biểu tổ chức giám sát tại địa phương, báo cáo kết quả giám sát với Thường trực HĐND. Trường hợp Tổ đại biểu tổ chức để đại biểu giám sát thì Tổ ban hành Kế hoạch giám sát, tổ chức thực hiện theo Kế hoạch.

Đồng thời đề nghị bổ sung quy định về cho phép Tổ trưởng Tổ đại biểu được sử dụng con dấu của cơ quan nơi đồng chí Tổ trưởng công tác; cho phép các đại biểu HĐND được sử dụng cán bộ nơi đại biểu công tác để phục vụ, hỗ trợ hoạt động đại biểu hoặc quy định hỗ trợ kinh phí để đại biểu HĐND thực hiện các hoạt động giám sát.

Liên quan đến Điều 90a, TS. Phạm Quốc Ka đề nghị xem xét bổ sung rõ trách nhiệm số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động giám sát của HĐND, bảo đảm sự liên thông về dữ liệu giám sát giữa HĐND các cấp và các cơ quan liên quan; đặc biệt tập trung hoàn thành sớm cơ sở dữ liệu về theo dõi kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân đã gửi đến cơ quan dân cử; cơ sở dữ liệu về kiến nghị của cử tri và quá trình giải quyết kiến nghị của cử tri./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85580