Cần giám sát việc chủ tịch UBND các cấp tham gia vụ kiện hành chính

Một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ giải quyết án hành chính thấp đó là sự vắng mặt của người bị kiện, mà thường là chủ tịch UBND các cấp.

Ngày 24-8, Ban cải cách tư pháp Tỉnh ủy Khánh Hòa đã tổ chức hội nghị chuyên đề về “Thực trạng và giải pháp nâng cao tỉ lệ giải quyết án hành chính trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện Ban pháp chế HĐND tỉnh, TAND tỉnh, VKSND tỉnh, Cục Thi hành án dân sự, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia, các sở, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP toàn tỉnh Khánh Hòa.

Người đứng đầu UBND các cấp thường vắng mặt

Theo thống kê, những năm gần đây số lượng các vụ án hành chính được các cơ quan tòa án trên địa bàn tỉnh thụ lý, giải quyết có xu hướng tăng. Từ năm 2020 đến tháng 5-2023, toàn tỉnh có 247 vụ án hành chính.

Tuy nhiên, Ban pháp chế HĐND tỉnh Khánh Hòa đánh giá tỉ lệ giải quyết án hành chính trên địa bàn tỉnh còn đạt thấp. Nguyên nhân được đưa ra là do ý thức chấp hành quy chế và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ giải quyết án hành chính, trao đổi thông tin lĩnh vực đất đai, nhà ở chưa nghiêm túc, chưa hiệu quả. Cá biệt có trường hợp cố tình gây cản trở hoạt động xét xử.

Ban pháp chế đã dẫn chứng trường hợp lãnh đạo Phòng TN&MT thị xã Ninh Hòa không chấp hành ủy quyền của chủ tịch UBND thị xã trong phối hợp cung cấp tài liệu, chứng cứ vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo yêu cầu của TAND tỉnh.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân được xác định là người đại diện tham gia tố tụng vụ án hành chính chưa đảm bảo theo đúng quy định. Việc vắng mặt người bị kiện dẫn đến nhiều trường hợp người khởi kiện bức xúc, phản ứng gay gắt ảnh hưởng đến tiến độ xét xử. Đây là tình trạng khá phổ biến nhưng chưa khắc phục triệt để.

Ông Phạm Đình Thanh, Phó Chánh tòa, phụ trách Tòa Hành chính TAND tỉnh Khánh Hòa, cho biết theo Luật Tố tụng hành chính người bị kiện được ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng. Tuy nhiên, cấp phó được ủy quyền rất ít tham gia, thường xin vắng mặt do công việc. Ông Thanh cho biết thậm chí có vụ án không tham gia tất cả các phiên họp, đối thoại, phiên tòa. Trong khi đó, người khởi kiện yêu cầu xét xử phải có mặt người bị kiện hoặc cấp phó để được trực tiếp tranh luận.

Do đó, ông Thanh kiến nghị cần có cơ chế giám sát trách nhiệm cung cấp tài liệu và tham gia tố tụng của chủ tịch UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức lưu giữ tài liệu.

Ông Phạm Đình Thanh, Phó Chánh tòa, phụ trách Tòa Hành chính TAND tỉnh Khánh Hòa, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HUỲNH HẢI

Tăng cường đối thoại

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, thừa nhận việc vẫn còn cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, huyện, thị, TP thuộc diện người bị kiện chưa thực hiện nghiêm túc việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cũng như cử người tham gia tố tụng.

Bên cạnh đó, người bị kiện chủ yếu là UBND, chủ tịch UBND các cấp nhưng khi nhận được thông báo triệu tập của tòa án thì thường có văn bản xin vắng mặt vì lý do bận công tác. Còn người được cử bảo vệ quyền và lợi ích của người bị kiện thường là công chức thuộc phòng, sở tham gia phiên tòa nên việc giải trình bị hạn chế.

Do đó, các bản án hành chính sơ thẩm thường bị kháng cáo, kháng nghị lên tòa cấp trên.

“Đây là điều chúng ta cần rút kinh nghiệm. Người đứng đầu các cơ quan UBND chưa nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc chấp hành Luật Tố tụng hành chính và chưa tham gia đối thoại để lắng nghe” - ông Tuân nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết để nâng cao tỉ lệ giải quyết án hành chính trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Luật Tố tụng hành chính, Chỉ thị 26 của Thủ tướng và tiếp tục thực hiện hiệu quả quy chế của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban cán sự Đảng TAND tỉnh về phối hợp trong việc giải quyết các vụ án hành chính.

“Chủ tịch UBND các cấp và người đại diện phải nghiên cứu trước các vụ án để tham gia đối thoại. Đối thoại để tăng hòa giải thành để đỡ tốn kém, mất thời gian” - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói.

Ông Nguyễn Tấn Tuân cũng kiến nghị Ban cải cách tư pháp tỉnh nghiên cứu, báo cáo lên cấp trên sửa đổi Luật Tố tụng hành chính theo hướng giao thẩm quyền cho TAND cấp huyện giải quyết các khiếu kiện hành chính, hành vi hành chính của UBND, chủ tịch UBND cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính.

Ông Tuân cũng kiến nghị cho phép chủ tịch UBND được ủy quyền cho thành viên UBND cùng cấp hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện.

Ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp. Ảnh: HUỲNH HẢI

Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, ghi nhận những ý kiến tham gia tại hội nghị. Ông Toàn đề nghị các cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị thường xuyên quán triệt chấp hành Luật Tố tụng hành chính.

Cần phân công cụ thể người tham gia tố tụng

Tại hội nghị, luật sư (LS) Nguyễn Hồng Hà, đại diện Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa, kiến nghị khắc phục vi phạm để đảm bảo cho người khởi kiện được đối thoại trực tiếp các yêu cầu chính đáng với cơ quan nhà nước, góp phần cho TAND giải quyết vụ án hành chính đúng thời hạn, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng.

Đoàn LS cũng kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh cần có quyết định phân công cụ thể và công khai quy định trách nhiệm của chủ tịch và các phó chủ tịch, trách nhiệm của tập thể UBND trong việc chấp hành luật để các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng, cán bộ, nhân dân biết thực hiện quyền giám sát, kiểm soát quyền ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, chủ tịch UBND các cấp.

“Người dân thường hỏi sao tất cả vụ án hành chính không có người bị kiện và cũng không có phó chủ tịch tham gia theo như ủy quyền” - LS Hà nêu ý kiến.

HUỲNH HẢI

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-giam-sat-viec-chu-tich-ubnd-cac-cap-tham-gia-vu-kien-hanh-chinh-post748392.html