Cân đối trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Ba Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai trong những năm qua.

Nông dân Điện Biên thu hoạch lúa mùa. (Ảnh: Lê Lan)

Các chính sách của chương trình tác động tích cực đến kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân vùng nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, nhiều dự án, thành phần của các chương trình mục tiêu triển khai không đồng đều, dẫn đến tình trạng “việc dễ thì làm, việc khó thì tránh”; thậm chí nhiều dự án không thực hiện được, phải trả lại nguồn vốn.

Hai năm qua, tỉnh Quảng Ngãi tập trung thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sau thời gian thực hiện, tình trạng mất cân bằng giữa các tiểu dự án, thành phần rõ rệt hơn. Năm 2023, huyện Trà Bồng bố trí nguồn vốn thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững gần 160 tỷ đồng. Trong đó, huyện đã đầu tư, xây dựng 20 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu với tổng kinh phí 92 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch vốn được giao; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo 30,6 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch.

Trong khi các dự án, thành phần liên quan đến hạ tầng được huyện triển khai nhanh, đạt kết quả tốt, thì các dự án, chương trình đầu tư liên quan đến hỗ trợ sản xuất, đào tạo nhân lực, cải thiện dinh dưỡng có tỷ lệ giải ngân thấp, chưa đạt hiệu quả. Cụ thể, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo chỉ thực hiện được 5,8% kế hoạch vốn được giao; chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, truyền thông và giảm nghèo thông tin chưa thực hiện được; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em chỉ đạt 4% kế hoạch nguồn vốn của năm 2023.

Tương tự, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại hai huyện Sơn Hà và Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cũng xảy ra tình trạng mất cân bằng khi thực hiện các thành phần, tiểu dự án ở cơ sở. Với nguồn vốn năm 2023 là 377,5 tỷ đồng, hai huyện Sơn Hà và Sơn Tây đã tập trung triển khai chương trình, giải ngân kinh phí đầu tư phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Các lĩnh vực đầu tư hạ tầng thiết yếu, xây dựng nhà ở tái định cư, công trình văn hóa, giáo dục thực hiện với kết quả từ 70-100%, đạt kế hoạch trong năm. Tuy nhiên, đối với các dự án, thành phần lĩnh vực dân sinh, an sinh bền vững cho nhân dân về phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đào tạo nghề, phát triển giáo dục nghề nghiệp, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thì kết quả thực hiện thấp, từ 8-40% kế hoạch. Thậm chí nhiều phần việc, hạng mục chưa thực hiện được trong thời gian dài.

Công tác giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia ở lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu được thực hiện nhanh, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Công tác giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia ở lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu được thực hiện nhanh, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thế nhưng, các dự án, chương trình liên quan đến hỗ trợ sản xuất, đời sống dân sinh, tăng thu nhập cho người dân khó thực hiện hơn.

Hầu hết ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi còn lúng túng trong việc tổ chức triển khai thực hiện những nội dung, vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như phát triển sản xuất, nâng thu nhập, cải thiện dinh dưỡng, việc làm bền vững, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, khởi nghiệp, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống…

Nhiều tiểu dự án, thành phần của các chương trình mục tiêu quốc gia đạt tỷ lệ thấp hoặc không thực hiện được đã ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn và tiến độ thực hiện chương trình. Sau thời gian thực hiện chậm, không triển khai được thì các địa phương, sở, ngành xin trả lại nguồn vốn cho tỉnh, trung ương. Và đương nhiên người dân không được hưởng lợi từ những chính sách do Nhà nước đầu tư như kỳ vọng, mong chờ.

Để tránh tình trạng mất cân bằng khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các bộ, ngành trung ương và địa phương cần có những giải pháp cụ thể, trong đó, ưu tiên nhân lực tập trung giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn khi thực hiện các dự án, chương trình liên quan, tác động trực tiếp đến đời sống, dân sinh.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-doi-trong-thuc-hien-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-post802305.html