Cần đánh giá đúng vai trò của hợp tác công tư trong giáo dục

Hành lang pháp lý việc hợp tác công tư trong giáo dục hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề dẫn đến vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đến nay, việc hợp tác công tư trong lĩnh vực giáo dục luôn là đề tài được tranh luận sôi nổi. Tuy nhiên, theo ông Bạch Ngọc Chiến – Phó Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Equest trên thực tế chúng ta vẫn chưa quan tâm đúng mức và hiểu rõ về hợp tác công tư trong giáo dục.

Theo đó, khái niệm hợp tác công tác công tư trong giáo dục (ePPP) được hiểu là một trong thỏa thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với tư nhân dưới dạng hợp đồng để thực hiện việc quản lý, vận hành dự án

đầu tư

cơ sở vật chất – thiết bị, cung cấp dịch vụ công trong các trường học với những quy định cụ thể về chia sẻ trách nhiệm, phương pháp, năng lực, rủi ro giữa các bên nhằm đạt được mục tiêu chung cũng như thỏa mãn nhu cầu các bên (theo Đặng Thị Minh Hiển, 2018).

Nhưng điều cần nhấn mạnh ở đây ePPP không phải là tư nhân hóa: “ePPP không có điều khoản thiên vị một bên nào, hai bên có mối quan hệ bình đẳng trong khi tư nhân hóa giáo dục là sự chuyển giao cố định sự kiểm soát của cơ quan Nhà nước sang khu vực tư nhân và không có quan hệ đối tác”, ông Chiến phân tích.

Để hiểu rõ việc này, ông Bạch Ngọc Chiến cũng chia sẻ rõ hơn kinh nghiệm của Equest khi triển khai ePPP trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể, Equest thực hiện các bài giảng số Ismart nhằm giải quyết những khó khăn trong giảng dạy tiếng Anh, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

Ismart áp dụng chuyển đổi số, nội dung số, học tập kết hợp (ảo, trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến).

Mô hình Ismart hỗ trợ tạo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.

Cụ thể ở đây, đối với mô hình trực tiếp kết hợp trực tuyến, vào một giờ cố định, một giáo viên chính kết nối trực tuyến với các giáo viên đồng giảng ở địa phương để trực tiếp dẫn dắt buổi học theo một kịch bản chi tiết cùng một lúc cho hàng trăm lớp sử dụng bài giảng số đã được cài đặt trong các lớp học.

Ông Chiến chia sẻ: “Thông qua mô hình này

học sinh

được tiếp cận kiến thức và phương thức giáo dục mới, xây dựng được kiến thức tiếng Anh. Quan trọng giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên và các nguồn lực khác, thực hiện chính sách xã hội hóa trong giáo dục”.

Tuy nhiên, vị đại diện cho biết trong quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn: “Cơ sở pháp lý hiện nay chưa đầy đủ, chúng ta còn thiếu văn bản hướng dẫn chi tiết. Việc thực hiện các văn bản chưa đồng bộ giữa các địa phương và còn phụ thuộc vào ý chí của nhà quản lý”.

Từ những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện ông Bạch Ngọc Chiến đưa ra kiến nghị: “ePPP là quốc sách phù hợp với xu thế chung của

thế giới

và tất yếu phải thực hiện. Việc hợp tác đang có các bước phát triển ban đầu, khẳng định, được vai trò của khối tư nhân trong giáo dục.

Các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện là tất yếu và cần điều chỉnh chính sách hoặc xây dựng cơ chế hiệu quả”.

Mô hình này đã được thẩm định bởi Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN).

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Đào Phương Bắc – Chuyên gia về tư vấn chiến lược Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam đánh giá: “Hợp tác công tư được thể hiện rõ nét trong các lĩnh vực hạ tầng như giao thông, điện, nước…và đã được thực hiện thời gian dài tuy nhiên trong lĩnh vực giáo dục hoạt động này chưa thực sự rõ nét. Đặc biệt chưa thể hiện rõ vai trò, ý nghĩa, cách thức thực hiện”.

Ở một góc độ khác, bà Đàm Bích Thủy - Thành viên Hội đồng quản trị độc lập Equest chia sẻ: “Hợp tác công tư phần tư sẽ luôn tồn tại vì nhu cầu là có thật và cần phải được giải quyết”.

Theo bà Thủy hợp tác công tư sẽ phải được thực hiện bởi có nhiều vấn đề dựa hoàn toàn vào Nhà nước sẽ rất khó, buộc sự tham gia của khu vực tư nhân, làm nhẹ đi gánh nặng cho ngân sách.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/can-danh-gia-dung-vai-tro-cua-hop-tac-cong-tu-trong-giao-duc-a628509.html