Cần có những giải pháp kiên trì, liên tục và quyết liệt hơn để đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao và giảm chưa bền vững. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Ninh Bình, Thượng tá Trần Xuân Phú, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh cho rằng cần phải có những giải pháp kiên trì, liên tục và quyết liệt hơn.

Công an tỉnh ra quân thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Kiều Ân

Phóng viên (P.V): Xin đồng chí đánh giá những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm TTATGT từ đầu năm đến nay?

Thượng tá Trần Xuân Phú: Thời gian qua, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công an, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành chức năng từ tỉnh tới cơ sở tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, giải pháp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia công tác bảo đảm TTATGT và đạt được nhiều kết quả tích cực. Thể hiện trên một số kết quả nổi bật như sau:

Hiệu lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức, đơn vị được tăng cường.

Hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn.

Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân ngày càng được nâng lên.

Tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến; tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí so với cùng kỳ năm trước, không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, ùn tắc giao thông kéo dài và đua xe trái phép.

Những kết quả trên đã góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

P.V: Đồng chí có thể cho biết các giải pháp cụ thể đã thực hiện để đạt được kết quả đó?

Thượng tá Trần Xuân Phú: Đạt được những kết quả trên, trước hết có thể khẳng định là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở cùng với sự tham gia, giúp đỡ tích cực của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Công an tỉnh với lực lượng Cảnh sát giao thông làm nòng cốt đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp bảo đảm TTATGT theo chức năng, nhiệm vụ. Tập trung vào một số giải pháp cụ thể như sau:

Làm tốt công tác tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của Bộ Công an về công tác bảo đảm TTATGT, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong công tác bảo đảm TTATGT.

8 tháng đầu năm 2023, Công an tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 1 văn bản, UBND tỉnh ban hành 2 văn bản chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng cảnh sát giao thông phát tờ rơi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh tại huyện Yên Mô. Ảnh: Gia Nghĩa

Tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm TTATGT. Chú trọng đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo; gắn việc xây dựng "văn hóa giao thông" với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, như: vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, xe quá tải, cơi nới kích thước thành, thùng; triển khai và duy trì hiệu quả mô hình lực lượng Cảnh sát khác phối hợp với Cảnh sát giao thông (Tổ công tác 161) để phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông, nhất là xử lý các hành vi tụ tập điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng, gây mất an ninh, trật tự, an toàn giao thông...

Qua đó, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và góp phần răn đe, giáo dục, từng bước nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. 8 tháng năm 2023, đã phát hiện, xử lý 25.098 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 55 tỷ đồng. Trong đó có 4.243 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 1.705 trường hợp vi phạm tải trọng và 2.042 trường hợp vi phạm tốc độ. Rà soát toàn bộ các nút giao trọng điểm, phức tạp, tổ chức giao thông bất hợp lý có nguy cơ xảy ra ùn tắc để có phương án hướng dẫn, điều hành, phân luồng, phòng ngừa tai nạn và ùn tắc giao thông.

P.V: Theo số liệu của Ban ATGT tỉnh, 8 tháng đầu năm 2023, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ, song vẫn còn ở mức cao. Vậy đâu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thưa đồng chí?

Thượng tá Trần Xuân Phú: 8 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 54 vụ tai nạn giao thông, làm chết 18 người, bị thương 50 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 14 vụ, 4 người chết, 12 người bị thương.

Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh và nhận định của Công an tỉnh, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức cao và giảm chưa bền vững.

Qua thực tiễn công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh nhận thấy một số nguyên nhân tác động trực tiếp đến công tác đảm bảo TTATGT, chủ yếu là:

Địa bàn tỉnh Ninh Bình có địa hình khá phức tạp, gồm cả miền núi, đồng bằng và ven biển, với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa đan xen dày đặc. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; đầu tư cho hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là sự phát triển, gia tăng về phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Vấn đề này có tác động lớn đến công tác đảm bảo TTATGT, song để khắc phục thì rất khó khăn do phụ thuộc vào nhiều ngành, kinh phí đầu tư lớn và phải có thời gian dài để triển khai thực hiện.

Mặc dù lực lượng Công an và các ngành chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, song ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông của một bộ phận người dân chưa cao, vi phạm TTATGT, trật tự công cộng còn diễn ra khá phổ biến, nhất là các hành vi vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, đi sai phần đường, làn đường, tránh vượt, chuyển hướng sai quy định, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây mất an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về TTATGT có mặt còn hạn chế; việc khắc phục "điểm đen", điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông có lúc chưa kịp thời; ý thức, kỹ năng tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa tốt; lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT tuy đã được tăng cường về số lượng, trang thiết bị, phương tiện nhưng chưa đủ để bố trí tuần tra kiểm soát khép kín địa bàn.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe. Ảnh: Gia Nghĩa

P.V: Dự báo tình hình TTATGT thời gian tới có thể sẽ có những diễn biến phức tạp hơn. Đồng chí có thể cho biết mục tiêu, nhiệm vụ cần tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm 2023, đặc biệt là trong tháng 9, tháng cao điểm về an toàn giao thông?

Thượng tá Trần Xuân Phú: Để đảm bảo TTATGT từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong tháng 9, tháng cao điểm đảm bảo ATGT cho học sinh đến trường, cần phải có những giải pháp kiên trì, liên tục và quyết liệt hơn. Trong đó, Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch, xác định 8 nhiệm vụ công tác trọng tâm và giao trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sỹ phụ trách địa bàn, lĩnh vực trong công tác đảm bảo TTATGT, với mục tiêu "kiềm chế, không được để tăng tai nạn giao thông, giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng". Trong đó, ngoài các giải pháp trọng tâm trên, Công an tỉnh tập trung vào một số nhiệm vụ sau: Rà soát, phân tích, đánh giá, xác định rõ nguyên nhân (cả chủ quan và khách quan) phát sinh tồn tại, hạn chế để có các biện pháp khắc phục triệt để.

Tiếp tục tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông; đặc biệt là thực hiện quyết liệt việc kiểm soát nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến hơn nữa tình hình, tiến tới hình thành thói quen "đã uống rượu, bia không lái xe".

Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông và Công an các huyện, thành phố xây dựng Phương án đảm bảo an toàn, thông suốt, nhất là trên tuyến, nút giao có nguy cơ xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông và các tuyến đường chính của tỉnh.

Riêng đối với địa bàn thành phố Ninh Bình, là trung tâm văn hóa, chính trị của tỉnh, Công an tỉnh đã giao Công an thành phố chủ trì, xây dựng phương án có sự tăng cường của các lực lượng chức năng thuộc Công an tỉnh để bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn giao thông dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2023 - 2024.

Chỉ đạo các Tổ công tác 161 tăng cường tuần tra kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn giao thông, xử lý dứt điểm tình trạng thanh thiếu niên điểu khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép.

Phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông tại các cơ sở giáo dục, trường học để triển khai thực hiện có hiệu quả "Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - Tháng 9" năm 2023. Đồng thời triển khai các giải pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn cho học sinh đến trường, nhất là trong những ngày đầu khai giảng, phấn đấu không để xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh trong ngày đầu đến trường.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Kiều Ân (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/can-co-nhung-giai-phap-kien-tri-lien-tuc-va-quyet-liet-hon/d20230908082746262.htm