Cần có giải pháp với các công trình nước sạch hoạt động kém hiệu quả

Nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, Tuyên Quang đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các công trình cấp nước tập trung để đưa nước hợp vệ sinh về với bà con nhiều vùng nông thôn, đặc biệt là những địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tuy nhiên, đến nay, một số công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả, không đáp ứng được mục tiêu đề ra, gây lãng phí tiền của.

Mặc dù có công trình cấp nước tập trung đặt ngay trên địa bàn thôn, tuy nhiên nhiều hộ dân thôn Khánh Hùng, xã Hùng Đức (Hàm Yên) vẫn phải khoan giếng, thậm chí là sử dụng nước lần không hợp vệ sinh để lấy nước sinh hoạt. Theo ông Trần Duy Hưng, thôn Khánh Hùng, năm 2011, công trình cấp nước được xây dựng để cung cấp nước sạch sinh hoạt cho các hộ dân trên địa bàn 3 thôn: Khánh Hùng, Xuân Mai và Thanh Vân. Tuy nhiên, công trình chỉ hoạt động được vài năm sau đó một số người dân đục đường ống tự ý lấy nước cộng với việc không thường xuyên được tu sửa bảo dưỡng nên công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Ông Hưng chia sẻ, ý thức của một số hộ dân kém, cộng với quy trình cấp nước không hợp lý, 2 ngày bơm 1 lần, thời gian bơm có 30 phút đồng hồ thì sao đủ cung cấp nước cho các hộ dân. Chính vì lý do trên mà người dân đã không còn sử dụng nước từ công trình.

Công trình cấp nước tập trung thôn Khánh Hùng, xã Hùng Đức (Hàm Yên) giờ đã bỏ không.

Cùng trên địa bàn huyện Hàm Yên, công trình cấp nước sinh hoạt tại thôn 10 Minh Tiến, xã Minh Hương có tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỉ đồng, xây dựng cuối năm 2016, mục tiêu cấp nước sạch cho 87 hộ dân. Tuy nhiên công trình cũng chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn rồi dừng, nguyên nhân là nguồn nước cấp rất hạn chế, chưa kể nước có màu vàng sẫm, hôi tanh nên nhiều hộ dân không sử dụng. Đồng chí Triệu Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Minh Hương cho biết, xã đã báo cáo hiện trạng công trình đến cơ quan chức năng để có hướng sửa chữa, khắc phục. Hiện tại để có nguồn nước phục vụ sinh hoạt, người dân trên địa bàn thôn đã tự khoan giếng lấy nước dùng.

Theo Kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, toàn tỉnh có 383 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, trong đó 114 công trình không hoạt động đề nghị thanh lý; 85 công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc đã ngừng hoạt động.

Nguyên nhân dẫn đến các công trình này không phát huy tác dụng thì có nhiều, trong đó phải kể đến việc ở một số nơi do làm đường giao thông đã làm hư hỏng, ảnh hưởng đến công trình; công tác quản lý sau đầu tư còn chưa được quan tâm, đa số công trình được xây dựng đã có thời gian sử dụng lâu năm (từ trước năm 2000) lại không có kinh phí duy tu, sửa chữa nên nhiều công trình xuống cấp, không hoạt động được. Ngoài ra, phải nói tới ý thức của một số người dân trong việc sử dụng nguồn nước chưa tốt, có những nơi người dân tự ý đục đường ống để dẫn nước vào đồng ruộng tưới cho cây trồng, hay sử dụng nguồn nước lãng phí…

Hiện, các công trình này đang hoạt động theo 3 mô hình quản lý, trong đó, có đơn vị sự nghiệp công lập (Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn) quản lý 79 công trình; Doanh nghiệp (Công ty Cấp thoát nước Tuyên Quang) quản lý 15 công trình và UBND các xã quản lý 289 công trình.

Thực tế cho thấy, những công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn, các hợp tác xã và doanh nghiệp quản lý phát huy hiệu quả tốt hơn các công trình được giao cho UBND xã và cộng đồng dân cư quản lý.

Thường thì khi bàn giao về địa phương quản lý, một số xã đã thành lập tổ quản lý, ban quản lý công trình, nhưng các tổ quản lý, ban quản lý vận hành do không đủ năng lực, trình độ chuyên môn để quản lý, vận hành; mặt khác, chưa thực sự nêu cao ý thức, trách nhiệm của mình trong quản lý, vận hành công trình cấp nước, dẫn đến công trình ngày càng xuống cấp và hư hỏng.

Mục tiêu của tỉnh là từng bước nâng cao chất lượng nước sinh hoạt với tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%; sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đạt 75% vào năm 2025. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài việc dành một nguồn kinh phí nhất định để đầu tư các công trình nước sạch, kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay đóng góp, chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước, thì cần thiết phải thực hiện một cuộc tổng rà soát lại hiệu quả của toàn bộ các công trình đã đầu tư xây dựng trước đó. Từ đó có phương án duy tu, sửa chữa đối với những công trình hư hỏng, đồng thời có cách thức hoạt động phù hợp.

Trong cuộc họp hồi tháng 9-2023 bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khắc phục hạn chế liên quan đến việc triển khai đầu tư, quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn, đồng chí Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, nhu cầu sử dụng nước sạch của Nhân dân ngày một tăng cao. Nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch trong giai đoạn phát triển mới, đồng thời phát huy hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước sạch nông thôn, các địa phương phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức đánh giá lại công tác quản lý, vận hành công trình cấp nước sạch nông thôn tại địa bàn quản lý; rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình vận hành cung cấp nước sạch của từng công trình, dự án để tổng hợp báo cáo chi tiết về UBND tỉnh làm cơ sở tham mưu cho lãnh đạo ban hành chính sách phù hợp với tình hình; tăng cường công tác kiểm tra về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, việc thực hiện các nội dung về nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị cấp nước trên địa bàn... Đảm bảo công trình cấp nước hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và tránh lãng phí tiền của Nhà nước.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kinh-te/can-co-giai-phap-voi-cac-cong-trinh-nuoc-sach-hoat-dong-kem-hieu-qua-186532.html