Cần có giải pháp 'gỡ bí' cho LĐ nữ nhập cư

Qua tiếp xúc với một số LĐ nữ nhập cư ở trọ bên KCN thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc và Hải Dương cho thấy, họ đang gặp nhiều khó khăn trong sử dụng điện sinh hoạt cũng như nơi khám chữa bệnh ban đầu… Vấn đề này đòi hỏi sự quan tâm giải quyết của các cấp, các ngành.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đang trao đổi thảo luận với một số LĐ nữ nhập cư. (Ảnh: Xuân Trường)

Trao đổi về những khó khăn của mình khi ở nhà trọ, chị Hồ Thị H - CN Cty TNHH Việt Nam Toyo Denso (KCN Nam Sách, tỉnh Hải Dương) cho biết, thu nhập của chị là 3.300.000 đồng/tháng, nhưng mỗi tháng phải chi tiền thuê nhà trọ 800.000 đồng; tiền điện cộng tiền nước 200.000 đồng nữa; vậy chỉ còn 2.300.000 đồng; nếu trừ tiền ăn uống, tiền xăng xe đi lại nữa thì không có tích lũy. Thu nhập đã thấp, nhưng chị lại phải trả tiền điện với mức khá cao là 3.500 đồng/kWh, tính cả tiền điện thắp sáng ngoài ngõ vào nhà, trong khi đúng ra chỉ dưới 2.000 đồng/kWh. Chị L thuê nhà trọ gần KCN Khai Quang (tỉnh Vĩnh Phúc) và một số CN khác phản ánh, hiện nay LĐ nữ nhập cư rất khó khăn trong việc khám chữa bệnh theo sổ BHYT, bởi lẽ khó tiếp cận cơ sở khám chữa bệnh tuyến đầu tiên tại nơi đến; thời gian khám chữa bệnh không thích hợp do trùng thời gian làm việc tại Cty, chờ đến lượt khám quá lâu; đi lại xa; chất lượng thuốc BHYT chưa tốt; xin nghỉ việc ở Cty để đi khám bệnh cũng khó nên đành đến phòng khám tư cho nhanh.

Đề cập về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thực tế có nhiều trường hợp như vậy. Theo bà Hà, kết quả khảo sát ban đầu tại các tỉnh Vĩnh Phúc và Hải Dương của Dự án Phụ nữ “Hòa nhập kinh tế - xã hội của LĐ nữ tại các KCN vùng ven đô ở VN” cũng cho thấy, có 32% LĐ nữ nhập cư đến khám ở bệnh viện tỉnh; 26% đến khám ở bệnh viện, phòng khám tư; 17% đến để nhờ tư vấn tại hiệu thuốc và chỉ 11% đến khám ở trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã...

Giải phápđể gỡ vướng cho LĐ nữ nhập cưlà các cấp, các ngành cùng quan tâm. Trong đó, theo ông L - Trưởng khu dân cư phường Bình Hàn, TP. Hải Dương (tỉnh Hải Dương) thì theo kinh nghiệm của địa phương ông là không nên tách từng sổ tạm trú theo 4 NLĐ vie ở trọ phòng đông người, phòng ít người. Chỉ tách 2 công tơ điện giữa chủ hộ và con chủ hộ (dùng cho nhà trọ). Điện lực xác nhận số kW trên đồng hồ cho người trọ. Số điện sẽ chia đều cho đồng hồ của từng phòng trọ và chịu chung phần khấu hao dây tải (quy đổi theo %). Phòng nào dùng nhiều hơn thì sẽ phải chịu khấu hao dây tải nhiều hơn. Cách làm này đảm bảo lâu dài và giảm thủ tục cho mỗi lần đăng ký lại tạm trú, giảm các phiền phức và chi phí không đáng có. Bản thân chủ nhà trọ cũng không cần làm các thủ tục hợp đồng thuê trọ phức tạp. Trong trường hợp đăng ký tạm trú không thời hạn, sẽ làm thủ tục đồng hồ điện trực tiếp cho người thuê. Tính trung bình, tiền điện khoảng 1.800 - 1.900 đồng/kWh.

Về việc khám, điều trị bệnh cho CN, một số LĐ nữ nhập cư mong muốn Bộ Y tế cần chỉ đạo các cơ sở y tế linh động bố trí thời gian làm việc hợp lý hơn vì trong giờ làm việc thì CN khó xin dừng sản xuất để đi khám bệnh; đồng thời nâng cao chất lượng thuốc chữa bệnh theo BHYT bởi chất lượng thuốc hiện nay chưa cao. Bà Hà và một số nữ LĐ nhập cư cũng bày tỏ mong muốn ở các KCN có phòng khám đa khoa làm nơi khám chữa bệnh ban đầu, như thế CN đỡ mất thời gian, giảm được chi phí đi lại khám bệnh…

Xuân Trường

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/can-co-giai-phap-go-bi-cho-ld-nu-nhap-cu-619355.bld