Cần chính sách ưu đãi đầu tư song hành để 'giữ chân' các nhà đầu tư

Thảo luận tại Hội trường chiều 20.11, các đại biểu Quốc hội thống nhất cao việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu theo thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ Sáu này. Đồng thời, đề nghị phải có chính sách ưu đãi đầu tư song hành để 'giữ chân' các nhà đầu tư; có giải pháp để bảo đảm môi trường đầu tư và triển khai thực hiện Nghị quyết…

Chính sách hỗ trợ đầu tư cần bảo đảm nguyên tắc công bằng

Các quy định về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của OECD, hay còn gọi là quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu được OECD đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Nội dung thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu này đã đạt được sự thỏa thuận tham gia của hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nhiều nước đã nội luật hóa các quy định này để áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Thảo luận tại Hội trường chiều 20.11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu theo quy trình rút gọn tại Kỳ họp thứ Sáu này, để bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Đồng thời, thể hiện sự tiến bộ, minh bạch trong hệ thống quản lý thuế; khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiệm cận với xu thế chung của thế giới…

“Việc ban hành Nghị quyết này dự kiến sẽ có tác động rất lớn làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta, đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay”. Đưa ra vấn đề này, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, đồng thời với việc ban hành Nghị quyết, Quốc hội cũng cần ban hành thêm Nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để bảo đảm duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn. Qua đó, đáp ứng cùng lúc hai mục tiêu là thúc đẩy được dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào nền kinh tế nước ta, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước; đồng thời không vi phạm các cam kết quốc tế, không đi ngược với xu thế hội nhập.

“Trong khi chúng ta chưa ban hành được Nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư hoặc chưa điều chỉnh pháp luật theo hướng này, đề nghị Quốc hội khẳng định trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Sáu này về việc Quốc hội sẽ ban hành chính sách hỗ trợ theo các nội dung định hướng như trên để có thể làm yên lòng các nhà đầu tư chiến lược”, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị.

ĐBQH Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Cũng cho rằng “đây là nội dung tác động rất lớn đến môi trường đầu tư, trong đó có thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài”, ĐBQH Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị, Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy định trong dự thảo Nghị quyết; tích cực thực hiện các giải pháp triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách hiệu quả đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Đồng thời, kịp thời trình các chính sách hỗ trợ đầu tư đồng bộ với hoàn thiện hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế; nghiên cứu giải pháp hỗ trợ về tài chính hoặc thực hiện phân bổ nguồn thu thuế bổ sung này để hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế tối thiểu toàn cầu, qua đó thu hút các nhà đầu tư mới phù hợp với chiến lược phát triển của quốc gia.

Sẽ báo cáo Quốc hội nội dung về ưu đãi đầu tư ngay tại Kỳ họp thứ Sáu

Tại Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ, dự thảo Nghị quyết quy định việc thu thuế tối thiểu toàn cầu của Việt Nam và cũng liên quan trực tiếp đến nội dung phân chia quyền đánh thuế quốc tế đối với các tập đoàn đa quốc gia thuộc diện điều chỉnh của nhiều nước có liên quan. Do vậy, khi thực hiện có thể dẫn đến khả năng vướng mắc, khiếu nại về số thuế phải nộp, về cách tính toán… của các doanh nghiệp là thành viên tập đoàn đa quốc gia.

Dẫn ra thực tế này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, các cơ quan quản lý liên quan chuẩn bị các giải pháp để bảo đảm việc triển khai thực hiện các quy định của Nghị quyết được thuận lợi, tránh phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp quốc tế như Cơ chế trao đổi thông tin hoặc phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện với các quốc gia hoặc doanh nghiệp có liên quan...

Đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) lưu ý, Việt Nam có chuẩn mực tài chính kế toán riêng, nên nếu sử dụng cụm từ "chuẩn mực tài chính kế toán" được chấp nhận và "chuẩn mực tài chính kế toán phải áp dụng" tại các điều, khoản trong dự thảo Nghị quyết những vấn đề kỹ thuật có thể dẫn đến tranh chấp. Ngoài ra, đại biểu cho rằng, việc sử dụng khái niệm “năm tài chính” cần làm rõ năm tài chính của Việt Nam hay căn cứ theo quy định của một quốc gia khác?

ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) cũng nêu vấn đề: tại khoản 3 Điều 6 dự thảo Nghị quyết quy định “trường hợp tập đoàn đa quốc gia có nhiều hơn 1 công ty thành viên nộp thuế tại Việt Nam, thì công ty mẹ tối cao tại nước ngoài có văn bản thông báo chỉ định một trong những công ty thành viên tại Việt Nam nộp tờ khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo Quy định thuế tối thiểu toàn cầu; trường hợp tập đoàn đa quốc gia không thông báo chỉ định công ty thành viên tại Việt Nam nộp tờ khai và nộp thuế thì cơ quan thuế sẽ chỉ định”.

Khẳng định “khi công ty mẹ tối cao tại nước ngoài không chỉ định công ty thành viên ở nước ta nộp tờ khai và nộp thuế thì cơ quan thuế sẽ chỉ định là đúng”, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, cần có những nguyên tắc để chỉ định. Bởi, nếu hai công ty thành viên ở hai địa phương khác nhau, mà cơ quan thuế chỉ định doanh nghiệp ở một địa phương đóng, thì vô hình chung làm cho môi trường đầu tư của địa phương đó không được tốt như địa phương còn lại. “Chính phủ cần hướng dẫn rõ điều này để bảo đảm nguyên tắc chỉ định sao cho thật bình đẳng, công bằng giữa 63 tỉnh, thành phố”, đại biểu Trần Anh Tuấn nói.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhất trí với sự cần thiết phải sớm ban hành một Nghị quyết theo thủ tục rút gọn tại một kỳ họp về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Đồng thời lưu ý, phải có chính sách ưu đãi đầu tư song hành để "giữ chân" các nhà đầu tư, tiếp tục thu hút đầu tư; đánh giá kỹ tác động để quy định phù hợp trong Nghị quyết và có giải pháp để bảo đảm môi trường đầu tư...

Đối với đề nghị “rà soát, đánh giá lại các chính sách ưu đãi để sửa đổi toàn diện các quy định có liên quan cho phù hợp với tình hình mới, có tính toán đến các ưu đãi đối với các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam” của một số đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong tuần qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và thống nhất sẽ báo cáo Quốc hội nội dung về ưu đãi đầu tư trong Kỳ họp này và sẽ thể hiện vào Nghị quyết chung của kỳ họp. Các nội dung cụ thể sẽ giao Chính phủ xây dựng một Nghị định phù hợp với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong các lĩnh vực cần được ưu đãi, với các chính sách phù hợp.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/can-chinh-sach-uu-dai-dau-tu-song-hanh-de-giu-chan-cac-nha-dau-tu-i350764/