Cần chính sách hỗ trợ với tình nguyện viên chống dịch tại cơ sở

Bên cạnh lực lượng y tế cơ hữu, có nhiều tình nguyện viên là đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên, người dân… tham gia công tác phòng, chống dịch tại các phường, xã, nhất là hỗ trợ các trạm y tế đang quá tải chăm sóc F0. Nhiều tháng gắn bó với công việc nhưng các tình nguyện viên này vẫn không được nhận chế độ hỗ trợ.

Tình nguyện viên Nguyễn Ngọc Tú phát thuốc cho F0 cách ly tại nhà - Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Y tế “gồng gánh” F0

Thời gian qua, khi các lực lượng “rút quân”, nhiều địa phương tại TPHCM xảy ra tình trạng quá tải. Sở Y tế Thành phố đã có giải pháp hỗ trợ nhân lực nhưng chỉ cải thiện được một phần nhỏ, nhiều trạm y tế vẫn đang trong tình trạng “gồng gánh” F0.

Ông Nguyễn Đức Hiếu, Chủ tịch UBND Phường 14, quận Tân Bình cho biết, giai đoạn này, Phường vẫn gặp tình trạng quá tải. Hiện Trạm Y tế cơ hữu có khoảng 6-7 người nhưng phải chăm lo cho 250-600 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Trung bình, một người phải đảm nhận 50-100 F0.

Còn theo ông Nguyễn Khắc Nguyên, Chủ tịch UBND Phường 13, quận Tân Bình, dù được Quận hỗ trợ thêm một trạm y tế lưu động (gồm một bác sĩ, một điều dưỡng) và Phường huy động thêm 5 tình nguyện viên hỗ trợ nhưng năng lực của 2 trạm y tế này vẫn chưa đủ để đáp ứng công tác phòng, chống dịch.

Nhằm giảm tải áp lực cho hệ thống y tế cơ sở, ông Ngô Xuân Bình, Chủ tịch UBND Phường 3, quận Gò Vấp cho biết, trong giai đoạn tới, Phường sẽ tập trung kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, lực lượng tình nguyện viên; thành lập tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng… để hỗ trợ trạm y tế và chủ động ứng phó với biến thể mới Omicron.

Gần đây, ngành y tế Thành phố cũng đã tăng cường hệ thống y tế cơ sở, nhất là các trạm y tế lưu động. Đến nay, TPHCM có 310 trạm y tế cố định và 382 trạm y tế lưu động để hỗ trợ địa phương trong tiếp nhận, thu dung và điều trị F0.

Ngoài việc duy trì hiệu quả và làm tốt hơn việc cung ứng túi thuốc cho F0 đang điều trị tại nhà, Sở đã có kế hoạch điều chuyển túi thuốc C từ các đơn vị chưa có nhu cầu sử dụng sang các đơn vị có nhu cầu cao hơn; đồng thời, kết hợp với Đông y để hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà.

Bên cạnh đó, Sở cũng tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố xây dựng kế hoạch chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các đối tượng người già, người có bệnh nền... Kế hoạch dự kiến tập trung tối đa trong tháng 12 này và duy trì cho đến hết năm 2022 nhằm giảm sâu tỉ lệ người tử vong vì COVID-19.

Các tình nguyện viên hỗ trợ tích cực cho Phường 13, Quận 4 trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Cần sớm có chế độ hỗ trợ lực lượng tình nguyện viên tham gia chống dịch tại cơ sở

Nguyễn Ngọc Tú, Bí thư Chi đoàn Khu phố 1 chính thức tham gia hỗ trợ Phường 13, Quận 4 chống dịch từ đầu tháng 7 đến nay. Trong giai đoạn cao điểm, Tú đảm nhận nhiều nhiệm vụ như lấy mẫu, phát thuốc, tặng nhu yếu phẩm… cho người dân.

Cũng như nhiều bạn trẻ trên địa bàn TPHCM, Tú tham gia chống dịch bằng tinh thần tự nguyện với mong muốn hỗ trợ Thành phố sớm đẩy lùi dịch COVID-19. Hơn 5 tháng trong tâm dịch, Tú làm việc như một nhân viên y tế thực thụ, đến nay, dù Thành phố đã chuyển qua giai đoạn “bình thường mới” nhưng Tú vẫn hỗ trợ tích cực cho địa phương.

“Chống dịch là việc nên làm nhưng em cũng cần kinh phí để duy trì cuộc sống. Hồi trước, em có nghe thông tin về chính sách hỗ trợ cho tình nguyện viên nhưng chưa có văn bản nào nói rõ về vấn đề này”, Ngọc Tú nói.

Hay Viên Quốc Thái Thịnh, sinh viên năm thứ 4 Đại học Công nghiệp TPHCM cũng là tình nguyện viên năng nổ trên địa bàn Quận 4. Trong thời gian tham gia chống dịch, Thịnh từng bị nhiễm COVID-19 nhưng bản thân em vẫn xung kích trong các hoạt động vì cộng đồng.

Khi đề cập đến chính sách hỗ trợ cho lực lượng tình nguyện viên, Thịnh cho biết, dù kinh phí hỗ trợ không quyết định đến tinh thần tham gia chống dịch nhưng đây cũng là một chính sách cần thiết để hỗ trợ cho tình nguyện viên, nhất là các tình nguyện viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Vĩnh Biên, Trưởng Trạm Y tế Phường 13, Quận 4 cho biết, Phường huy động khoảng 6 tình nguyện viên tham gia chống dịch xuyên suốt, nhiều bạn được bố trí ăn ở tại trạm y tế cố định để phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có chính sách nào để hỗ trợ cho các đối tượng này, ngoài các phần quà của địa phương, nhà tài trợ.

Theo ông Biên, hiện theo quy định mới có 5 đối tượng được hỗ trợ kinh phí, gồm: Lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp; lực lượng tuyến đầu thực hiện công việc gián tiếp; tổ COVID cộng đồng; tình nguyện viên được Thành phố huy động tham gia phòng, chống dịch; sinh viên y khoa; tình nguyện viên được Bộ Y tế huy động tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch, chi viện cho TPHCM.

“Tôi hy vọng các cấp, các ngành sẽ sớm có văn bản về chính sách hỗ trợ cho lực lượng tình nguyện viên. Bên cạnh đó, ngành y tế cần chăm lo nhiều hơn về trang thiết bị (đồ bảo hộ, khẩu trang, găng tay…) đúng quy chuẩn để đội ngũ y tế cơ sở an tâm làm việc”, ông Biên nói.

Nguyễn Kim

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/can-chinh-sach-ho-tro-voi-tinh-nguyen-vien-chong-dich-tai-co-so/455637.vgp