Cần Chính phủ hành động, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên Hà nội mới bên hành lang Quốc hội ngày bế mạc, PGS.TS.Hoàng Văn Cường- Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐBQH Đoàn Hà Nội) khẳng định, nợ công sắp kịch trần. Nếu người dân và doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền ra để đầu tư, kể cả đầu tư cho Chính phủ vay nợ. Khi đó bài toán trần nợ công sẽ không bị giới hạn.

-Thưa ông, bên cạnh các điểm sáng, tình hình kinh tế 6 tháng qua có không ít điểm tối. Hai vùng nông nghiệp đặc biệt quan trọng là đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên đều gặp khó khăn. Đây là hậu quả của thiên tai ngẫu nhiên?

-Tôi lại cho rằng đây là tình trạng đã được dự báo trước. Cách đây hàng chục năm, Ủy Ban sông Mê Kông đã cảnh báo về tình trạng mất lũ của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long khi Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện ở thượng lưu, và dự kiến sẽ có vài chục đập được xây dựng. Thủy điện Xayaburi của Lào dự kiến ngăn dòng vào năm tới; Thái Lan triển khai chuyển dòng chảy sông Mê Kông vào lưu vực sông thuộc các tỉnh Nong Khai và Udol Thani sẽ có tác động rất lớn đến nguồn nước của Đồng bằng sông Cửu Long. So với các nước khác, chúng ta quá chậm trễ. Với tác động của biến đổi khí hậu, khi mưa nhiều các đập đồng loạt xả lũ thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập lụt, khi khô hạn các hồ tích nước Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục chịu cảnh khô hạn và xâm nhập mặn. Chúng ta không thể cứ đi xin người ta xả nước như vừa qua, mà phải tự mình cứu lấy mình.

-Giải pháp “tự cứu lấy mình” theo ông thế nào là hợp lý nhất?

-Nếu như trước đây chúng ta đã có các công trình thoát lũ ra biển Tây thì bây giờ cần phải đầu tư các công trình có tác dụng giữ nước mùa khô. Đồng thời phải nghiên cứu các giải pháp phi công trình bằng chuyển đổi cơ cấu sản xuất phát triển sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Cũng tương tự như vậy, đối với khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ, phải đầu tư cho các công trình thủy lợi và các công trình tạo nguồn nước cho sản xuất, để khắc phục hậu quả của tình trạng rừng bị tàn phá. Chính phủ phải coi đây là một trong các ưu tiên trọng tâm trong đầu tư cho phát triển bền vững.

- Ngoài đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, ông cho rằng, cần giải pháp tổng hợp nào để đạt đích cuối cùng Chính phủ đã đề ra là thúc đẩy phát triển kinh tế và không điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới?

-Chính phủ nhiệm kỳ mới được Quốc Hội phê chuẩn với tín nhiệm rất cao, nhưng đang phải đối mặt với một thực tế cực kỳ khó khăn là nợ công những năm vừa qua liên tục tăng nhanh sắp kịch trần. Theo khuyến cáo của Ngân hàng thế giới: để thúc đẩy phát triển kinh tế, chính sách tiền tệ gần như đã hết đất để phát huy tác dụng, các Chính phủ cần đẩy mạnh sử dụng chính sách tài khóa mở rộng. Điều đó có nghĩa là phải chấp nhận bội chi ngân sách để tăng đầu tư công cho phát triển và tất yếu phải tăng tỷ lệ nợ công. Trong bối cảnh này, tháo gỡ các nút thắt từ chính cơ chế và bộ máy quản lý đối với doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh là giải pháp không tốn tiền mà lại khơi thông được các dòng vốn đầu tư xã hội đổ vào thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tôi cho rằng, nếu người dân và doanh nghiệp có niềm tin, họ sẵn sàng bỏ tiền ra để đầu tư, kể cả đầu tư cho Chính phủ vay nợ. Khi đó bài toán trần nợ công sẽ không bị giới hạn.

Cuối cùng, Chính phủ liêm chính cũng không thể tự mình kiểm soát hết các hoạt động của chính mình. Do vậy, Quốc Hội cần tăng cường công tác giám sát để giúp Chính Phủ thấy được cái gì đã thực hiện tốt, cái gì chưa tốt cần chấn chỉnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Phong thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/842659/can-chinh-phu-hanh-dong-dong-hanh-cung-nguoi-dan-doanh-nghiep