Cần chặn đứng hội nhóm 'đen' trên mạng xã hội

Thời gian gần đây, nhiều vụ cướp gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều vụ thanh thiếu niên bỗng dưng tự tử đều có điểm xuất phát từ những hội nhóm trên mạng xã hội. Thay vì hướng tới những giá trị tích cực, các trang mạng xã hội này trở thành nơi kết nối của 'những kẻ muốn làm liều', ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

“Ngưu tầm ngưu...”

Lời khai của 2 đối tượng gây ra vụ cướp ngân hàng chấn động tại Đà Nẵng vừa qua thể hiện chúng quen biết nhau qua nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên Facebook. Nguyễn Mạnh Cường (SN 1988, trú tại xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) và Trần Văn Trí (SN 2001, trú xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) chỉ trao đổi với nhau thông qua hội nhóm và chủ yếu là các câu chuyện liên quan đến việc xù nợ hoặc vi phạm pháp luật. Cả 2 đều không có việc làm nhưng lại đam mê cờ bạc, cá độ bóng đá, chơi game… nên dẫn đến nợ nần tiền bạc. Sau những trao đổi trên mạng, khoảng đầu tháng 11, Cường thuê nhà trọ trên đường Đồng Kè, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng và rủ Trí về ở cùng. Để có tiền chi tiêu, 2 đối tượng rủ nhau đi cướp tài sản tại nhà dân, nhưng sau đó chúng đổi ý định sang cướp ngân hàng.

Hội nhóm rủ nhau đi cướp trên mạng xã hội

Thực hiện ý đồ, Cường lên mạng đặt mua 1 khẩu súng và chuẩn bị thêm dao, ba lô, áo khoác. Khoảng 13h45 ngày 22-11, Cường và Trí đi xe máy đến Chi nhánh ngân hàng BIDV ở đường Ngũ Hành Sơn. Vào bên trong, Trí cầm súng và bắn 1 phát chỉ thiên uy hiếp nhân viên cùng bảo vệ tại đây. Cường cầm dao đến quầy nhân viên giao dịch đe dọa buộc đưa tiền. Trước tình hình này, nhân viên bảo vệ Trần Minh Thành đã kiên quyết chống trả buộc 2 đối tượng phải tìm cách thoát ra ngoài và bỏ chạy. Tuy nhiên, vừa lên xe thì Trí đã bị người dân và nhân viên ngân hàng đạp ngã, bắt giữ, còn Cường nhanh chân bỏ chạy. Thấy vậy, ông Thành lập tức đuổi theo. Khi bị ông Thành áp sát, Cường dùng dao quay lại tấn công, sau đó bỏ trốn khỏi địa điểm gây án. Ông Thành được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong do vết thương quá nặng. Nguyễn Mạnh Cường bị công an bắt giữ sau đó...

Trước khi xảy ra vụ án nêu trên, ngày 2-11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Mỹ, Lâm Phúc Lợi và Nguyễn Thị Bích Tuyền về tội cướp tài sản. Đây là 3 đối tượng dùng súng và quả nổ cướp ngân hàng S có địa chỉ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM vào tháng 10 vừa qua. Theo điều tra của cơ quan công an, các đối tượng này quen biết nhau trên trang “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”.

Cả 3 sau đó lập nhóm kín, dùng tên giả để bàn bạc mua súng đi cướp ngân hàng, hiệu vàng. Sau khi thống nhất thủ đoạn gây án, Lợi lên mạng tìm mua quả nổ tự chế và súng. Tuyền được phân công thuê ô tô tự lái để hỗ trợ cả nhóm tẩu thoát sau khi gây án. Sáng 24-10, Lợi và Mỹ bỏ súng, quả nổ tự chế vào balo, đi xe máy đến trước ngân hàng S. Tuyền cũng lái ô tô xuất phát để chờ đón đồng bọn. Khoảng 10h30 cùng ngày, Mỹ và Lợi xông vào ngân hàng khống chế bảo vệ, uy hiếp các nhân viên, cướp 3,8 tỷ đồng. Sau 22 giờ gây án, cả nhóm bị Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.HCM phối hợp cùng các Cục nghiệp vụ Bộ Công an và công an các tỉnh bắt giữ ở 3 nơi khác nhau.

Đây không phải là lần đầu tiên các đối tượng tham gia “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” kết nối với nhau gây án. Năm 2022 trên địa bàn Hà Nội, các thành viên của hội nhóm này đã cùng nhau gây ra một vụ cướp ngân hàng trên địa bàn phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm; một vụ cướp tài sản ở nhà dân tại chung cư Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.

Những “tư vấn” độc địa

Ngoài các hội nhóm rủ nhau đi cướp, trấn lột… nhiều hội nhóm trên Facebook còn xúi giục nhau tự tử. Hiện có nhiều nhóm kín với các tên gọi như: “Hội những người muốn tự tử”, “Hội những người tìm cách tự tử không đau”, “Hội những người chán ghét cuộc sống muốn tự tử”... quy tụ hơn 10.000 thành viên.

Mặc dù trong phần giới thiệu có ghi rõ “nhóm tự tử không hẳn vào là để tự tử mà đặt tên nhóm thế này để nhắm vào những người có ý định tự tử, để chia sẻ nỗi buồn và lo âu, giải tỏa áp lực”, nhưng sau khi có bài viết được đăng tải, thay vì động viên, những kẻ khác lại xúi giục chủ nhân bài viết tìm đến cái chết. Các nhóm này đa phần đưa các bài viết nói về những áp lực tiêu cực và chia sẻ ý định muốn tự sát. Trong một nhóm quy tụ tới 16.000 thành viên, bài viết mới nhất của một cá nhân có nick là M.C (viết tắt để tránh tác động tiêu cực - PV) cho biết đang gặp áp lực và muốn tự tử cùng con nhỏ để giải thoát. Trong gần 400 “comment” (bình luận) phía dưới thì có hơn 50 ý kiến tư vấn cho M.C cách tự tử dễ nhất…

“Em đang rất bi đát. Bây giờ em chỉ muốn kết liễu cuộc đời” - đó kiểu chia sẻ khá phổ biến trong nhóm kín mắc chứng trầm cảm. Đáng ngại, khi những nội dung tiêu cực này được viết ra thì rất nhiều “comment” cũng chia sẻ câu chuyện của mình. Có người kể việc bản thân họ đã từng cắt tay và đưa ra nhận xét là “khi ấy sẽ thấy dễ chịu hơn”. Hay có người cho biết đã “từng uống thuốc ngủ nhưng bố mẹ phát hiện ra. Đã được cứu sống nhưng đến giờ vẫn còn suy nghĩ tiêu cực nhiều lắm”…

H.H.T trú tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho hay, trước đây cô từng tham gia “Hội những người muốn tự tử” trên mạng xã hội với mong muốn có thể chia sẻ những áp lực đang gặp phải. Tuy nhiên, cô cũng nhận được những lời khích bác, xúi giục tự tử nên nhiều lần rơi vào khủng hoảng và nghĩ đến cái chết. “Hôm đó, em đăng một bài viết khá dài chia sẻ chuyện bị bố la mắng và những áp lực của mình. Nhiều người vào xúi em “Mày đi chết đi”, “Sống như thế thì sống làm gì” và nhiều bình luận còn ghê rợn hơn. Em đã rơi vào khủng hoảng, cả đêm mất ngủ và nhiều lần nghĩ rất tiêu cực” - T nhớ lại. Rất may, T đã kịp thời trò chuyện với bạn bè mình và đã được kết nối với một chuyên gia tâm lý, nhờ đó vượt qua khủng hoảng.

Theo dõi các hội nhóm hướng dẫn tự tử dễ dàng nhận thấy nhiều bài viết có nội dung lệch lạc, thái độ, suy nghĩ rất tiêu cực, như: “Có lẽ con được sinh ra trên thế gian này là sai lầm của thượng đế, nhưng tiếp tục tồn tại thì là sai lầm của con”; “Tôi muốn các bạn giúp cách ra đi nhẹ nhàng”; “Ai cần mua cyanua nguyên chất liên hệ mình nha”...

Các đối tượng cướp tài sản tại chung cư Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai là thành viên của “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”

Cảnh giác không thừa

Những hội nhóm trên mạng xã hội dù là ảo nhưng hệ lụy của chúng là thật. Thành viên nào không đủ mạnh mẽ, không làm chủ bản thân thì khó thể vượt qua được sự kích động mà nghe theo lời xúi giục. Thông qua tương tác ảo mỗi ngày, cảm xúc tiêu cực lây lan, có thể tạo động lực để nhiều người thực hiện hành vi không đúng, thậm chí vi phạm pháp luật.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Lâm sàng Bệnh viện Tâm thần Mai Hương, người tâm thần không ổn định thường không muốn nói ra ý nghĩ của mình vì e ngại bị đánh giá, kỳ thị, xa lánh. Vì thế, nhiều thanh thiếu niên cố gắng tự tử nhằm thoát khỏi các triệu chứng tâm thần. Tổ chức Y tế thế giới từng cảnh báo, 1/2 của tất cả các rối loạn sức khỏe tâm thần ở tuổi trưởng thành thường bắt đầu vào tuổi 14.

Các đối tượng cướp ngân hàng trên địa bàn phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm và tang vật vụ án

Tuy nhiên, hầu hết các triệu chứng đó không được phát hiện và không được điều trị. Tiến sĩ Trần Thị Hồng Thu cho rằng, phụ huynh cần biết cách nói với con về sức khỏe tâm thần để giúp thanh thiếu niên cảm thấy thoải mái và chấm dứt sự kỳ thị trước khi bệnh bắt đầu xuất hiện. Bởi trên thực tế có rất nhiều trường hợp khi đến bệnh viện thì đã bị trầm cảm nặng, thậm chí có trường hợp chuyển sang giai đoạn tâm thần phân liệt. “Để giúp con hạn chế tiếp xúc với những thông tin tiêu cực, bố mẹ cần giám sát, giới hạn thời gian con vào mạng, kiểm soát nội dung con tìm kiếm trên mạng, nhất là với những bạn có dấu hiệu mắc các bệnh lý tâm thần tiếp xúc để từ đó có những điều chỉnh kịp thời” - Tiến sĩ Trần Thị Hồng Thu chia sẻ.

Theo các chuyên gia pháp lý, thực tế hầu hết người dùng mạng xã hội khi tham gia vào các hội nhóm tiêu cực đều không ý thức được việc mình thực hiện tương tác tại đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù mạng là ảo, nhưng nếu cá nhân vì những lời bình luận, cổ vũ mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì phải gánh là trách nhiệm về mặt pháp lý. Bên cạnh đó, những người lập, quản lý các hội nhóm “đen” trên mạng xã hội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu họ có hành vi kích động, tư vấn, giúp sức… đối tượng phạm tội thì có thể bị xem xét với vai trò đồng phạm. Trường hợp chủ hội nhóm biết những người tham gia hội nhóm của mình đang bàn bạc để thực hiện hành vi phạm tội nhưng không phản đối hoặc báo cáo cơ quan chức năng thì có thể bị xử lý về hành vi không tố giác hoặc che giấu tội phạm.

Để ngăn chặn các vụ việc vi phạm pháp luật có thể xảy ra tiếp theo, lực lượng chức năng đang rà soát các vấn đề nổi lên trên không gian mạng, hoạt động của các hội nhóm tội phạm trên mạng để đấu tranh, xử lý kịp thời, có biện pháp răn đe đối với những đối tượng coi thường pháp luật. Bên cạnh đó, mỗi người khi tham gia mạng xã hội cần có sự chọn lọc thông tin và có thái độ lên án, phê phán đối với những hội nhóm độc hại này.

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông): Sẽ tiếp tục xóa, chặn những hội nhóm “rác” trên mạng xã hội

Từ phản ánh của báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - truyền thông) đã yêu cầu các mạng xã hội như Facebook ngăn chặn 8 hội nhóm hướng dẫn tự tử và 43 hội nhóm hướng dẫn “bùng” nợ. Sau khi có yêu cầu, chỉ sau 1 ngày, Facebook đã chặn, gỡ những hội nhóm này. Tuy nhiên, trên mạng xã hội vẫn còn nhiều hội nhóm tương tự.

Các hội nhóm như: “Hội những người chán đời muốn tự tử”, “Hội những người muốn tự tử tập thể vì chán ghét cái cuộc sống vô nghĩa này”, “7749 cách tự tử”, “Hội bùng app vay tiền và chia sẻ cách đối phó”, “Chuyên tư vấn bùng nợ - Xóa nợ xấu”... vẫn đang xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội thu hút hàng trăm nghìn người tham gia với khoảng trên 20 bài cập nhật mỗi ngày. Các thành viên tham gia đa số vì cảm xúc tiêu cực của bản thân, xuất phát từ khó khăn, áp lực cuộc sống hoặc lạc lõng, mất phương hướng như nợ nần, mắc bệnh hiểm nghèo, không có điểm tựa tinh thần... Các nhóm “bùng” nợ thường hướng dẫn, cổ vũ trò ăn quỵt, quảng cáo các dịch vụ hỗ trợ xóa nợ, trốn nợ. Có thể thấy điểm chung của thành viên trong các hội nhóm trên là thay vì giúp đỡ, động viên nhau vượt qua khó khăn lại xúi giục, rủ rê nhau tự tử; thay vì cho lời khuyên trả nợ thì họ lại góp thêm cách để quỵt nợ.

Vừa qua, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 404 bài viết, 1 group và 7 tài khoản vi phạm (đạt tỉ lệ 90%); Google đã gỡ 480 video vi phạm trên YouTube (đạt tỉ lệ 92%); TikTok đã chặn, gỡ bỏ 53 nội dung vi phạm (đạt tỉ lệ 95%). Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đang tiếp tục thu thập thông tin để xử lý tiếp những hội nhóm hướng dẫn tự tử, hướng dẫn “bùng” nợ... Nếu phát hiện thông tin về những nhóm tiêu cực, có dấu hiệu vi phạm trên mạng xã hội, người dùng và cơ quan báo chí có thể thông tin đến Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử để xử lý.

Châu Anh (Ghi)

Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội: Người lập hội nhóm “đen” trên mạng có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm

Hiện nay, với sự phát triển mạnh của mạng xã hội, người sử dụng mạng có thể dễ dàng tìm thấy và gia nhập các hội nhóm “đen” và nhận được tư vấn nhiệt tình của các thành viên về mọi vấn đề, trong đó có cả những hành vi vi phạm pháp luật như dạy cách tự sát, sử dụng ma túy, các chiêu trò trốn nợ, đòi nợ… Thậm chí có không ít thành viên còn dạy nhau cách đi… cướp. Từ việc trao đổi thông tin trên thế giới ảo, một số đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội ngoài đời thực. Chỉ riêng tại “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”, cơ quan chức năng đã ghi nhận khá nhiều vụ cướp có tổ chức.

Tại “Hội dạy cách bùng tiền vay qua app”, với tư tưởng “không làm mà vẫn có ăn”, vay tiền ăn chơi sau đó quỵt nợ, chiêu “bùng” nợ được chia sẻ nhiều nhất là khai báo thông tin giả, thông tin của người khác, dùng sim rác, danh ba điện thoại ảo. Còn với “Hội những người muốn tự sát”, khi một thành viên bày tỏ ý định muốn kết thúc cuộc đời khi gặp chuyện không may, nhiều cá nhân khác sẵn sàng chỉ chi tiết cách tự tử bằng nhiều phương thức khác nhau. Điều đáng nói, các tài khoản này đều tỏ ra rất dứt khoát trong việc dẫn dụ những người đang tiêu cực đến với cái chết nhanh nhất. Thậm chí, họ sẵn sàng công khai những thiết bị như súng, đạn, dây thừng,… khiến cho tâm lý của người trong hội nhóm càng trở nên tiêu cực.

Theo quy định hiện hành, những hành vi xúi giục người khác tự tử, quỵt nợ hay cướp tài sản là vi phạm pháp luật. Cụ thể, về chế tài xử lý với trường hợp quỵt nợ, nếu có đủ căn cứ cho rằng người vay tiền từ đầu đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản bằng cách làm giả một số giấy tờ như CCCD, chứng minh thu nhập… sau đó chiếm đoạt thì có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS 2015 với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân. Bên cạnh đó, hành vi “bùng” nợ còn có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo Điều 175 BLHS 2015, đó là hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó, hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả. Với hành vi cướp tài sản, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, đối tượng thực hiện hành vi có thể đối diện mức án từ 3 năm tù giam đến tù chung thân.

Còn về việc xúi giục người khác tự sát, hành vi này có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 15/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông tần số vô tuyến điện với mức phạt từ 10-20 triệu đồng. Trường hợp những hành vi kích động dụ dỗ, xúi giục người khác tự sát hoặc tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để người khác tự sát thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu khiến 2 người tự sát trở lên có thể bị xử phạt từ 2 - 7 năm tù.

Huệ Linh (Ghi)

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học quốc gia Hà Nội: Cần nỗ lực hơn nữa trong đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng

Từ lâu, mạng xã hội và những điều diễn ra trên mạng xã hội đã phản ánh một phần đời sống thật. Những vụ cướp mà các đối tượng quen nhau trên các hội nhóm tiêu cực gây ra trong thời gian gần đây là rất đáng báo động. Dưới góc độ tội phạm học, đây là một xu hướng nguy hiểm có nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Ngoài những chia sẻ dung tục, các hội nhóm này còn thúc đẩy, cổ vũ hành vi phạm pháp. Xâm nhập thực tế vào các hội nhóm kín, không khó tìm thấy những status kiểu như “Tôi có súng, bạn có đồng hành cùng tôi?” và hàng loạt comment phía bên dưới thể hiện sự hẹn hò, trao đổi kín. Thực tế đã xuất hiện các vụ phạm pháp hình sự đặc biệt nghiêm trọng như cướp hiệu vàng, cướp nhà dân, cướp ngân hàng được bắt nguồn từ các nhóm kín trên mạng xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của lực lượng công an trong đấu tranh với tội phạm trên không gian ảo.

Yên Hưng (Ghi)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/can-chan-dung-hoi-nhom-den-tren-mang-xa-hoi-post559082.antd