Cận cảnh pho tượng Quán thế âm được khắc niên đại sớm nhất Việt Nam

Tượng Quán thế âm Bồ Tát ở Bắc Ninh được tạo tác vào năm 1449 từ hai khối đá tách rời, là pho tượng duy nhất khắc minh văn trên cả thân và bệ tượng.

Tượng Quán thế âm làm bằng đá thời Lê Sơ, ở chùa Cung Kiệm, xã Nhân Hòa, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh có niên đại từ năm 1449, được Thủ tướng ký quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia ngày 30/1/2023.

Đây là hiện vật gốc, chất liệu đá mang tính độc bản duy nhất thời Lê Sơ còn sót lại. Tượng được tạo tác trong tư thế ngồi tọa thiền bán kiết già, đầu đội mũ thiên quan, khoác áo thiên y, anh lạc đeo trước ngực hình hoa mai chín cánh. Pho tượng có kết cấu gồm hai phần: Thân tượng và bệ tượng, với chiều cao tổng thể là 88,7cm.

Hồ sơ di sản nhận xét, hiện vật là tượng Quán thế âm duy nhất khắc minh văn trên cả thân và bệ tượng. Minh văn gồm 67 chữ, cung cấp thông tin về niên đại tạo tác, địa chỉ, những người công đức.

Lưng tượng khắc 39 chữ Hán với nội dung "Năm Kỷ Tỵ (1449) niên hiệu Thái Hòa thứ 7 triều vua thứ 3 nhà Lê. Các tín chủ ở xã Kiệm, huyện Vũ Ninh, lộ Bắc Giang Trung gồm: Đào Ngân, Nguyễn Thị Biên, Nguyễn Lăng, Đào Thị Điều, Nguyễn Bế/Bé, Nguyễn Thị Thiểu".

Ông Hoàng Minh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Quế Võ, (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, Tượng Quán thế âm tại chùa Cung Kiệm được tạo tác năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Thái Hòa thứ 7 (năm 1449) là pho tượng chất liệu đá được khắc niên đại sớm nhất, đồng thời là pho tượng Quan Âm thời Lê Sơ duy nhất được biết đến. Điều này có giá trị đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu lịch sử Phật giáo, lịch sử tạo tượng Việt Nam nói chung và lịch sử tín ngưỡng thờ Quán Âm của người Việt nói riêng.

"Đây là pho tượng Quan âm đá duy nhất có tạo hình bệ tượng với sự xuất hiện của đôi thủy quái đỡ bệ sen. Đôi thủy quái đang trong tư thế ngóc cao đầu, vượt lên sóng biển, ngoảnh mặt vào nhau cùng đội lấy đài sen và đây cũng là pho tượng đá duy nhất được tạo tác từ hai khối tách rời gồm phần thân tượng và bệ tượng.", ông Tuấn cho biết thêm.

Thượng tọa Thích Giới Thanh, trụ trì chùa Cung Kiệm, xã Nhân Hòa, thị xã Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ, vào thời Lê Sơ, ngôi chùa đã được nhiều người biết đến và cung tiến tiền của vào việc tôn tạo, tạc tượng Phật, tiêu biểu là pho tượng Quán thế âm chất liệu đá còn bảo lưu nguyên vẹn đến ngày nay.

Tượng Quán thế âm chùa Cung Kiệm từng được chỉnh sửa, gắn chắp một số chỗ bị vỡ, nứt ở bàn tay phải, phần mũi, cổ và tai phải.

"Điều đặc biệt nữa ở pho tượng này là tượng được tạo tác năm 1449 thì số cân nặng của cả pho tượng là 144,9kg, trong đó tượng nặng 42,4kg, bệ tượng nặng 102,5kg", Thượng tọa Thích Giới Thanh cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Thừa, 83 tuổi, khu phố Cung Kiệm, xã Nhân Hòa, thị xã Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, từ khi Tượng Quán thế âm của chùa được công nhận là Bảo vật Quốc gia, bà cũng như người dân ở đây rất vui và cảm thấy tự hào vì địa phương đã bảo tồn, giữ gìn được pho tượng quý này.

Ngày 4/11, chùa Cung Kiệm (Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) đã tổ chức Pháp hội Quán thế âm và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia - Tượng Quán thế âm Bồ tát.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/can-canh-pho-tuong-quan-the-am-duoc-khac-nien-dai-som-nhat-viet-nam-ar832107.html