Cận cảnh pháo tự hành 2S3 Akatsiya Nga dội hỏa lực hạ mục tiêu

Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố video cho thấy các lực lượng quân sự nước này sử dụng pháo tự hành 2S3 Akatsiya cỡ nòng 152mm tấn công và phá hủy các mục tiêu trong xung đột Đông Âu.

Dù ra đời đã lâu, nhưng pháo tự hành 2S3 Akatsiya vẫn được Nga sử dụng hiệu quả trong các cuộc xung đột.

Hiện nay dòng pháo này đang được quân Nga sử dụng với số lượng lớn để dội hỏa lực vào đối phương trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Video của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy, khi sử dụng hệ thống pháo này, binh sĩ đã cơ động vào vị trí, bắn liền 5 phát vào mục tiêu, sau đó nhanh chóng tìm chỗ ẩn nấp.

Những cuộc tấn công chính xác từ hệ thống phảo này sẽ ngăn chặn khả năng huy động lực lượng dự bị của đối phương.

Đồng thời loại pháo này còn cung cấp sự hỗ trợ quan trọng cho các bước tiến của đơn vị tấn công Nga.

Được biết 2S3 Akatsia là loại pháo tự hành cỡ nòng 152mm, được phát triển ở Liên Xô vào cuối những năm 60 để tiêu diệt sinh lực và xe bọc thép của địch.

Ngoài ra chúng còn bắn phá các đầu mối chỉ huy và thông tin liên lạc, cũng như trấn áp pháo binh đối phương.

Loại pháo này đã được đưa vào trang bị cho các trung đoàn pháo binh, các phân đội xe tăng và bộ binh cơ giới của quân đội Liên Xô vào năm 1971 để thay thế pháo 152mm D-1, D-20 và ML-20.

2S3 Akatsia được sản xuất tại Nhà máy chế tạo các phương tiện vận tải Ural với số lượng khoảng hơn 4.000 khẩu.

Chúng được cung cấp cho quân đội của các nước thành viên Hiệp ước Warsaw, các quốc gia ở Châu Phi và Châu Á.

Loại pháo này đã được sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến Afghanistan năm 1979 - nơi các pháo tự hành này hỗ trợ trực tiếp cho các đơn vị tấn công.

Kể từ năm 1984, pháo 2S3 Akatsia bắt đầu được sử dụng để hộ tống các đoàn xe thường bị phiến quân bắn. Loại pháo này cũng được sử dụng hiệu quả trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988).

Tuy nhiên pháo 2S3 Akatsia của Iraq đã không hiệu quả khi chống lại các lực lượng của liên minh quốc tế vào năm 1991.

2S3 Akatsia được thiết kế với vị trí của động cơ đặt phía trước xe. Lớp giáp phía trước của tháp và thân xe có độ dày 30mm, hai bên - 15mm giúp bảo vệ tốt kíp chiến đấu.

Về kích thước, loại pháo này có chiều dài 6,97m, rộng 3,25m, cao 2,53m, nặng 27,5 tấn, kíp xe 4 thành viên.

Pháo được trang bị động cơ V-59 có công suất 520 mã lực giúp đạt tốc độ tối đa 63km/h, dự trữ hành trình 500km, có thể leo dốc 30 độ, vượt chướng ngại cao 0,7m, vượt mương nước rộng 2,5m.

2S3 Akatsia sử dụng pháo chính rãnh xoắn cỡ nòng 152,4mm có chiều dài bằng 28 lần cỡ nòng, với góc nâng hạ từ -4 đến +60 độ, góc hướng 360 độ.

Một khẩu súng máy 7.62mm cũng được trang bị thêm để bắn các mục tiêu trên không hoặc tiêu diệt bộ binh đối phương.

Pháo có thể bắn đạn nổ mảnh (tầm bắn trên 17km), đạn hóa học, đạn chiếu sáng, đạn chùm và đạn xuyên giáp.

Để bắn chính xác, pháo thủ được trang bị hai kính ngắm toàn cảnh để bắn từ các vị trí được che khuất và kính ngắm OP5-38 để bắn trực tiếp.

Thiết bị ngắm TKN-3A được trang bị cho chỉ huy còn lái xe được trang bị các thiết bị quan sát và thiết bị nhìn đêm.

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã nâng cấp lên chuẩn 2S3M2 Akatsia với việc trang bị thêm một hệ thống dẫn bắn tự động 1V514-1 “Mekhanizator-M” và hệ thống tạo màn khói ngụy trang mới.

Ở biến thể hiện đại mới nhất mang tên 2SM3 Akatsia, Nga đã trang bị nòng pháo mới 2A33M cho phép tăng tầm bắn và mở rộng chủng loại đạn có thể sử dụng.

Ngoài ra hệ thống ngắm bắn mới cũng được tích hợp cho phép bắn chính xác hơn.

2S3 Akatsia đã tham gia vào hầu hết các cuộc xung đột phát sinh sau khi Liên Xô tan rã, điển hình như cuộc xung đột Pridnectrov, cuộc chiến ở Abkhazia, các chiến dịch ở Chechen, Ossetia và mới nhất là tại Syria và hiện tại là Ukraine.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/can-canh-phao-tu-hanh-2s3-akatsiya-nga-doi-hoa-luc-ha-muc-tieu-post564336.antd