Cận cảnh lễ hội Cầu Ngư ở làng biển Diêm Phố, Thanh Hóa

Hàng ngàn người dân ở làng biển Diêm Phố đang tổ chức lễ hội Cầu Ngư lớn nhất trong năm tại xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Trong 3 ngày từ ngày 31-3 đến ngày 2-4 (tức ngày 22-2 đến ngày 24-2 âm lịch) xã Ngư Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã long trọng tổ chức Lễ hội Cầu Ngư lớn nhất ở xứ Thanh.

Lễ hội được người dân và chính quyền xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, ngư dân thuận lợi, vươn khơi bám nghề đi biển của cha ông, làm giàu từ biển.

Theo lời kể của các bậc cao niên trong xã, Lễ hội Cầu Ngư xuất phát từ tên lễ hội Cầu Mát của cư dân làng Diêm Phố, có từ khi làng mới thành lập vào thời nhà Lê.

Các vị thần được tôn vinh trong lễ hội này là Tam Bảo Phật, Tứ vị Thánh Nương, Đông Hải Đại Vương, Nẹ Sơn Tôn Thần, Nam Hải Đại tướng quân…

Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của xã, đồng thời cũng là lễ hội lớn nhất và đặc trưng nhất của khu vực ven biển Thanh Hóa.

Ghi nhận của PLO, trong hai ngày qua, hàng ngàn người dân địa phương, những người con xa quê đã về tham gia lễ hội

Ngay từ sáng sớm, trên mọi tuyến đường lớn, nhỏ của xã Ngư Lộc, người dân ùn ùn kéo nhau về tuyến đê biển để chờ xem lễ rước kiệu, rước Long Châu và những màn trình diễn đánh trống, múa lân.

Dọc khắp thân đê chắn sóng bảo vệ làng Diêm Phố, ngư dân tham gia lễ hội rất đông đúc

Theo người dân, Lễ hội Cầu Ngư từ bao đời đã thành truyền thống của làng Diêm Phố, vì thế dù công việc đi biển có bận đến đâu thì ngày này mọi người đều gác lại để tham gia lễ hội.

Anh Phúc Tuấn cho biết lễ rước Kiệu, rước Long Châu được người dân địa phương mong chờ nhất với mong muốn một năm gặp nhiều thuận lợi, may mắn khi thấy kiệu.

"Để xem được lễ hội, gia đình tôi phải ra đê từ sớm mới có vị trí đứng thuận lợi, chờ đợi đoàn rước kiệu đi qua" - anh Nguyễn Văn Thành chia sẻ.

Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, các dòng họ, người dân trong xã lần lượt đến dâng lễ cầu khấn mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, cầu một mùa đánh bắt hải sản thắng lợi

Vì ý nghĩa quan trọng đó, từ 11-9-2017 Lễ hội Cầu Ngư đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Được biết xã Ngư Lộc lâu nay vốn được biết đến là một xã không có đất canh tác nông nghiệp. Diện tích đất ở của toàn xã nhỏ nhất chỉ với 0,46 km2, trong khi dân số hơn 18.000 người nên mật độ dân số lên tới 36.000 người/ km2.

Theo số liệu điều tra dân số năm 2019, mật độ cư dân sinh sống ở Ngư Lộc cao gấp 15 lần Hà Nội và 8,25 lần so với TP.HCM. Thậm chí, quốc gia có mật độ dân số cao nhất thế giới là Monaco cũng chỉ đạt 19.500 người/km2.

Bài&ảnh: ĐẶNG TRUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-canh-le-hoi-cau-ngu-o-lang-bien-diem-pho-thanh-hoa-post783168.html