Cần cả hệ thống chính trị vào cuộc

Sáng ngày 28/12/2013, tại Hà Nội, Ủy ban dân tộc đã tổ chức Hội nghị Triển khai Quyết định 449/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị.

CôngThương - Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử khẳng định: Chiến lược công tác dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước xác định là một bộ phận quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước; là yếu tố cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống của hơn 12 triệu đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 15% dân số, nhưng đồng bào dân tộc lại tập trung sinh sống trên 3/4 diện tích lãnh thổ - là vùng có tiềm lực kinh tế to lớn, có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng; đặc biệt có nhiều cửa ngõ thông thương giữa nước ta với các nước trong khu vực, có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh.

Hơn 10 năm qua, với nhiều chủ trương, chính sách quan trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi, đời sống đồng bào đã được cải thiện một bước; tỉ lệ hộ nghèo giảm 4-5%/năm; kết cấu hạ tầng được xây dựng khá; kinh tế, vật chất, xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng ổn định…

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, thậm chí có nơi rất khó khăn. Kinh tế hàng hóa chậm phát triển, kinh tế tự nhiên và nửa tự nhiên còn chiếm tỉ trọng không nhỏ… Trong khi đó, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng đồng bào dân tộc ở những địa bàn hiểm trở của miền núi để thực hiện âm mưu chống phá cách mạng nước ta về mọi mặt.

Trước tình hình đó, ngày 12/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 449/QĐ – TTg Phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và Quyết định số 2356/QĐ – TTg Ban hành Chương trình hành động thực hiện công tác dân tộc đến năm 2020.

Mục tiêu của chiến lược nhằm phát triển toàn diện, nhanh, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số; rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; giảm dần vừng đặc biệt khó khăn; từng bước hình thành các trung tâm kinh tế - văn hóa – khoa học vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc; đảm bảo ổn định an ninh – quốc phòng…

Mục tiêu đến năm 2020: 95% trẻ em trong độ tuổi được đến trường.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, Phó chủ nhiệm, Thứ trưởng Ủy Ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương cho biết: Từ nay đến năm 2020, sẽ có 57 chương trình, chính sách, đề án, dự án được xây dựng và triển khai. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực như: Hỗ trợ pháp lý, giáo dục đào tạo; phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng… vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của rất nhiều bộ ngành như: Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin Truyền thông…

Đại đa số các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, chương trình hành động có thể xem như một bước ngoặt, một cuộc cách mạng, là quyết tâm chính trị cao để đồng bảo dân tộc miền núi có những bước phát triển đột phá.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 57 chương trình, chính sách, đề án, dự án vừa xây dựng, vừa triển khai trong vòng 7 năm là quá nhiều. Chính vì vậy, để thực hiện một cách thiết thực, bền vững, tạo động lực để công tác dân tộc phát triển, không chỉ là nhiệm vụ của riêng những người làm công tác dân tộc mà là của cả hệ thống chính trị.

“Phải có quan điểm tốt thì mới có chính sách tốt. Quan trọng nhất là chúng ta phải có quan điểm thống nhất, phải nhận thức được rằng: Dân tộc, tôn giáo là vấn đề của thời đại. Muốn thế, những người tham gia thực hiện phải đổi mới tư duy trong xây dựng chính sách, sao cho phù hợp với đòi hỏi của vùng miền, của các dân tộc khác nhau”.

“Thay vì những chính sách mang nặng tính hỗ trợ, cần tập trung tuyên truyền để phát huy tinh thần tự lực, tự cường của bà con dân tộc. Chỉ khi bà con thấy các đề án chương trình thiết thực với mình và có ý thức xây dựng thì đề án, chương trình mới thực sự đi vào cuộc sống. Quyết định 449/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ là nền tảng căn bản để chiến lược công tác dân tộc phát triển. Tuy nhiên, chiến lược này chỉ thực sự hiểu quả khi nó không còn nằm trên giấy, mà được triển khai trong cuộc sống”- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Hoàng Mai

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị.

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/thoi-su/47487/can-ca-he-thong-chinh-tri-vao-cuoc.htm