Cần bước chuyển xanh bền vững cho ngành phân bón và bảo vệ thực vật

Tác động của việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu một cách dư thừa, thiếu hợp lý đang góp phần gây hiệu ứng nhà kính trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Để giảm thiểu tình trạng này, rất cần ngành phân bón và bảo vệ thực vật nội địa có bước chuyển đổi theo hướng xanh và bền vững từ sản xuất cho đến tiêu thụ, để qua đó mang lại lợi ích lâu dài cho ngành nông nghiệp.

Ts. Phùng Hà, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết ngành nông nghiệp Việt đang chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, nhưng cũng là ngành gây ra hiệu ứng nhà kính, trong đó riêng phân bón đã góp phần chiếm tỷ lệ khoảng 13%.

Tác nhân gây hiệu ứng nhà kính

Số liệu thống kê cho thấy lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vào khoảng 10 triệu tấn/năm (trong đó phân bón vô cơ chiếm 75%). Theo ông Hà, phân bón gồm hai mảng là sản xuất và sử dụng, khi gây hiệu ứng nhà kính thì mảng sản xuất chiếm tỷ lệ khoảng 25%, còn việc sử dụng phân bón lại chiếm tỷ lệ đến 75%.

Việc sản xuất và sử dụng phân bón để góp phần giảm phát thải khí nhà kính cho ngành nông nghiệp Việt đang rất cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Chính vì vậy, để giảm phát thải khí nhà kính trong ngành phân bón nội địa cần phải nhắm vào cả lĩnh vực sản xuất lẫn sử dụng. Trong đó, riêng sản xuất phân bón thì hợp chất amoniac (nguyên liệu quan trọng trong sản xuất phân bón) đóng vai trò chính gây phát thải khí nhà kính. Cho nên hiện nay trong nước đang có một số dự án sản xuất amoniac xanh.

Còn về việc sử dụng phân bón để giảm phát thải khí nhà kính đang cần nhiều giải pháp đồng bộ. Nhất là khi lượng phân bón được dùng trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đang cao gấp ba lần so với tỷ lệ sử dụng bình quân chung trên thế giới. Cụ thể, trên thế giới chỉ dùng trung bình khoảng 135 - 140kg/ha, trong khi ở Việt Nam lại dùng đến 400kg/ha. Điều này đòi hỏi phải kéo giảm sử dụng phân bón.

Mặt khác, cơ cấu sử dụng phân bón cũng phải được kéo giảm. Trong số các loại phân bón thì phân nitơ gây ra hiệu ứng nhà kính nhiều nhất nên cần phải được giảm dần.

Hoặc như phương thức “4 đúng” (đúng liều lượng, đúng chủng loại, đúng vụ, đúng cây) cũng nên được áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp để giảm phát thải. Ngoài ra, việc sử dụng phân bón thế hệ mới, phân bón chậm tan, phân bón tăng mức kiểm soát, phân bón hữu cơ cũng sẽ góp phần quan trọng cho việc này.

Trao đổi với VnBusiness bên lề Triển lãm quốc tế lần thứ 5 về Phân bón, Thuốc bảo vệ thực vật và Hóa chất Nông nghiệp Việt Nam - AgroChemEx Vietnam 2024 diễn ra ở Tp.HCM vào ngày 16/4 (quy tụ 80 doanh nghiệp hàng đầu trong ngành phân bón và bảo vệ thực vật đến từ Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Việt Nam), Ts. Phùng Hà nhấn mạnh, nền sản xuất nông nghiệp trong nước nên kéo giảm một cách thích hợp việc sử dụng phân bón vốn đang dư thừa và thiếu hợp lý. Việc này chẳng những không ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất nông sản mà còn tiết kiệm được khoản chi phí rất lớn. Và điều đó sẽ rất có lợi cho chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà chính.

Ngoài ra, tình trạng lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ không chỉ gây lãng phí mà còn làm ô nhiễm đất, nguồn nước (nước mặt, nước ngầm) và gia tăng phát thải khí nhà kính, cũng như ảnh hưởng tới chất lượng nông sản. Trong khi đó, để sản xuất nông nghiệp xanh đang rất cần khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, thế nhưng tỷ lệ vẫn còn khiêm tốn với khoảng 2 - 3 triệu tấn/năm (chỉ chiếm 25% trong tổng số 10 triệu tấn phân bón sử dụng mỗi năm).

Hồi cuối năm ngoái, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 với mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ được phép lưu hành lên trên 30% so với tổng số sản phẩm phân bón; công suất sản xuất phân bón hữu cơ đạt 5 triệu tấn/năm. Và đến năm 2030 sẽ có ít nhất 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương.

Thay đổi để mang lại lợi ích lâu dài

Giới chuyên gia cho rằng thời gian tới nên có sự phân chia sử dụng thích hợp phân bón vô cơ và hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. Nên lưu ý nếu chỉ đơn thuần sử dụng phân bón hữu cơ có thể sẽ không đảm bảo được an ninh lương thực, cần tránh những nóng vội trong quá trình hữu cơ quá. Vì vậy khâu chính sách cần cân đối vừa phải cho việc sử dụng hai loại phân bón này.

Ngoài ra, trong việc hướng đến phát triển xanh và bền vững, không chỉ với ngành phân bón, theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), hiện nay, ngành thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) Việt Nam cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ cho việc này khi mà tỷ trọng thuốc BVTV trong tổng lượng TBVTV sử dụng tại Việt Nam đã tăng mạnh từ 16,67% năm 2021 lên 18,49% hồi năm 2022.

Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước cũng đang đầu tư nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV sinh học nhằm góp phần đa dạng hóa nguồn cung và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt khi thị trường thuốc BVTV sinh học Việt Nam trong năm 2024 được dự báo sẽ đạt 65,7 triệu USD, với mức tăng trưởng trên 16,4%/năm.

Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sản xuất Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, bày tỏ băn khoăn là thuốc BVTV sinh học chưa thể thay thế hoàn toàn được thuốc BVTV hóa học vì có chi phí cao hơn. Trong khi đó, vẫn chưa có sự gắn kết giữa cơ quan nghiên cứu và DN. Còn Nhà nước chưa có chính sách phù hợp và đủ mạnh để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV sinh học, thủ tục còn rườm rà.

Chính vì vậy, rất cần có sự hỗ trợ về chính sách và vốn cho các khu vực sản xuất kinh doanh thuốc BVTV sinh học. Nhất là cần nghiên cứu công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học từ các quốc gia có nền sản xuất tiên tiến.

Cần nhắc thêm, trong Sách Trắng 2024 của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), khi bàn về ngành nông nghiệp ở Việt Nam có cho rằng, hoạt động canh tác nông nghiệp thông thường đã thúc đẩy tăng năng suất, tuy nhiên lại phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố đầu vào bên ngoài như phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.

Chính vì vậy, Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng Thủy sản của EuroCham (FAABS) khuyến nghị ngành nông nghiệp Việt Nam xây dựng các mục tiêu tham vọng nhưng có thể đạt được. Đơn cử như khuyến khích giảm sử dụng và giảm nguy cơ từ thuốc trừ sâu hóa học. Ngoài ra, cần cung cấp hỗ trợ tài chính cho nông dân chuyển đổi sang phương pháp hữu cơ, cũng như khuyến khích hình thành các cụm hợp tác và hợp tác xã để dễ đạt được một chứng nhận hữu cơ duy nhất.

Chung quy, để tạo bước chuyển xanh, bền vững cho ngành phân bón và BVTV ở trong nước nhằm giảm hiệu ứng nhà kính, điều nên làm là phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong việc sản xuất và sử dụng. Ngành nông nghiệp Việt đang đứng trước thời cơ then chốt nhằm tham gia vào bước chuyển này, tuy có những thách thức trong thời gian đầu nhưng sẽ mang lại lợi ích lâu dài.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/can-buoc-chuyen-xanh-ben-vung-cho-nganh-phan-bon-va-bao-ve-thuc-vat-1099312.html