Cần bổ sung chế tài xử lý với trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch

Các Đại biểu Quốc hội tán thành với nhận định của đoàn giám sát cho rằng việc công bố, công khai thông tin quy hoạch ở một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên, chưa tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để công khai và cung cấp thông tin.

Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn trong việc thực hiện quy hoạch và việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về quản lý trật tự xây dựng đô thị chưa được các cấp chính quyền quan tâm. Các đại biểu đề nghị báo cáo cần bổ sung quy định về biện pháp chế tài xử lý với các trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch, đồng thời đổi mới hình thức, lấy ý kiến nhân dân về các quy hoạch.

Nêu thực trạng thời gian qua việc thực hiện công bố, công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng, đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương. Nhằm đẩy nhanh tiến độ lập kế hoạch bảo đảm chất lượng quy hoạch, đại biểu đề nghị Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo cụ thể hơn với Quốc hội vấn đề công khai thông tin quy hoạch.

Ông LÊ THANH HOÀN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa : “Việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện được công bố công khai, thông tin chưa được thực hiện nghiêm túc, đề nghị với Quốc hội, trong dự thảo Nghị quyết giám sát của Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế.”

Cho rằng các quy định hiện nay chưa có tiêu chí hay, hệ thống các giá trị để giúp người dân tham gia đóng góp ý kiến đánh giá cho các đồ án quy hoạch, quy định về quyền và nghĩa vụ của cá nhân và cộng đồng còn khá chung chung, do vậy để thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, đại biểu Trịnh Tú Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đề xuất việc lấy ý kiến của cộng đồng, cơ chế phản hồi và giải trình trước sự tham gia của cộng đồng cũng cần phải được thể chế hóa.

Bà TRỊNH THỊ TÚ ANH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: “Bản quy hoạch tốt nhất là bản quy hoạch của người dân, một bản quuy hoạch có tính linh hoạt đáp ứng những yêu cầu mà người dân cho là cần thiết để việc thực hiện lấy ý kiến của người dân được tốt hơn. Chính quyền các cấp, đội ngũ công chức cần coi việc phục vụ người dân là mục tiêu chính trong hoạt động của mình. Việc nghiên cứu phương pháp có sự tham gia của cộng đồng vào công tác quy hoạch là rất cần thiết góp phần phát triển xã hội theo hướng công bằng dân chủ và bền vững.”

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lập quy hoạch không chỉ làm đúng theo đúng quy định của pháp luật về công bố thông tin, lấy ý kiến người dân mà còn tùy thuộc vào tình hình, đặc điểm phân bố dân cư để có biện pháp đưa thông tin đến người dân một cách phù hợp nhất. Cùng một nội dung nhưng cần có kế hoạch tổ chức thông tin lấy ý kiến người dân bằng nhiều hình thức phát khác nhau, phù hợp với từng nhóm dân cư.

Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/can-bo-sung-che-tai-xu-ly-voi-truong-hop-cham-hoac-khong-cong-khai-thong-tin-quy-hoach