Căn bệnh không có cách chữa khi xuất hiện triệu chứng

Không tiêm vaccine do tâm lý chủ quan với chó nhà, thiếu hiểu biết về bệnh dại khiến nhiều người mắc và tử vong do căn bệnh này.

Không tiêm ngừa vaccine phòng dại ngay khi bị chó cắn là nguyên nhân phổ biến khiến người bệnh bị tử vong do căn bệnh này. Ảnh minh họa: Thescotsman.

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, chỉ trong 2 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận 17 ca tử vong do dại tại 13 tỉnh, thành phố, tăng 8 ca so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, riêng tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Đa số trường hợp tử vong đều chưa được tiêm phòng do tâm lý chủ quan cho rằng chó nhà cắn và tại thời điểm cắn chó bình thường. Ngoài ra, nhiều người không hiểu biết về bệnh dại, trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình, tâm lý e ngại với vaccine phòng dại cũng là nguyên nhân gây tử vong vì bệnh dại.

Dại là bệnh do virus lây truyền từ động vật sang người, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, bệnh dại gần như gây tử vong 100%.

Virus dại lây lan sang người và động vật qua nước bọt, thường là qua vết cắn, vết trầy xước hoặc tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc (như mắt, miệng hoặc vết thương hở).

Khi bị chó hoặc động vật cắn, cào, liếm vào vết xước, người bệnh cần xử lý bằng cách:

Rửa vết thương dưới vòi nước chảy, càng sớm càng tốt trong 15 phút
Rửa vết thương bằng xà phòng và nước hoặc bằng các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn iode; cồn 70 độ hoặc rượu mạnh; xà phòng, dầu gội, dầu tắm…
Khẩn trương đến các cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá vết thương, tư vấn tiêm chủng vaccine và huyết thanh theo từng trường hợp như tình trạng động vật lúc cắn, tình trạng và số lượng vết cắn, vị trí bị cắn

Ngoài ra, mọi người có thể kiểm soát bệnh dại ở động vật bằng cách:

Tiêm vaccine cho thú nuôi, đặc biệt cho chó, kể cả chó con
Phòng ngừa vết cắn cho người: đeo rọ mõm cho chó khi ra đường; xích hoặc nhốt chó khi có người lạ đến gia đình…

Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng vaccine và nó không gây hại cho người tiêm. Vaccine phòng dại được sản xuất từ virus dại đã bất hoạt, do đó không có khả năng gây bệnh, không ảnh hưởng đến trí nhớ và các vấn đề thần kinh khác.

Sở cũng khuyến cáo mọi người không nên lo ngại hay do dự tiêm vaccine phòng dại khi bị chó hoặc động vật cắn. Tốt nhất là đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, xử trí kịp thời.

Mai Phương

Nguồn Znews: https://znews.vn/can-benh-khong-co-cach-chua-khi-xuat-hien-trieu-chung-post1461827.html